Tiếp tục góp ý với Bộ về công tác thi năm 2009
Đó là một trong những vấn đề gây sự chú ý của dư luận trong và ngoài ngành tuần qua.
Bộ vừa đưa ra dự thảo về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009 với nhiều điểm mới nhằm tăng cường tốt hơn tính công bằng, chính xác cho kỳ thi. Có một điểm mới là tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh thành với nhau. Điều này gây lo ngại cho nhiều phụ huynh ở TP.HCM. Việc chấm chéo chỉ thực sự công bằng khi hội đồng chấm thực sự không biết mình chấm bài của thí sinh tỉnh thành nào. Nếu biết, chắc chắn không tránh khỏi tâm lý đố kỵ, chèn ép điểm thi giữa các tỉnh thành với nhau, nhất là chèn ép bài thi của các thí sinh tỉnh thành có truyền thống đỗ cao như TP.HCM.
Dẫu biết, hầu hết thầy cô đều tốt, công minh. Nhưng đã làm công tác thi thì ai cũng biết việc xê xích từ 0,5 đến 1 điểm trong bài thi có ý nghĩa rất lớn đến kết quả chung. Mà đối với bài tự luận, việc tăng hay giảm nửa điểm; thậm chí 1, 2 điểm thì khó phát hiện được. Việc chấm chỉ thực sự công bằng khi người chấm hoàn toàn không biết bài là của thí sinh nào, của tỉnh thành nào. Muốn vậy, Bộ phải lập hội đồng làm phách chung cho cả nước, các hội đồng chấm sẽ không biết mình chấm bài của thí sinh tỉnh thành nào, có như vậy mới đảm bảo tính vô tư, công bằng. Và đó cũng là một trong nhiều ý kiến đóng góp của Sở GD-ĐT TP.HCM cho quy chế thi năm nay.
Nói vậy mà không phải vậy
Báo Giáo Dục TP.HCM cùng nhiều tờ báo khác đưa tin bài chung quanh ý kiến bức xúc của các đại biểu dự hội nghị sơ kết học kỳ 1 mầm non, nổi bật là giờ làm thêm của giáo viên mầm non chưa được phụ cấp đầy đủ. Thay vì được phụ cấp 2 giờ/ngày thì nay chỉ được 1giờ/ngày-tối đa 200 giờ/năm. Điều đó làm nhiều người có ý kiến đề nghị giờ đón trẻ sẽ từ 8 giờ – thay vì 7 giờ sáng như hiện nay.
Thực ra ý kiến đón trẻ trễ hơn xuất phát từ sự bức xúc về chế độ đãi ngộ, phụ cấp bồi dưỡng cho giáo viên mầm non công lập chưa tương xứng lao động khó nhọc và kéo dài mỗi ngày. Các cấp quản lý mầm non cũng không có quyết định chính thức nào về việc đón trẻ trễ hơn. Ai cũng biết làm sao mà đón trẻ trễ như vậy trong tình hình hiện nay. Là nhà giáo, nhất là cô giáo mầm non, coi trẻ như con với tất cả tình thương và trách nhiệm. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, chính quyền địa phương cần có biện pháp vận dụng thông thoáng chính sách tài chính để trả công đầy đủ cho giáo viên mầm non, tránh tình trạng họ nghỉ việc quá nhiều như hiện nay.
Lãnh đạo vi hành, sâu sát cơ sở
Đó là nét hình như rất riêng của các đời giám đốc Sở GD-ĐT thành phố, nhất là từ thời ông Trương Song Đức đến ông Huỳnh Công Minh. Vi hành, tăng cường đi cơ sở như là phong cách lãnh đạo thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay, vừa sâu sát vừa dân chủ, tránh được bệnh quan liêu và xa rời thực tế. Có nắm bắt được tình hình thực tế mới có giải pháp hữu hiệu. Điều đơn giản nhưng có tính kinh điển, mấy ai làm được.
Tuần này ông Minh trực tiếp đi dự giờ tại một số trường và ông cũng yêu cầu các chuyên viên phòng chuyên môn tăng cường dự giờ, thăm lớp. Học kỳ này, nhất là tháng 3 và 4 là thời gian quyết định chất lượng dạy học của cả năm học. Do đó, ông Minh coi trọng việc thường xuyên đi cơ sở, kiểm tra hoạt động dạy học tại các nhà trường – nhất là các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp – nhằm khắc phục tình trạng yếu kém trong quá trình dạy học, củng cố và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục tại các nhà trường.
Long Phụng Sơn
Bình luận (0)