Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bác gọi về chiến khu Việt Bắc

Tạp Chí Giáo Dục

(Tiếp theo và hết)

Bác Hồ thăm bà con các dân tộc xã Hùng An (Đại Từ – Thái Nguyên) nhân vụ mùa năm 1954. Ảnh: I.T

Cũng may là điều này tôi đã chuẩn bị sẵn trong óc nên báo cáo rất tỉ mỉ với Bác về tình hình ăn ở, về việc địa phương cung cấp gạo, mắm muối và việc giúp các gia đình công nhân tham gia làm việc trong nhà máy. Tôi kể lại những hy sinh to lớn của anh chị em công nhân trẻ làm việc không có lương, ăn uống kham khổ, nhưng trăm người như một đều hướng về Đảng và tin tưởng ở thắng lợi ngày mai.

Trước hết, Bác dạy tôi phải chú trọng đến việc nâng cao đời sống cho công nhân. Bác nói:

– Kháng chiến còn dài, phải biết tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tránh lãng phí. Chi bộ Đảng phải quan tâm đến đời sống và học tập của anh chị em thợ trẻ.
Tôi say sưa nghe kỹ từng lời, từng chữ. Bác tiếp tục nói:

– Nhà máy đã che kín chưa? Khi tàu bay bắn phá thì anh chị em ẩn nấp ở đâu?
Thực ra nhà máy chúng tôi chưa có kế hoạch gì cả, mình lại còn non nớt, chưa có kinh nghiệm, lại xem thường, nên tôi báo cáo:
– Thưa Bác! Gần rừng, nếu có việc gì chúng cháu kéo chạy ra rừng hoặc chạy vào sườn núi ạ!
Bác lắc đầu:
– Không được đâu, thế là chủ quan lắm. Ngày mai về triển khai Chi bộ Đảng các chú phải tổ chức đào hầm tránh máy bay, phải che chắn máy móc cẩn thận. Nếu bỏ chạy, thì không sản xuất được mà còn bị lộ sẽ nguy hiểm. Còn người, còn máy thì còn sản xuất và còn đánh Pháp được. Con người là rất quý. Các chú phải bảo vệ cẩn thận.
Bác quay sang phía anh Hiến:
– Bác nhắc chú Hiến là đối với các cơ sở sản xuất phải chú ý an toàn, phải cảnh giác, chớ coi thường.
– Vâng, cháu xin hứa sẽ về làm ngay ạ!
Anh Hiến biết khuyết điểm, mặt hơi cúi xuống, còn tôi thì toát mồ hôi. Tôi nghĩ: mình thật đáng tội. Bác phê bình đồng chí Bộ trưởng, nhưng chính là khuyết điểm của mình. Lần đầu tiên được Bác trực tiếp phê bình thật chí lý, mình chưa làm tròn phận sự bảo vệ công nhân.
Chúng tôi đang băn khoăn, thì Bác lại thân mật hỏi tiếp:
– Các chú ở nhà máy có liên hệ, giúp đỡ bà con nông dân ở địa phương không? Phong tục ở đấy, các chú đã hiểu hết chưa?
– Thưa chưa ạ!
Bác cười, nụ cười rất hiền hậu, khoan dung, nhưng cũng rất nghiêm khắc:
– Thế ai cung cấp nguyên liệu cho các chú?
– Bà con các dân tộc ạ!
Bác xòe bàn tay, chỉ từng ngón một, Bác nói:
– Gạo này, thịt này, tre nứa này, các thứ làm ra giấy này, cái gì cũng dựa vào nhân dân. Bà con nông dân ở đâu “hậu đãi” các chú như thế mà các chú lại ăn ở “bạc bẽo” không liên hệ giúp đỡ bà con.
Bác nói tiếp:
– Thế bà con nông dân nghe xây dựng nhà máy có vui mừng không?
– Thưa Bác vui thì có vui ạ, nhưng cũng sợ bị ném bom chết cả làng.
Bác ngắt lời tôi:
– Đúng đấy, phải hiểu rõ khó khăn và tâm tư của quần chúng, giáo dục giúp đỡ đồng bào cùng chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ cách mạng. Còn các chú công nhân thì phải đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong mọi việc để quần chúng tin cậy. Đồng bào vững lòng kháng chiến và tin tưởng thì kháng chiến nhất định thành công.
Bác lại ân cần thăm hỏi gia đình tôi và Bác hỏi tôi bao nhiêu tuổi.
Tôi đáp lại:
– Cháu hăm ba tuổi ạ.
Bác gật đầu có vẻ hài lòng. Bác nói:
– Thanh niên như thế là tốt, chú còn trẻ. Làm việc phải biết dựa vào Đảng, dựa vào nhân dân. Việc gì cũng bàn bạc với quần chúng. Phải khiêm tốn, tự nguyện làm học trò quần chúng.
Sau cùng, Bác khen anh chị em thợ Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ đã anh dũng chiến đấu và làm được giấy kháng chiến. Bác dạy:
– Công nhân nhà máy còn phải ra sức học tập, phải nêu cao vai trò làm chủ, phải tiến bộ không ngừng, không được tự kiêu, tự mãn. Sau này kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, các cô các chú còn phải quản lý nhà máy to lớn hơn.

Câu chuyện kéo dài quá 40 phút. Bác còn dặn dò anh Hiến:

– Chú Hiến nên rút ra một số kinh nghiệm. Qua Nhà máy Hoàng Văn Thụ, công nhân Việt Nam ta như vậy là rất giỏi, rất dũng cảm. Phải đẩy mạnh thi đua ái quốc, thi đua làm nhanh, làm nhiều, làm tốt, làm rẻ. Phát huy mọi khả năng, mọi sáng kiến làm cho mọi người tin ở sức mình, tin ở tập thể. Phải bảo vệ cơ sở sản xuất cho tốt. Bác nhắc chú vấn đề dùng máy sản xuất, nhưng phải coi trọng thủ công. Chẳng may máy móc bị bắn phá thì vẫn liên tục sản xuất được. Bác nghe chú Sửu, Bí thư Chi bộ Nhà máy nói như vậy là chưa chú trọng đúng mức đến đời sống công nhân. Chưa hết lòng giúp đỡ đồng bào địa phương và chưa cảnh giác cách mạng cao.

Đêm ấy ra về, anh Hiến dặn tôi phải đem mọi ý kiến của Bác về báo cáo với chi bộ, và bàn bạc với anh em công nhân, phát động thi đua trong nhà máy.
Hôm sau mặt trời lên đã khá cao, tôi trở về đến nhà. Toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy đã họp mít tinh để nghe tôi báo cáo và phát động thi đua sản xuất tiết kiệm. Cũng nhờ đó mà tinh thần làm chủ được nêu cao, sáng kiến được nảy nở, phong trào thi đua với chị thợ xeo Nguyễn Thị Soi được toàn thể cán bộ, công nhân tham gia sôi nổi. Chúng tôi tìm tòi làm “than trắng” (thủy điện nhỏ) tiết kiệm được nhiều “vàng đen”, hạ giá thành 20%. Những đường hào những hầm hố ngang dọc quanh nhà máy, máy móc được đắp ụ che chắn kỹ. Trong những năm kháng chiến, có nơi bị bắn phá đến 12 lần, có cơ sở chịu đựng 18 trận bom mà vẫn bảo vệ được an toàn, hạn chế được thiệt hại.

Vâng theo lời Bác dạy, chúng tôi khai phá đồi hoang trồng sắn, trồng khoai. Hàng năm tự túc được trên ba tháng lương thực, để cho các chiến sĩ có nhiều thóc gạo ăn no đánh khỏe giành thắng lợi. Vâng lời Bác, chúng tôi còn ra sức giúp đồng bào địa phương, đáp đền lại tấm lòng trung hậu và ý chí cách mạng của nông dân, và cũng nhờ thế tinh thần đoàn kết công nông được tăng cường rõ rệt.

Thế rồi, sau chín năm chiến đấu cực kỳ anh dũng hòa bình được lập lại. Những lời dạy xưa kia của Bác được thực hiện đầy đủ. Quả nhiên, anh chị em Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ làm chủ được nhà máy to lớn gấp bội phần, mức sản xuất gấp hàng chục lần trước kia. 14 năm sau, mỗi năm thành tích thi đua yêu nước của nhà máy được đánh dấu bằng một huân chương lao động. Có hai phân xưởng được danh hiệu vẻ vang: phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ đã trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp. Nhất là những ngày chống chiến tranh phá hoại man rợ của giặc Mỹ, anh chị em công nhân vừa chiến đấu vừa sản xuất đã lập nhiều thành tích vẻ vang.

20 năm đã qua, những lời dạy của Bác đã soi sáng cho chúng tôi trên mọi đường, trong mọi công tác, trong tư tưởng, tình cảm và cả trong sinh hoạt hàng ngày.

Bác gọi tôi 20 năm về trước, tôi vẫn đinh ninh là Bác vừa gọi tôi mới ngày hôm qua. Bác gọi, cháu luôn luôn có mặt. Thưa với Bác “chúng cháu đã sẵn sàng”.

Đoàn Minh Tuấn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)