Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Bác sĩ kiêm thầy giáo chỉ cách chọn nghề “kép”

Tạp Chí Giáo Dục

Các bác sĩ kiêm vai trò giảng viên hiện đang là lực lượng quan trọng trong các trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe. Lời khuyên mà các bác sĩ đưa ra cho sinh viên y dược khi muốn “lấn sân” sang lĩnh vực sư phạm chính là cần nắm vững chuyên môn, trang bị tốt nghiệp vụ sư phạm.

Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu một số chia sẻ từ hai bác sĩ hiện đang giảng dạy khối ngành khoa học sức khỏe tại hai trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.


ThS.BS Dương Quốc Phong

+ ThS. Dương Quốc Phong (Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, giảng viên Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM): Cần vững chuyên môn, chắc nghiệp vụ sư phạm

Từ thời sinh viên, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành giảng viên của một trường ĐH về sức khỏe. Với tôi lúc đó, giảng viên không chỉ là một người thầy mà còn là một hình mẫu để hướng tới. Đặc biệt, giảng viên trường y với đặc thù xuất thân là bác sĩ hay nhân viên y tế thì càng đặc biệt hơn vì lượng kiến thức chuyên ngành vừa rộng vừa chuyên sâu. Với sự ngưỡng mộ đó, tôi cố gắng trau dồi kiến thức trong quá trình học tập và khi tốt nghiệp thì đủ điều kiện để phỏng vấn trở thành giảng viên của trường ĐH về sức khỏe. Việc học tập từ một hình mẫu lý tưởng là thầy cô đã giúp tôi rèn luyện nhiều kỹ năng hơn, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình và đứng lớp; cũng như trau chuốt hơn trong công tác chuẩn bị bài giảng của mình. Đồng thời, tôi cũng tham gia thêm các lớp nghiệp vụ sư phạm ĐH và bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để hoàn thiện hơn các kỹ năng cần thiết phục vụ giảng dạy.

Đứng ở phương diện một giảng viên hướng dẫn lâm sàng, với chuyên môn là một bác sĩ, tôi càng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn sinh viên quan sát từng triệu chứng của bệnh nhân, theo dõi diễn tiến của bệnh và cách vận dụng thuốc trong điều trị. Bên cạnh đó, tôi khơi gợi cho sinh viên về nguyên nhân tại sao bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đó, tiên lượng quá trình diễn tiến bệnh có thể xảy ra cũng như tại sao lại dùng loại thuốc này để điều trị bệnh. Hai vai trò bác sĩ và giảng viên bổ trợ cho nhau, giúp sinh viên vừa được thực hành vừa được ôn lại lý thuyết và hiểu cặn kẽ hơn việc vận dụng lý thuyết vào thực hành. Tôi vẫn nhớ có đêm trực cấp cứu khi bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng và ảnh hưởng đến chức năng tim phổi. Các nhân viên y tế phải thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng hỗ trợ thở cho bệnh nhân. Các em sinh viên ban đầu còn bối rối, bỡ ngỡ nhưng được tôi và các điều dưỡng trong ca trực hướng dẫn cũng dần quen với việc bẻ ống thuốc, ép tim, bóp bóng trợ thở… Niềm vui thường vỡ òa khi bệnh nhân có tim đập trở lại hay tự thở được. Là một người “lấn sân” sang lĩnh vực sư phạm, điều đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn trẻ, nhất là sinh viên là nắm thật vững kiến thức của chuyên ngành của mình. Vì khi có đủ lượng kiến thức thì mới có thể giảng giải cho người khác. Điều thứ hai là cần trang bị những kỹ năng sư phạm, một người dù giỏi chuyên môn đến mức nào nhưng nếu không có kỹ năng để truyền đạt thì khó giảng dạy hiệu quả. Và điều thứ ba cần phải có là khả năng chịu đựng áp lực. Bởi vì chỉ riêng công tác chuyên môn đã chiếm khá nhiều thời gian và công sức nên khi ở thêm một vai trò là giảng viên thì sẽ càng nhiều việc cần phải xử lý, sắp xếp.

Vừa là bác sĩ kiêm giảng viên, điều mà tôi luôn cố gắng là sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo việc chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân, vừa hoàn thành việc giảng dạy đầy đủ kiến thức cho sinh viên. May mắn là bệnh viện tôi đang công tác cũng tạo điều kiện để tôi có thể cân bằng được hai việc này.


ThS. Vũ Hồng Hải

+ ThS. Vũ Hồng Hải (Phó Trưởng khoa Xét nghiệm Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng): Chuẩn bị tốt để tự tin nắm bắt cơ hội

Thực sự câu nói “nghề giáo đã chọn mình” rất đúng với trường hợp của bản thân tôi. Dù tôi đã chọn thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng thời điểm học phổ thông, các ngành thuộc khối xã hội – nhân văn vẫn có sức hút kỳ lạ. Thật may là thời học phổ thông, bản thân tôi cũng có năng khiếu với các môn học thuộc khối này nên khi tốt nghiệp chuyên ngành xét nghiệm y học, một ngành học mà phần lớn sẽ làm việc tại các khoa xét nghiệm của bệnh viện, tôi vẫn ứng tuyển và từ đó trở thành giảng viên của Khoa Xét nghiệm y học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Nhưng chính vì không xuất thân từ ngành sư phạm, để đứng lớp, tôi đã học nghiệp vụ sư phạm, trang bị thêm kiến thức và kỹ năng. Ngoài ra, khi xác định trở thành một giảng viên, mỗi người sẽ tự ý thức trau dồi nhiều kỹ năng khác; một trong số đó là kỹ năng đọc và tinh thần học tập không ngừng, liên tục cập nhật kiến thức y khoa mới để cả thầy và trò đều cùng tiến bộ. Tuy nhiên, việc xuất thân từ một trường ĐH về sức khỏe cũng như quá trình được tham gia thực hành khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế lại chính là “vốn liếng” rất lớn đối với tôi khi tham gia công tác giảng dạy. Những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc tại bệnh viện sẽ giúp nhân viên y tế trong vai trò giảng viên luôn có phương pháp truyền đạt và hướng dẫn thực hành phù hợp, gần gũi với thực tiễn. Điều này giúp sinh viên lĩnh hội được kiến thức, có được một sự tự tin nhất định trước khi đi thực hành tại bệnh viện hay bước vào nghề. Kết quả dễ thấy nhất là ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều sinh viên của trường đã hăng hái tham gia tình nguyện tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, ứng dụng được kiến thức, tay nghề vào những nhiệm vụ được giao.

Song, để rẽ lối sang con đường dạy học trong khi không xuất thân từ trường sư phạm, các bạn trẻ cần nỗ lực học tập rất nhiều. Trước tiên, sinh viên cần nỗ lực học thật tốt chuyên ngành đã chọn. Một kết quả học tập tốt mở ra nền tảng việc làm tốt. Trong trường hợp có thêm một cơ hội nghề nghiệp mới đến, các em sẽ có đủ sự tự tin và năng lực để nắm bắt cũng như đủ sức để có thể đảm đương cùng một lúc cả hai. Với nghề sư phạm, cần rất nhiều nhiệt huyết và lòng yêu nghề, chính vì vậy trước khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, các bạn trẻ cần nghiêm túc nhìn nhận xem năng lực và tố chất của bản thân có thực sự phù hợp không.

Mê Tâm (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)