Ngày 18-3, Bệnh viện (BV) Bình Dân đã tổ chức buổi trò chuyện với bệnh nhân về chuyên đề “Tìm hiểu phẫu thuật robot”. Tại đây, bệnh nhân và đại biểu tham dự đã đặt nhiều câu hỏi về rủi ro cũng như chi phí, chế độ bảo hiểm khi sử dụng kỹ thuật hiện đại này…
Bà Trần Thị Thúy Hằng vừa phẫu thuật bằng robot thành công chia sẻ với các bệnh nhân tại buổi trò chuyện. Ảnh: D.Bình |
Từ khi thành lập (tháng 12-2016) đến nay, Khu phẫu thuật robot BV Bình Dân đã phẫu thuật thành công cho 66 trường hợp, trong đó chủ yếu là ung thư tuyến tiền liệt và đại trực tràng. Đây là BV đầu tiên của Việt Nam ứng dụng robot vào phẫu thuật và đạt được kết quả cao sau hơn 3 tháng thực hiện.
PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam cho biết, hiện có 2 phương pháp mổ phổ biến là mổ mở và mổ nội soi. Phương pháp mổ mở, có thể bóc tách khối bướu một cách rộng rãi, thích hợp với khối u lan nhiều, phức tạp, giá thành rẻ. Tuy nhiên, phương pháp này để lại vết mổ lớn, đau, dễ nhiễm trùng. Trong khi đó, phương pháp mổ nội soi có ưu điểm sẹo nhỏ, thời gian nằm viện ngắn nhưng thao tác khó khăn, khâu nối khó. Với phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot đã khắc phục được nhược điểm của hai phương pháp mổ mở và nội soi nhờ có độ phóng đại cao, hoạt động cánh tay máy tự do trong ổ bụng; có thể thao tác ở những nơi vùng sâu trong cơ thể. Robot này còn có khả năng bóc tách khối u và khâu nối tỉ mỉ. Khi được phẫu thuật bằng robot bệnh nhân có thể xuất viện sớm…
Thực tế, bệnh nhân cũng thấy được hiệu quả mà phẫu thuật này mang lại, đó là hồi phục rất nhanh. Bà Trần Thị Thúy Hằng (chủ trì một ngôi chùa ở Phước Long, đang là nghiên cứu sinh khoa Phật giáo tại Ấn Độ) cho biết: “Khi biết mình có khả năng bị ung thư cao, tôi đã về nước khám và điều trị. Tại BV Bình Dân, tôi được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán là ung thư trực tràng giữa. Tôi được phẫu thuật bằng robot vào ngày 24-2 và sau khoảng một tuần (ngày 3-3) tôi đã xuất viện. Hiện sức khỏe của tôi đã bình thường”.
Mặc dù vậy, các bác sĩ cũng thẳng thắn chỉ ra một số nhược điểm của phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân. Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân cho hay: “Nhược điểm chung của phẫu thuật robot cũng như phẫu thuật mổ, nội soi trong điều trị ung thư là sau một giai đoạn có thể gây dính ruột. Thực tế, bên cạnh ưu điểm bao giờ cũng có nhược điểm nhưng chúng ta phải lựa chọn phương án nào ít rủi ro nhất”.
Cùng với việc băn khoăn về ưu nhược điểm khi phẫu thuật robot, các bệnh nhân cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến BHYT. Người nhà của bệnh nhân Lê Văn Sáng đang điều trị bệnh ung thư ở BV này thắc mắc: “Nếu sử dụng phương thức mổ này, liệu bệnh nhân có được hưởng BHYT”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc BV, cho hay: “Chúng tôi vẫn đang liên hệ với BHYT và bảo hiểm xã hội để chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân khi chữa bệnh bằng phẫu thuật robot. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai nên chưa có quy định về BHYT trong phẫu thuật này. Vì vậy, 66 bệnh nhân vừa qua BHYT chưa chi trả”…
Mặc dù BHYT chưa chi trả nhưng BV đã cố gắng chi trả một phần cho bệnh nhân. “Dù bệnh nhân có điều kiện kinh tế hay không thì chúng tôi vẫn phải mổ cho bệnh nhân bằng phương pháp hiện đại để lấy khối u một cách hiệu quả nhất, giữ được chức năng các phần còn lại tốt nhất”, ông Hưng cho biết thêm.
Thực tế, bệnh nhân khó khăn đã được hỗ trợ rất nhiều về chi phí. Trao đổi riêng với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, bà Hằng chia sẻ: “Chi phí phẫu thuật của tôi là 80 triệu, còn chi phí thuốc và nằm viện là 40 triệu. Tôi không có BHYT, BV đã hỗ trợ một nửa chi phí phẫu thuật cho tôi”.
Điều đáng nói là chi phí phẫu thuật bằng robot tại Việt Nam giá thành thấp hơn rất nhiều so với nước khác. Bà Hằng nói thêm: “Trước khi tìm hiểu, tôi biết được chi phí phẫu thuật bằng công nghệ hiện đại này ở Thái Lan khoảng 30.000 USD, ở Mỹ khoảng 40.000 USD. Trong khi đó, toàn bộ chi phí của tôi ở đây chỉ mất khoảng 5.000 USD”.
D.Bình
Bình luận (0)