Bà Trần Thị Ngọc Anh (thứ 3 từ trái sang) trong buổi giám sát tại trường nghề. Ảnh: Q.H
|
“Có thể nói rằng trong năm học vừa qua, trường lớp, trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư đồng bộ, cùng đội ngũ thầy cô giáo ngày một vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ… Điều này đã nói lên sự cố gắng vượt bậc của ngành giáo dục, đào tạo thành phố”, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân (VH-XH HĐND) TP.HCM cho biết sau một năm làm nhiệm vụ “giám sát”.
PV: Với cương vị là Trưởng ban VH-XH HĐND TP, sau một năm làm nhiệm vụ “giám sát”, bà đánh giá thế nào về những việc mà ngành giáo dục TP đã làm được trong thời gian qua?
Qua sự giám sát, đi thăm của ban và làm việc với các trường chúng tôi nhận thấy sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành với sự nghiệp GD của TP. Chỉ trong năm 2010, toàn TP có rất nhiều trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non và tiểu học) đã nói lên sự cố gắng vượt bậc này. Việc đẩy mạnh xây dựng nhà trường tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đổi mới quản lý của ngành GD-ĐT… đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đó là do ngành GD-ĐT TP.HCM có những cơ chế phù hợp với từng quận huyện, để khuyến khích phụ huynh học sinh (PHHS) và thầy cô giáo thực hiện cũng như phát huy những khả năng sáng tạo, ứng dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến trong GD HS.
Tuy nhiên, có nhiều quận, huyện nhiều thời điểm chỉ tiêu vạch ra không thực hiện được như: muốn xây dựng một ngôi trường tiên tiến, đạt chuẩn quốc gia thì nhà trường đó phải đạt được mức cơ bản là sĩ số lớp không quá 35 em. Trong khi đó nhiều quận huyện dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước, quỹ đất dành cho giáo dục ngày một ít đi và trường mới được xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn. Từ đó, dẫn đến tình trạng quá tải về sĩ số học sinh, chạy trường, chạy lớp năm nào cũng là vấn đề bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một phần cũng do một số quận, huyện “đầu tư” cho GD chưa xứng tầm. Việc đầu tư trang thiết bị, xây mới trường lớp của các quận, huyện này chưa đều và chưa thật sự quyết liệt.
Từ báo cáo kết quả giám sát của Ban VH-XH HĐND TP, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã có nhiều buổi làm việc với các quận, huyện có tiến độ xây dựng trường lớp chậm. Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận xác định: Trừ loại hình trường THPT do Sở GD-ĐT quản lý trực tiếp thì cơ sở vật chất của các trường này đều được đầu tư, xây dựng khang trang còn các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) mà trường lớp xuống cấp thì trách nhiệm đầu tiên, thuộc về UBND các quận, huyện.
Như bà đã nói về tình trạng chạy trường trong năm qua vẫn còn, vậy theo Trưởng ban VH-XH thì nguyên nhân này do đâu, và hướng khắc phục thế nào?
Với quy mô dân số tăng rất nhanh trong thời gian qua, nhiều trường MN, TH đã được xây mới, đạt chuẩn thì áp lực về nhu cầu cho con em mình được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại này của PHHS là rất lớn. Từ áp lực đó dẫn đến tình trạng chạy trường, chạy lớp. Bởi phụ huynh bây giờ chỉ có từ 1 tới 2 con, việc họ mong muốn con em mình được vào học tại những ngôi trường này là nhu cầu chính đáng.
Nếu như trong tất cả các quận, huyện ngoài những ngôi trường đã đạt chuẩn thì số trường còn lại (chưa đạt chuẩn) được đầu tư phòng học, sân chơi… trang thiết bị hiện đại, giáo viên, cán bộ quản lý vững chuyên môn, dám nghĩ dám làm. Đảm bảo có góc thư viện hay những trường có bán trú thì phải đảm bảo tương đối cho trẻ nơi ăn nghỉ thoáng mát, sạch sẽ, bàn ghế đúng chuẩn… Sẽ hạn chế được tình trạng chạy trường, chạy lớp.
Đối với các quận, huyện còn yếu kém về mặt bằng chung trong giáo dục thì cần phải có cách làm như thế nào?
Giải quyết việc đầu tư, xây mới trường học, thay đổi trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu đòi hỏi các cấp quận, huyện phải có cách làm khoa học, tâm huyết và đồng bộ. Không thể làm theo cách dàn trải mà làm đến đâu phải hoàn thiện đến đó. Riêng ngành GD-ĐT của các quận, huyện phải mạnh dạn điều động, điều chuyển giáo viên giỏi, ban giám hiệu mạnh về những trường còn yếu kém. Có làm được như vậy mới nâng “tầm” được những trường còn thiếu, còn yếu này.
Thưa bà, còn việc đào tạo, dạy nghề trong năm qua thì sao?
Dễ dàng nhận thấy các trường nghề khó thu hút học viên một phần vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu người học. Mặt bằng nhỏ hẹp, thiếu không gian, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu càng khiến cho các trường nghề lâm vào tình trạng lúng túng, khó thu hút học viên. Tại các trung tâm dạy nghề (TTDN) như: quận 11, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… tuy có được những dãy phòng học mới khá khang trang nhưng thiết bị ở đây còn lạc hậu. Chẳng hạn, tại TTDN quận 11, ngoài các ngành chuyên về thẩm mỹ thì các ngành vốn được xem là thế mạnh của TP như điện tử, điện cơ…, thiết bị cũ kỹ, không phù hợp. Hay tại TTDN Nhà Bè, tuy cơ sở khang trang nhưng những ngành điện tử công nghiệp, điện lạnh công nghiệp… thì thiết bị lại nghèo nàn, không thu hút học viên khi thực hành. Cơ sở vật chất yếu kém, đội ngũ giáo viên chắp vá; người làm công tác dạy nghề chậm đổi mới, thiếu năng động, chỉ biết trông chờ ngân sách nên các TTDN vắng bóng học viên là điều dễ hiểu.
Trân trọng cám ơn bà!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Bình luận (0)