Nhớ lại những bữa ăn đạm bạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quý trọng một tấm gương thực hành tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí. Người vẫn để lại cho chúng ta đến hôm nay từ những điều bình dị nhất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được cùng ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhất, từng kể: “Bữa ăn nào Bác Hồ cũng tiết kiệm, vừa đủ, không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác thích ăn những món dân dã như cá kho gừng, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng. Những ngày mời khách ở lại dùng cơm, Bác luôn báo trước với người cấp dưỡng chuẩn bị những món ăn hợp khẩu vị của khách. Và đặc biệt, số tiền đãi cơm Bác đề nghị phải được trừ vào tiền lương của Bác, không lấy tiền ở công quỹ. Hằng năm, vào ngày 19.5, Bác thường đi làm việc hoặc đến thăm hỏi một số nơi để tránh những nghi lễ chúc mừng phiền phức và tốn kém”. Anh em phục vụ ở “khu bếp A” biết khẩu vị, thói quen và tính tình hai vị lãnh đạo nên đặt “bí danh” cho hai người trên bảng ghi công việc cấp dưỡng của mình: “Cụ Hiền” – Bác Hồ, “Ông Lành” – Bác Đồng.
Ông Đinh Văn Cẩn, người nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1952 đến năm 1969, kể lại: Nếu đi công tác dài ngày thì ông đi cùng để nấu ăn, đó là nguyên tắc bảo vệ sức khỏe cho Người. Nếu đi thăm các địa phương một ngày thì Bác thường dặn ông Cẩn chuẩn bị sẵn cơm và thức ăn ở nhà. Nhiều khi Người chọn chỗ nghỉ vắng, mát, phong cảnh hữu tình để cùng cả đoàn ăn trưa. Bác bảo làm như vậy vừa không làm phiền địa phương, vừa tiết kiệm tiền bạc của nhân dân.
Ông Đặng Văn Lơ, người cùng với ông Cẩn nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (cho đến năm 1988), cũng kể: Bác thường không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước! Phong cách này khắc hẳn với tất cả các nguyên thủ quốc gia nhưng đó lại là điều thường gặp ở Hồ Chí Minh.
Chuyện những bữa ăn giản dị của Bác Hồ gợi nhiều suy nghĩ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hôm nay đang được chúng ta đẩy mạnh trước nhiều nguy cơ: Nợ xấu của quốc gia, tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ của cán bộ… Nhiều điều chưa đúng như những gì Hồ Chí Minh đã căn dặn về thực hành tiết kiệm khi vẫn còn những cung cách tổ chức rườm rà, xa hoa, còn nhiều tiệc tùng chiêu đãi, ăn mừng linh đình và lãng phí, vẫn còn cái cách “khách ba chủ nhà bảy” và cũng còn nhiều cảnh vòi vĩnh “quà” khi đi công tác ở các địa phương…
Nhìn một cách toàn diện, lãng phí còn đáng sợ hơn tham nhũng. Tham nhũng chỉ tập trung ở những con người cụ thể, trên một số lĩnh vực cụ thể trong bộ máy công quyền. Tham nhũng gây ra những tác hại cụ thể hơn và vì thế cũng dễ nhận diện hơn, có thể tập trung mũi nhọn đấu tranh một cách quyết liệt. Lãng phí có thể có mặt khắp mọi nơi: ở công sở, trên công trường cũng như trong từng gia đình. Lãng phí “mờ ảo” khó nhận diện và dễ lan tràn ở diện rộng hơn. Lãng phí làm “hao mòn” xã hội không chỉ về vật chất, tiền bạc mà cả thời gian, công sức, tâm trí. Nhưng hình như lâu nay người ta chưa đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện lãng phí. Việc xử lý những kẻ bỏ túi riêng hình như đang được xã hội quan tâm riết róng hơn việc giảm bớt những thiệt hại do đánh mất chung.
Lãng phí xảy ra không chỉ vì cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, không chỉ vì chính sách và cơ chế quản lý chưa đồng bộ mà còn (và chủ yếu) do trình độ, ý thức và cả năng lực làm chủ của mỗi người. Khi mỗi người biết làm chủ mọi công việc của mình và biết cách thực hiện những công việc đó với hiệu quả cao nhất sẽ ít gây lãng phí nhất. Vì vậy, chống lãng phí trước hết phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức tiết kiệm và hoàn thiện về mặt tri thức để mỗi cá nhân cũng như cả tổ chức có thể thực hành tiết kiệm một cách hiệu quả.
Bữa ăn trên đường công tác của Bác
Cụ Phí Văn Bái (1914 – 2014), nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng phòng Cục Địch vận – Bộ Quốc phòng, chuyên viên Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), 70 năm tuổi Đảng… kể: “Một buổi sáng cuối tháng chạp năm 1945, khoảng gần 10 giờ, tôi lúc ấy giữ nhiệm vụ Bí thư Ủy ban Hành chính (nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh – PV) tỉnh Ninh Bình nhận được tin Bác Hồ vừa đi qua thị xã; xe Bác rẽ xuống huyện Kim Sơn. Cả Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính và Công an tỉnh đều không được thông báo chương trình Bác Hồ xuống Ninh Bình.
Biết tin Bác Hồ ở Kim Sơn về tỉnh Ninh Bình, nhân dân thị xã kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Cuối buổi họp Bác đồng ý cho mời nhân dân thị xã đến sân của Ủy ban Hành chính gặp Bác và nghe Bác nói chuyện. Trong khi chờ đợi, Bác đi xem các phòng làm việc và nơi ăn chốn ở của chúng tôi.
Tôi đi trước, mở phòng họp lớn ở bên cạnh. Giữa phòng có một cái bàn rộng, chung quanh có nhiều ghế dựa. Giữa bàn có một cái mâm đậy chiếc lồng bàn. Bác bước vào, giơ tay nhấc chiếc lồng bàn thấy một con gà đã luộc chín, để trên cái đĩa, với một số bát đũa sắp sẵn. Chúng tôi ngỏ lời mời Bác xơi cơm trước khi về Hà Nội. Bác nói ngay: “Nếu có điều kiện ở lại ăn với các chú bữa cơm thì cũng rất vui. Nhưng Bác đã có một cuộc họp, hẹn trước vào 8 giờ tối hôm nay. Chiếc xe của Bác đã cũ, chỉ chạy được hơn 30 cây số một giờ. Từ Ninh Bình về Hà Nội vừa đúng 100 cây số. Năm giờ Bác phải về mới kịp giờ họp”.
Bác dừng lại mấy giây rồi nói tiếp: “Lúc nãy, xe Bác đi qua thị xã, ngồi trong xe Bác nhìn thấy có hàng bán bánh giò treo lủng lẳng mấy cái bánh ở trước cửa hàng. Đã lâu lắm Bác không được ăn chiếc bánh quê hương ấy. Mua cho Bác mấy cái. Trên đường về Bác ăn, vừa tiết kiệm thì giờ và cũng như ăn cơm với các chú… Thôi, đồng ý nhé”.
Cả buổi tối hôm đó, trong cơ quan ai cũng chỉ nói chuyện về Bác Hồ. Riêng tôi cảm thấy hạnh phúc được đi mua bánh để Bác ăn, nhưng lại tự trách mình, sao không mua thêm những thứ khác. Vì mỗi người chỉ có 3 chiếc bánh nhỏ, mỗi chiếc có hai xu, làm sao no được”.
Kiều Mai Sơn (ghi)
|
TS Ngô Vương Anh (TNO)
Bình luận (0)