Xuân Thùy trong vở Quỷ |
Cho dù đó là vai phụ hay vai chính nhưng qua diễn xuất của mình, các diễn viên đã khắc họa hình tượng nhân vật một cách độc đáo và sâu sắc. Họ đã tạo được ấn tượng đẹp với khán giả trong năm 2009 cũng như gặt hái được những thành quả “vàng”…
Diễn viên Xuân Thùy: Ấn tượng cô gái “ quỷ”…
Sân khấu kịch Sài Gòn năm qua thu hút khán giả với vở Quỷ của tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Cô diễn viên xinh đẹp Xuân Thùy được chọn vào vai “quỷ”. Cái khó của Xuân Thùy trong vở này là phải thể hiện hai tuyến nhân vật khác nhau: Cô Duyên hiền lành, ngây thơ trong tình yêu nên bị lợi dụng trong tình yêu và chết một cách oan ức. Khi nhập vào vai “quỷ” , Thùy phải hóa trang cho giống và chỉ xuất hiện trong ánh đèn mờ ảo cùng một âm thanh rùng rợn. Chi tiết “quỷ” của Thùy lúc ẩn lúc hiện trong chiếc tủ gần giường ngủ của vợ chồng Hiệp làm cho khán giả phải thót tim. Rồi khi vở diễn khép lại và những hình ảnh quỷ quái, kinh sợ của “quỷ” Xuân Thùy không còn trong lòng người xem mà ở đó khán giả đau đáu về bi kịch trong tình yêu của một cô gái trẻ… Liên tục hai tháng trời, Thùy đã tập luyện cùng với những kỹ xảo âm thanh và ánh sáng. Thùy còn nhận được điện thoại của đứa em họ 10 tuổi “hù dọa” khi đi xem về: “Chị đừng đóng vai đó nữa, ghê quá, xem về em không ngủ được. Chị mà còn đóng nữa là em nghỉ chơi ra đó…”. May mắn đã mỉm cười với Xuân Thùy. Bắt đầu từ những vai diễn rất nhỏ, mỗi ngày một chút, nét diễn duyên dáng đầy sáng tạo của Thùy đã tạo niềm tin với các đạo diễn. Vai diễn đã giúp Thùy nhận được chiếc Huy chương vàng trong “Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2009” vừa qua. Tết này, Thùy có đến ba vai chính trên sân khấu Kịch Sài Gòn.
Diễn viên Hồng Ánh: Vai diễn để đời
Dù không phải là lần đầu tiên vào vai cô giáo nhưng với Cô giáo Hạnh trong phim nhựa Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vinh Sơn, Hồng Ánh yêu thích thật sự và “sống” với nhân vật như chính bản thân mình. Có lẽ nhờ thế mà Hồng Ánh nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn này trong Liên hoan phim Cánh diều vàng 2009. Cô giáo Hạnh một phụ nữ Huế dịu dàng, tinh tế, hết lòng yêu và cung phụng chồng. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi của Trường THPT Thuận Đạt, được học trò kính trọng, đồng nghiệp yêu mến. Tuy nhiên, vì bị vô sinh nên cô chấp nhận hy sinh, thuê người đàn bà khác đẻ con cho chồng. Chồng Hạnh – thầy giáo Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Đạt là người nho nhã, nhạy cảm nhưng lại ích kỷ. Khi việc có vợ con riêng bị vỡ lở, chức hiệu trưởng của mình có thể bị lung lay, thầy Phương buồn lòng mất ăn mất ngủ. Vì thương chồng, một lần nữa, Hạnh làm đơn đơn ly dị giả nhưng rồi giả hóa ra thật. Cô giáo Hạnh bị người đàn bà quê đẻ thuê cướp mất chồng, cô hoàn toàn sụp đổ khi thấy người chồng mình tôn thờ như vị thánh giờ đây đành tâm phản bội. Cái khó của vai này là sự mất mát, đau đớn của nhân vật này không thể hiện bằng tiếng gào thét hay những giọt nước mắt nức nở mà chủ yếu được biểu lộ qua đôi mắt, sắc mặt. Hồng Ánh cho biết: “Thật ra, tôi thích cô giáo Hạnh mặc dù gánh chịu nỗi đau gia đình nhưng sẽ tìm niềm vui với nghề dạy học, với học trò của mình hơn. Hẳn khán giả cũng mong chờ một cái kết nhân ái như thế. Nhưng theo đạo diễn Vinh Sơn thì anh muốn đưa ra một thông điệp cảnh báo cho mọi người chứ không muốn mọi người có cái nhìn thương hại cho cô giáo Hạnh… Có thể đây là vai diễn để đời của tôi và cũng là vai cô giáo mà tôi không bao giờ quên được…”
Diễn viên Hòa Hiệp: Chàng “Trọng Thủy mắt hí”…
Nếu như trước đây, đồng nghiệp và khán giả thường gọi Hòa Hiệp bằng cái tên thân mật “Hiệp hí” thì hiện nay, cái tên ấy được thay bằng “Trọng Thủy mắt hí”… Cũng phải thôi, với vai Trọng Thủy trong vở Nỏ thần do Đức Thịnh đạo diễn lần này trên sân khấu kịch Kim Châu, Hòa Hiệp đã khẳng định được tài năng cũng như sự “chín muồi” của mình trong diễn xuất. Hiệp tâm sự: “Là một diễn viên, còn có niềm vui nào to lớn hơn là được khán giả gọi mình bằng tên nhân vật. Niềm vui càng được nhân đôi hơn khi Hiệp nghe những lời nhận xét chân tình của NSƯT Hồng Vân nói với báo chí: “Ở sân khấu của tôi, nếu không phải Hòa Hiệp vào vai Trọng Thủy thì không còn anh kép nào có thể vào vai hợp hơn. Khi xem Hiệp diễn vai Trọng Thủy, tôi đã khóc…”. Đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng diễn thành công vai Trọng Thủy, nên khi được giao vai diễn này, Hiệp rất áp lực. Cái khó của nhân vật này là trong một con người phải diễn làm sao bật ra cho bằng được 4 điểm: Trung – hiếu – nghĩa – tình. Khác với cải lương, không có hát chỉ toàn nói nên diễn viên phải diễn nội tâm nhiều. Hiệp đã tập liên tục với nghệ sĩ tuồng cổ Thanh Sơn những động tác cực kỳ khó như phi ngựa, lăn bông cải, đi gối, lăn, lộn, đánh võ, múa quạt… Hiệp đã bị thương, cả bị xỉu vì tập vai diễn này quá căng thẳng. Nhưng Hiệp rất vui khi nhiều anh chị nghệ sĩ đi trước cho biết nét diễn của Hiệp không bị lẫn lộn cũng như không trùng lấp với bất kỳ diễn viên nào. Chiếc Huy chương vàng dành cho Hiệp với vai Trọng Thủy trong Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2009 hoàn toàn xứng đáng.
H.Thanh – S.Minh
Bình luận (0)