Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bác sĩ kê đơn tràn lan, bệnh nhân no thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Để hạn chế các phản ứng có hại của thuốc, tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, trong một bệnh án nên sử dụng từ 5 loại thuốc trở xuống. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do, bệnh nhân vẫn được uống no thuốc.

 

TS Trần Nhân Thắng, Trưởng đơn vị thông tin thuốc (bệnh viện Bạch Mai) kể rằng, ông đã từng chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc dẫn đến nguy kịch tới sức khoẻ.

Trường hợp của Lê Thị D., ở 111 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội lại được bác sĩ “ưu ái” hai loại thuốc có cùng hoạt chất trong một đơn kê. Hôm đó, thời tiết trở trời, nắng mưa thay đổi liên tục trong ngày lại vào đúng lúc gia đình có việc phải chạy đi chạy lại nhiều. D. lăn ra ốm, người sốt, đau hết mình mẩy, được đưa tới khám tại một bác sĩ tư gần nhà. Bác sĩ kê cho D. một dãy dài thuốc nào là Di-antalvic, Efferalgan 500mg, rồi các loại thuốc bổ vitamin C, B6… Đang có bệnh D. mua đủ các loại thuốc bác sĩ kê mà không biết, Di-antalvic và Efferalgan 500mg đều là thuốc giảm đau, hạ sốt (có cùng hoạt chất là Paracetamol). Không biết bác sĩ “vô tư” kê cho D. là cố tình hay vô ý?

Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa công bố về tình hình sử dụng thuốc tại một số bệnh viện tuyến TƯ. Theo điều tra của Bộ Y tế cho hay, có 41% bệnh án sử dụng kháng sinh kết hợp, chủ yếu là kết hợp hai kháng sinh. Số thuốc trong từng bệnh án rất cao, chủ yếu 6 – 10 thuốc/bệnh án. Có tới 7,7% bệnh án chỉ định kết hợp ba kháng sinh; trên 10% bệnh án sử dụng 11 – 15 thuốc và 1,7% bệnh án sử dụng trên 16 thuốc.

Trong khi theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, ngay ở mức chỉ định từ 6 – 10 thuốc/bệnh án thì tỷ lệ xuất hiện phản ứng có hại của thuốc đã là 7,4% và nằm trong mức báo động về sử dụng thuốc.

“Hiện trạng sử dụng thuốc không hợp lý là một vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp ở mọi cấp độ chăm sóc y tế, là nguyên nhân làm tăng đáng kể chi phí cho người bệnh, nhưng trước hết việc sử dụng thuốc không hợp lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, TS Thắng nói.

“Việc kê đơn thuốc tràn lan là có”, TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định như vậy. Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng này, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các viện tăng cường bình bệnh án về sử dụng thuốc hợp lý; tăng cường công tác dược lâm sàng và thông tin thuốc tại các bệnh viện; đặc biệt tăng cường kiểm soát và hạn chế hoạt động của trình dược viên mang tính thương mại”, TS Kính nói.

Tại bệnh viện Bạch Mai, khảo sát tình hình sử dụng thuốc của bệnh viện này năm 2008 cho thấy, số thuốc trung bình được sử dụng trên bệnh nhân là 7,06 loại (có tính cả dịch truyền) và khoảng sáu loại (nếu không tính dịch truyền). Trên đối tượng bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh kết hợp thì số lượng thuốc sử dụng trong một đơn thuốc như trên có thể được coi là phù hợp hay không? Phản ứng có hại của thuốc luôn có thể xảy ra khi người bệnh sử dụng thuốc. Nguy cơ này tăng lên cùng với số thuốc được sử dụng phối hợp.

Và sự kết hợp thuốc… chết người

TS Thắng cho biết, sự tương tác thuốc sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Nghĩa là số cặp tương tác thuốc có thể có nhiều hơn số thuốc sử dụng trong một đơn thuốc. Trong một kết quả nghiên cứu của mình, TS Thắng cho biết có những đơn thuốc chỉ sử dụng chín loại thuốc nhưng đã gặp đến 13 cặp tương tác thuốc bao gồm cả các cặp tương tác ở cấp độ nguy hiểm. Người kê đơn phải rất thận trọng để tránh những tương tác thuốc có hại và ứng dụng các tương tác có lợi cho bệnh nhân.

Mặt khác, việc không hướng dẫn đầy đủ về cách dùng, đường dùng, số lần dùng, cách pha thuốc, thời gian dùng thuốc… cũng đang là vấn đề góp phần làm cho việc điều trị bằng thuốc không được an toàn.

TS Thắng nhớ lại, đã từng có bệnh nhân điều trị loãng xương với quá nhiều loại thuốc trong đó có Fosamax nhưng không được bác sĩ dặn dò kỹ. Đáng lẽ sau khi sử dụng thuốc Fosamax bệnh nhân phải ngồi hoặc đi lại 30 phút thì người này không biết đã đi nằm ngay. Do sử dụng quá nhiều loại trong đơn thuốc lại không được hướng dẫn đầy đủ, bệnh nhân này suýt bị thủng thực quản.

Lại có trường hợp bệnh nhân bị hen. Đối với bệnh này, nhiều người bệnh bên cạnh việc phải sử dụng quá nhiều loại thuốc khác nhau trong một lần điều trị lại không được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách. Trường hợp Trần Thanh X. ở quận Thanh Xuân, Hà Nội mắc hen và được bác sĩ kê cho dùng thuốc Ventolin dạng khí dung (bình xịt). Đây là dạng thuốc hít đã được định liều riêng cho người lớn và trẻ em. Thay vì mỗi lần dùng phải cách nhau từ 1 – 4 giờ và một ngày không được dùng quá bốn lần thì bác sĩ đã không dặn dò để X. cứ khó chịu lại xịt. Hậu quả là X. có biểu hiện đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, run đầu ngón tay và phải nhập viện.

Ông Thắng đưa ra khuyến cáo, để hạn chế vấn đề sử dụng thuốc chưa hợp lý, Bộ Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị hoặc hướng dẫn điều trị chuẩn. Thường xuyên tổ chức bình bệnh án về sử dụng thuốc hợp lý. Tăng cường kiểm soát và hạn chế hoạt động của trình dược viên mang tính thương mại…

Đồng tình với ý kiến của TS Thắng, TS  Kính đã hứa, thời gian tới việc triển khai thực hiện quy chế kê đơn, tăng cường sử dụng thuốc hợp lý. Kiểm tra giám sát sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị. Khảo sát hoạt động dược bệnh viện, tổ chức tập huấn công tác dược lâm sàng. Duy trì và công tác bình bệnh án, bình đơn thuốc tại các khoa, tránh việc thực hiện một cách hình thức sẽ được diễn ra thường xuyên.

Theo Lệ Hà

Sài Gòn tiếp thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)