Một khảo sát của Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho thấy ĐBSCL hiện còn thiếu 3.048 bác sỹ so với quy định cứ 10.000 dân phải có bảy bác sỹ. Hằng năm, ĐBSCL số lượng bác sỹ mới tốt nghiệp vẫn ra đi nhiều hơn ở lại.
Hoa ở nơi đón tiếp người bệnh tại một bệnh viện tư nhân Cần Thơ, hình ảnh chưa thấy ở bệnh viện nhà nước. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Thiếu từ cơ sở đến nhân lực
Bác sỹ H. giỏi trị bệnh tiêu hóa, kiên quyết rời Bệnh viện Đa khoa Trung ương-Cần Thơ để chuyển lên một bệnh viện ở TPHCM. Nhà của bác sỹ H. cùng vợ con vẫn ở TP Cần Thơ, chịu cảnh một chốn đôi quê.
Giải thích lý do rời khỏi nơi đã gắn bó nhiều năm, chấp nhận đổi thay vất vả, bác sỹ H. nói ngắn gọn: Làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương- Cần Thơ trực thuộc Bộ Y tế (Bệnh viện có quy mô cùng cơ sở vật chất kỹ thuật hơn hẳn nhiều bệnh viện ở ĐBSCL). Cho thu nhập khá, song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển về nghề.
Tại cấp xã, phường, điều kiện làm nghề và thu nhập của bác sỹ càng kém. Ở trung tâm TP Cần Thơ, phường Trà An (quận Bình Thủy) có khoảng 6.000 dân nhưng trạm y tế không có bác sỹ, không có cả cơ ngơi riêng.
Từ ngày thành lập, Trạm Y tế phải “rày đây mai đó”, hiện là căn nhà hai tầng thuê của tư nhân nhỏ như chốt gác dân phòng. Tầng một rộng chừng 30 m2 đặt chiếc giường bệnh, tủ thuốc và bàn làm việc, tầng hai nhỉnh hơn 20 m2 là kho chứa thập cẩm.
Cơ ngơi xập xệ nên người dân không đến khám bệnh, thu nhập của nhân viên rất thấp. Y sỹ Trưởng trạm Châu Hoàng Minh cho biết, mỗi quý Trạm chỉ thu được trên dưới 200.000 đồng.
“Thu nhập thêm không có, lương chỉ dựa vào bậc ngạch hành chính do ngân sách cấp nên cuộc sống vất vả”, y sỹ Minh nói.
Nhiều tỉnh khó khăn hơn TP Cần Thơ, như tỉnh Kiên Giang thì có đến 67/145 trạm y tế không có bác sỹ. Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang cho biết, tỉnh có nhiều đảo, có đảo đến 8.000 dân mà không có bác sỹ.
Ở ĐBSCL hiện nay, tỉnh An Giang thiếu nhiều bác sỹ nhất, 508 người, Sóc Trăng thiếu 458 người, Tiền Giang 363 người.
Dược sỹ (được đào tạo bậc đại học) còn thiếu trầm trọng hơn, tính theo quy định nếu bác sỹ đã đáp ứng được 75,3% thì dược sỹ đại học mới chỉ đáp ứng được 73%. ĐBSCL còn thiếu 655 dược sỹ, những địa phương thiếu nhiều là TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, mỗi nơi thiếu 121 người, kế tiếp tỉnh An Giang thiếu 112 người.
Nhiều trở ngại
Một giải pháp đang được nhiều địa phương kỳ vọng là tăng số lượng đào tạo theo địa chỉ. PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ, cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT không giao chỉ tiêu đào tạo mà Trường tự xác định và chịu trách nhiệm nên có thể tăng lượng đào tạo theo địa chỉ.
Dự kiến, từ năm 2013 đến 2016, mỗi năm có thêm 300 – 400 bác sỹ đào tạo theo địa chỉ, cùng với số bác sỹ đào tạo bằng ngân sách, năm 2016 cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tương tự, dược sỹ đào tạo theo địa chỉ từ năm 2013 đến 2016, mỗi năm 150 – 300 người.
Tuy nhiên, trở ngại là học lực của người được gửi đi đào tạo. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đề xuất, tỉnh nghèo như Sóc Trăng, trình độ người học có hạn, nếu được xem xét hạ điểm chuẩn thì mới kiếm ra đủ người gửi đi đào tạo. Như thế, thỏa mãn số lượng bác sỹ nhưng khả năng khám chữa bệnh còn hạn chế?
Trong khi, trình độ bác sỹ được đào tạo hiện còn chưa bắt kịp yêu cầu thực tế. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ Lê Quang Võ nói với Tiền Phong, Bệnh viện chỉ tiếp nhận bác sỹ tốt nghiệp loại khá và giỏi để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.
Bác sỹ Hồ Văn Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ-Cửu Long, cũng nói bác sỹ mới tốt nghiệp phải đưa đi đào tạo chuyên khoa từ 6 tháng đến một năm mới làm việc được.
Nhiều sự cố đình đám trong khám chữa bệnh thời gian qua ở ĐBSCL cho thấy trình độ của bác sỹ còn hạn chế. Bác sỹ Trần Văn Nguyên (giảng viên kiêm Trưởng Trung tâm Công nghệ thông tin của Trường Đại học Y dược Cần Thơ và kiêm Trưởng khoa ngoại tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ), cắt nhầm hết cả hai quả thận của bà Hứa Cẩm Tú hồi cuối năm 2011.
Hai bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Năm Căn (Cà Mau) tắc trách dẫn đến cái chết của một cô gái, khiến nhiều người bất bình kéo đến đập phá Bệnh viện giữa năm 2011.
Nhưng nan giải hơn còn là tình trạng bác sỹ và dược sỹ sau khi được đào tạo không về các địa phương ĐBSCL.
Khảo sát tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ năm 2011, gần 23% số bác sỹ và dược sỹ đại học sau tốt nghiệp đã đi làm việc ở địa phương khác (kể cả TPHCM), chỉ có hơn 33% về làm việc ở các bệnh viện nhà nước tại địa phương.
Cần thêm lối ra
Bàn tính về đào tạo trước nay chỉ xoay quanh các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước. Trong khi hệ thống bệnh viện tư nhân đã phát triển và đang thu hút nhiều bác sỹ, góp phần giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Khảo sát tại Trường đại học Y Dược Cần Thơ năm 2011, số bác sỹ và dược sỹ sau khi tốt nghiệp về làm việc tại các bệnh viện tư nhân ở ĐBSCL gần 25%.
Thành phố Cần Thơ có nhiều bệnh viện tư nhân nên cũng là địa phương duy nhất ở ĐBSCL hiện nay có, số lượng bác sỹ vượt mức quy định. Bác sỹ ở Cần Thơ, trong các bệnh viện tư nhân bằng 1/6 trong các bệnh viện nhà nước.
Thế nhưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ-Cửu Long – Hồ Văn Sanh vẫn phải than thở, khó khăn nhất của Bệnh viện hiện nay là nhân lực.
“Trang thiết bị hiện đại vay tiền là mua được, con người thiếu mới khó và còn nan giải”, bác sỹ Sanh nói. Bác sỹ giải thích, bệnh viện tư nhân không được phân bổ chỉ tiêu đào tạo, không được cử tuyển sau đại học, “chúng tôi đề xuất nhiều mà chưa được lắng nghe”.
Bệnh viện tư nhân hiện thu hút bác sỹ bởi hai điều kiện: Liên thông được với nhiều bệnh viện để sẵn sàng hỗ trợ khám chữa bệnh và thu nhập của bác sỹ cao.
“Nếu được quan tâm hỗ trợ đào tạo như với các bệnh viện nhà nước, các bệnh viện tư nhân sẽ góp thêm một kênh nâng nhanh tỷ lệ bác sỹ ở ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”, bác sỹ Sanh nói.
Sáu Nghệ (TPO)
Bình luận (0)