Hội nhậpThế giới 24h

Bắc Kinh lo nguy cơ ở Trùng Khánh

Tạp Chí Giáo Dục

Chính quyền Trung Quốc đang bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ bất ổn ở thành phố Trùng Khánh sau vụ bí thư Thành ủy Bạc Hi Lai vi phạm kỷ luật đảng và bà vợ Cốc Khai Lai bị tình nghi giết người.
Ông Bạc Hi Lai đến thăm một trường tiểu học ở Trùng Khánh hồi tháng 12-2009 – Ảnh: Reuters 
Mới đây, Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Sở An ninh Trùng Khánh tuyên bố cảnh sát Trùng Khánh cam kết “sẽ bảo vệ tốt hơn giới doanh nhân, nhà nghiên cứu và khách du lịch nước ngoài” đang sống, làm việc và đến thăm thành phố “Chicago của Trung Quốc”. Tân Hoa xã nhấn mạnh vụ doanh nhân Anh Neil Heywood bị đầu độc chỉ là một trong số rất ít trường hợp người nước ngoài thiệt mạng ở Trùng Khánh.
Trong khi đó, lần đầu tiên một quan chức cấp cao tại Bắc Kinh thẳng thừng chỉ trích ông Bạc Hi Lai và cảnh báo nguy cơ bất ổn ở Trùng Khánh. Báo Tin Tức Chất Lượng dẫn lời ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chi Thụ Bình cảnh báo “sự phát triển và bình ổn của Trùng Khánh đang trong giai đoạn khủng hoảng”. Ông Chi Thụ Bình nhấn mạnh sự kiện Bạc Hi Lai và Vương Lập Quân “gây tổn hại nghiêm trọng cho đảng, nhà nước cũng như Trùng Khánh”.
Kiện đòi công lý
Ông Chi Thụ Bình cam kết chính quyền Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Trùng Khánh sau sự thay đổi đột ngột dàn lãnh đạo chủ chốt ở đây. Giới quan sát phương Tây nhận định tuyên bố của ông Chi Thụ Bình cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách duy trì sự ổn định ở thành phố Trùng Khánh sau cơn bão chính trị Bạc Hi Lai.
Trên thực tế, xã hội Trùng Khánh đã có những thay đổi sau khi ông Bạc Hi Lai sụp đổ. Báo Washington Post dẫn một số nguồn tin từ Trùng Khánh tiết lộ trong những ngày qua, hàng trăm gia đình các phạm nhân bị bắt dưới thời bộ đôi Bạc Hi Lai – Vương Lập Quân đang đổ xô về thành phố đòi chính quyền xem xét lại trường hợp của người thân họ. Các gia đình này cho rằng Bạc Hi Lai đã xử oan sai con em họ.
Truyền thông Trung Quốc ước tính hơn 4.000 người đã bị giam trong chiến dịch chống tội phạm ở Trùng Khánh do ông Bạc Hi Lai phát động vào cuối năm 2007. Trong chiến dịch “đả hắc” của ông Bạc Hi Lai, cảnh sát Trùng Khánh đã bắt giữ hàng loạt băng nhóm tội phạm, doanh nhân và cả quan chức địa phương. Hàng chục người khác đã bị xử tử hình.
Ngay từ khi đó, dư luận Trung Quốc đã đặt nghi vấn ông Bạc Hi Lai lợi dụng chiến dịch “đả hắc” để thanh trừng các đối thủ chính trị và moi tiền từ các doanh nghiệp địa phương. Sau khi Bạc Hi Lai bị đình chỉ chức vụ, chính quyền Bắc Kinh tìm cách dập tắt nghi vấn ông này bị loại vì lý do chính trị. “Đây là vụ án hình sự, không nên xem nó là một cuộc đấu đá chính trị” – một bài xã luận đăng trên Tân Hoa xã hôm 17-4 khẳng định.
Mỹ tuột cơ hội?
Mới đây, một số hãng tin phương Tây dẫn lời cựu phóng viên Nhân Dân Nhật Báo ở Trùng Khánh là Hàn Bình Tạo tiết lộ ngay sau khi phát hiện thi thể doanh nhân Anh Heywood, cảnh sát Trùng Khánh đã xác định ông này bị đầu độc. Cảnh sát đã lập tức tìm cách bưng bít vụ việc vì biết có liên quan đến gia đình ông Bạc Hi Lai và bà Cốc Khai Lai. Ba cảnh sát điều tra đã lập tức từ chức.
Theo Reuters, mới đây một số quan chức Mỹ đặt câu hỏi phải chăng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, nơi ông Vương Lập Quân đến “tá túc” một đêm hôm 6-2, cũng như các cơ quan tình báo Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội moi thông tin tình báo hiếm hoi về Trung Quốc. Khi đó, Lãnh sự quán Mỹ đã thông báo vụ việc về Washington. Một số nhà ngoại giao và quan chức tình báo Mỹ tiết lộ các cơ quan tình báo ở Washington nghi ngờ câu chuyện của ông Vương Lập Quân, đặc biệt là vụ bà Cốc Khai Lai đầu độc ông Heywood.
Mãi vài ngày sau, các quan chức cấp cao ở Washington mới được thông báo thông tin về vụ giết người. Và các quan chức Mỹ cũng không tỏ ra hào hứng lắm với việc ông Vương Lập Quân muốn xin tị nạn ở Mỹ. “Quan điểm của phía Chính phủ Mỹ là được lợi gì từ việc dính dáng đến vụ xìcăngđan này” – Reuters dẫn lời học giả Kenneth Lieberthal thuộc Viện Brookings nhận định.
Các “thái tử đỏ” Trung Quốc
Các “thái tử đỏ” Trung Quốc kiểu như con trai ông Bạc Hi Lai là Bạc Qua Qua luôn được bổ nhiệm chức vụ chủ chốt ở một số doanh nghiệp mũi nhọn. Có thể kể đến Hồ Hải Phong, con trai đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng lãnh đạo Công ty Nutech – một công ty liên kết với ĐH Thanh Hoa chuyên cung cấp trang thiết bị y tế cho ngành y Trung Quốc.
Con trai Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch Tập đoàn China Satellite Communications, một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc với doanh số 16 tỉ nhân dân tệ (2,5 tỉ USD). Chu Vân Lai, con trai cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, đang đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc Công ty Tài chính quốc tế Trung Quốc.
Lý Tiểu Lâm, con gái cựu thủ tướng Lý Bằng, hiện đang là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty quốc tế điện lực Trung Quốc. Lý Tuệ Đích, con gái ủy viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân, hiện là phó chủ tịch Hãng China Mobile, công ty viễn thông nhà nước vào loại lớn nhất Trung Quốc. Danh sách các “thái tử”, “công chúa” còn rất dài.
MỸ LOAN
Theo TTO

Bình luận (0)