Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bắc miền Trung: “Trần mình” với nắng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, địa bàn Bắc miền Trung gặp phải một đợt nắng nóng kéo dài, khốc liệt chưa từng thấy. Mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn…

Ruộng lúa ở xóm Mỹ Triều, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Rừng cháy, người khát…

Tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), trong 2 ngày đầu tháng 6 đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, thiêu rụi khoảng 90ha rừng, trong đó có 55 ha rừng thông 20 năm tuổi, còn lại là rừng keo và bạch đàn. Còn tại Hà Tĩnh, vào chiều 1-6, ngọn lửa bùng phát tại địa bàn xã Sơn Trà (huyện Hương Sơn), sau đó lây lan ra địa bàn xã Sơn Bình và một phần của xã Ân Phú (huyện Vũ Quang). Vụ cháy khiến hơn 50ha rừng thông, keo, bạch đàn bị thiêu rụi. Trước đó, vào ngày 22 và 23-5 cũng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại địa bàn xã Lộc Yên, Hương Giang (huyện Hương Khê) và địa bàn thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang). 2 vụ cháy này cũng đã thiêu rụi khoảng 30ha rừng keo, thông, bạch đàn độ tuổi từ 2 đến 5 năm.

Những ngày này, đi qua một số vùng ở huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An); Nghi Xuân, Thạch Hà, Hương Sơn (Hà Tĩnh)… chỉ thấy một màu đồng khô, cỏ cháy. Một số xã lân cận TP Vinh, các giếng khoan đã kiệt nước, người dân phải đi lấy nước từ những nơi khác về dùng. Bà Trần Thị Sen (xóm Mỹ Triều, xã Thạch Tân, Thạch Hà, Hà Tĩnh) than thở: “Mới chỉ đầu mùa vụ thôi mà nắng nóng đã gay gắt kéo dài, mưa rất ít, hệ thống kênh mương thủy lợi đều đã cạn kiệt nước tự nhiên rồi. Sáu sào ruộng của nhà tôi và nhiều hộ khác ở liền kề do nằm ở vị trí cao phải chờ đơn vị thủy nông bơm nước từ hồ Kẻ Gỗ lên mới có thể làm đất, gieo cấy được”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Nghệ An, tính đến thời điểm này có khoảng trên 6.500ha hoa màu bị mất trắng do hạn hán, hơn 3.500ha bị thiệt hại từ 30% – 70%. Trong số này các địa phương thiệt hại nặng có thể kể đến các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn… Còn tại Hà Tĩnh, có khoảng 20% diện tích lạc (đậu phộng), tương ứng từ 2.500 – 3.000ha cùng hàng trăm hécta ngô (bắp), rau màu, cây ăn quả của người dân ở Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà… bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán.

Nguy cơ thiếu nước vụ hè thu

Hiện nay, mực nước các hồ chứa trên địa bàn Nghệ An đang ở mức thấp, nhiều hồ đã cạn khô, như các hồ chứa nhỏ ở huyện Nam Đàn, Tân Kỳ; hồ Vũng Cầu, Vũng Trắng, hồ Lim (huyện Nghi Lộc); hồ Tân Cát, Cầu Húng, Cây Sông (huyện Anh Sơn); hồ Khe Thái, Tân Đồng, Khe Xanh (huyện Nghĩa Đàn)… Mực nước trên sông Lam đang ở mức thấp từ 0,3-0,6m/1,15m so với thiết kế, do đó nguồn nước vào hệ thống cống Nam Đàn thấp dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp nước cho các địa bàn TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc. Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, trong thời gian tới nguồn nước phục vụ cho vụ hè thu gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn trên diện rộng rất cao. Chi cục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố ưu tiên xả nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho vùng hạ du.

Tại Hà Tĩnh có 506 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 345 hồ có dung tích từ 0,1 triệu m3 trở lên, tuy nhiên phần lớn trong số này nước đã tụt giảm mạnh. Đặc biệt ở huyện Hương Khê có 14 hồ nhỏ cạn trơ đáy, huyện Nghi Xuân gần như bất lực với nguồn nước tưới nếu không có mưa, nguy cơ xâm nhập mặn ở cống Trung Lương và vùng Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân) cũng đe dọa.

DUY CƯỜNG – DƯƠNG QUANG

(SGGP)

Bình luận (0)