Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Bác sống như trời đất của ta”…

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2-9-1969, trái tim ca Bác H kính yêu đã ngng đp! Đng bào, chiến sĩ cc vô cùng đau đn khi biết đưc tin Bác qua đi. Đúng như li trong “Điếu văn” do đng chí Lê Dun đc trong l tang Bác ti Hà Ni: “Tn tht này vô cùng ln lao; đau thương này tht là vô hn”.


Nhà thơ T Hu

Trong bối cảnh đó, với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ và lòng xúc động mãnh liệt, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Bác ơi” rưng rưng nước mắt.

Những ngày đầu tháng 9-1969, Hà Nội có mưa to suốt mấy ngày; tưởng như cả đất trời cùng đau đớn, thương tiếc Bác, một con người suốt đời vì nước vì dân. “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!”. Lần đầu vinh dự được gặp Bác trong Chiến khu Việt Bắc (tháng 5-1951), tác giả sung sướng, hồi hộp biết bao: “Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc, lên thăm Bác Hồ (Sáng tháng Năm). Từ đó, tác giả luôn được gần gũi Bác trong những ngày sống và công tác nơi Chiến khu Việt Bắc cũng như về sau, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trở về Hà Nội. Thế mà giờ đây, không còn Bác trên cõi đời này nữa! Thật đau xót, thật bàng hoàng! Biết bao tình cảm, lòng kính yêu, nhà thơ đã dành cho Bác và có thể nói Tố Hữu là nhà thơ thành công nhất khi khắc họa hình ảnh của Bác Hồ bằng chất liệu thơ ca. “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, một hình ảnh thật sinh động. Cả đất trời cùng đau thương đưa tiễn Bác. Một mất mát quá lớn, không dễ gì bù đắp được, không một sớm một chiều nguôi ngoai được. Cảnh vật vẫn còn đây và tất cả dường như nhuốm nỗi đau mất mát: “Con lại lần theo lối sỏi quen/ Đến bên thang gác, đứng nhìn lên/ Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?/ Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!”. Và trong không khí đau buồn ấy, tác giả thốt lên nghẹn ngào: “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!/ Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!”.

Sau những vần thơ dường như là những giọt nước mắt thổn thức đang rơi trên trang giấy. Còn đâu bóng Bác như một ông Tiên đang thanh thản dạo quanh hồ (Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/ Quanh mặt hồ in mây trắng bay…).  Tác giả lùi lại quãng thời gian quá khứ để ôn lại những công đức, những ân tình to lớn của Bác đối với nhân loại, với đồng bào, với đất nước: “Ôi phải chi lòng được thảnh thơi/ Năm canh bớt nặng nỗi thương đời/ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Trong những ngày tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc, Bác luôn đau đáu một lòng vì “nỗi nước nhà”; Bác lại thao thức không phải vì cảnh trăng núi rừng đẹp mà vì nỗi lo dân nước (Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà – Hồ Chí Minh).

Cả cuộc đời Bác hiến dâng cho đất nước, cho dân tộc, cho hòa bình, độc lập, tự do. Cuộc đời Bác là một bản tráng ca về tấm lòng yêu nước thương nòi; về tấm lòng yêu thương con người bao la, sâu rộng: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Cảm động vô cùng khi chúng ta được nghe những câu chuyện về Bác Hồ gửi tặng áo ấm cho các cụ lớn tuổi hoặc cho những cán bộ gần gũi. Ngày 15-1-1948, Bác viết thư và gửi biếu ông Đinh Công Phủ, người Mường, Lang đạo vùng Mai Đà (Mai Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình). Thư có đoạn: “Tôi gửi biếu cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”. Ngày 4-2-1948, Bác viết thư gửi ông Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính Đặng Phúc Thông: “Chú Thông/ Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi/ Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi/ Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú/ Chú mang áo ấm cũng như tôi”.

Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim Bác bởi miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đi trước về sau. “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha/ Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa”. Tháng 9-1964, Bác mời cơm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn chuẩn bị vào chiến trường công tác. Người căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: “Bác Hồ luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”. Trong tháng 3-1968, Bác viết bài thơ chữ Hán “Vô đề” như sau: “Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa Xuân – Khương Hữu Dụng dịch). Bác lắng nghe tất cả từng bước đi của cách mạng miền Nam, lắng nghe bằng cả tấm lòng nhớ thương miền Nam như “nỗi nhớ nhà” tha thiết. Và miền Nam anh hùng cũng từng ngày mong được đón Bác vào thăm khi non sông gấm vóc liền một dải… Bác nâng niu tất cả, từ những mầm non xanh biếc, từ những trái chín thơm trên cành; vui cùng tiếng chim hót ban mai. “Bác vui như ánh buổi bình minh/ Vui mỗi mầm non, trái chín cành/ Vui tiếng ca chung hòa bốn biển/ Nâng niu tất cả, chỉ quên mình/ Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Ngày 21-1-1946, trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Cuộc đời thanh bạch của Bác là tấm gương sáng của tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; là phẩm chất cao đẹp của người Cộng sản. Bác không màng danh lợi, chỉ mong sống cuộc sống bình thường như bao người dân Việt Nam. Vì những lẽ đó, tác giả thốt lên lời thống thiết khi Bác không còn nữa! Cả ngàn năm sau vẫn luôn nhớ về Bác, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. “Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều/ Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!/ Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”/ Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều”. Thán từ “Ôi” như một tiếng nấc đau xót, khi tác giả chứng kiến giây phút linh thiêng này. Nghìn năm sau vẫn mang trong tim mỗi người hình ảnh Bác kính yêu. Lời Bác dặn cho mai sau vẫn còn vang vọng: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh). “Bác đã lên đường, theo tổ tiên/ Mác – Lênin, thế giới Người hiền/ Ánh hào quang đỏ thêm sông núi/ Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!”. Tác giả dùng lối nói tránh “Bác đã lên đường, theo tổ tiên” để giảm bớt nỗi đau của lòng mình. Bác đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân; giờ Bác “đã lên đường” về với tổ tiên, về với cõi Người hiền… Bác đã đi xa 54 năm kể từ ngày đau thương ấy của toàn dân tộc. Nhưng Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bản “Di chúc” thiêng liêng.

Không phải ngẫu nhiên bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu được tuyển chọn vào 150 bài thơ hay của thế kỷ 20. Đó là bài thơ nói lên được tấm lòng của người dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu và cũng khắc họa nên hình ảnh của Bác, cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”!

Lê Đc Đng

* Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh ngày 4-10-1920 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông mất ngày 19-12-2002 tại Hà Nội.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)