Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bài 1: Câu lạc bộ học thuật Gia Định: Sân chơi thực nghiệm thiết thực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các thành viên CLB hóa học với sản phẩm “Xe đạp hút bụi” tham dự cuộc thi Xanh Gia Định, xanh ước mơ

Nhiều năm qua, HS Trường THPT Gia Định quá quen thuộc với các câu lạc bộ (CLB) học thuật như CLB hóa học, địa lý, tiếng Anh… thu hút rất đông HS trong trường tham gia.
Có thể nói, đây là những sân chơi giúp các bạn HS giao lưu, học hỏi lẫn nhau để củng cố lại kiến thức cũng như trang bị thêm những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Nơi gắn kết giữa lý thuyết với thực nghiệm
Đây là tiêu chí hoạt động của CLB hóa học với hơn 100 thành viên chính thức. Theo đó, CLB luôn tổ chức thảo luận nhiều vấn đề “gai góc” có liên quan đến các hiện tượng trong cuộc sống như lửa, nước, màu sắc… và các chuyên đề mở rộng của lý thuyết hóa học (trong SGK) như kim loại, halogen, oxi… Cùng với việc sinh hoạt định kỳ 2 tuần/ lần, mỗi năm học CLB đều tổ chức các cuộc thi lớn dành cho HS từng khối (10, 11, 12) tham gia như cuộc thi Xanh Gia Định, xanh ước mơ; Vui làm xà phòng; Hóa học vui Gia Định lần 1… Bạn Phan Thế Đỗ Đạt, thành viên CLB, chia sẻ: “Tham gia CLB, tất cả các bạn đều cảm thấy rất vui và hứng thú hơn với môn học, vì nó gắn liền với thực nghiệm. Đây cũng là sân chơi giúp chúng em gần gũi hơn với thầy cô, qua đó chúng em dễ dàng trao đổi với giáo viên về những kiến thức chưa hiểu ở lớp, đồng thời cũng có thêm nhiều kỹ năng sống như kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thực hành thực nghiệm…”.
Hiện CLB đang thực hiện nhiều dự án thiết thực như Videp clip các thí nghiệm trong trường phổ thông; Tận dụng dầu mỡ thực phẩm qua sử dụng xà phòng; Quy trình biến nước mía thành đường trong phòng thí nghiệm… nhằm tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng của HS Trường Gia Định.
Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên phụ trách CLB, nói: “Dự án Video clip các thí nghiệm trong trường phổ thông là các đoạn video do các thành viên CLB tự quay khi làm các thí nghiệm để tập hợp lại làm tư liệu giảng dạy cho giáo viên. Dù chỉ ghi lại những kỷ niệm trong giờ học nhưng các em cảm thấy tự hào khi chính mình tự làm tư liệu giảng dạy cho thầy cô”.
Nào cùng… sáng tạo
Mỗi tháng nhà trường cấp kinh phí cho các CLB 100.000 đồng để hoạt động. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng đó là nguồn động viên lớn để mỗi thành viên trong các CLB cảm nhận được sự quan tâm của nhà trường, qua đó sẽ cố gắng tổ chức hoạt động tốt hơn để CLB thực sự là một sân chơi bổ ích cho các bạn tham gia – Ngọc Châu (HS lớp 12DT) thành viên CLB tiếng Anh chia sẻ.
Đó là đặc điểm của CLB vật lý, dù chỉ có 30 thành viên nhưng CLB đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt thiết thực như “Tiếng Anh cho vật lý”, “Thiên văn học”… Em Nguyệt Quỳnh (HS lớp 12C) thành viên ban chủ nhiệm, cho biết: “Với chủ đề Thiên văn, chúng em tổ chức những trò chơi vui khám phá các hành tinh như hành tinh Mặt trời, hành tinh khí, sao Chổi… để ghi nhớ bài học lâu hơn. Còn chủ đề Tiếng Anh cho vật lý thì giúp các thành viên rèn luyện các kỹ năng học tiếng Anh và biết tìm tài liệu tiếng Anh trên internet về bộ môn này”.
Ngoài ra, CLB thường xuyên mở các cuộc thi làm mô hình như điện, xe chạy điện, tên lửa nước… Để làm được các mô hình này, HS vừa phải nắm được các nguyên lý cơ bản vừa biết cách áp dụng vào thực tế. Những mô hình đạt giải Ban giám hiệu sẽ chọn đại diện đi thi các cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ cấp quận, cấp thành phố để các thành viên có cơ hội mở rộng tài năng của mình. Thầy Tô Lâm Viễn Khoa, giáo viên phụ trách CLB, cho biết: “Những năm tới CLB sẽ mở rộng các chủ đề sinh hoạt liên quan đến những vấn đề điện tử, công nghệ mới…”.
Gieo màu xanh cho môi trường
Bắt đầu hoạt động từ năm học 2009-2010, CLB địa lý không có đặc thù chung như các CLB khác như không sinh hoạt định kỳ, không có nhiều thành viên… Tiêu chí của CLB đề ra là “HS nào yêu thích môn địa lý đều được tham gia”, vì thế mỗi HS của trường chính là một thành viên của CLB.
Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên làm các mẩu tin với những đề tài gắn liền với đời sống thực tế như lũ lụt miền Trung, sự phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền hiện nay… rồi dán ở bản tin trường. Ngoài ra, CLB còn thiết lập một hộp thư trên mạng để các bạn HS gửi những câu hỏi thắc mắc về môn học địa lý, sau đó các bạn trong ban chủ nhiệm sẽ tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn để trả lời những câu hỏi đó. CLB còn tổ chức tuyên truyền cho HS toàn trường cách tiết kiệm điện, khuyến khích các bạn trẻ tham gia viết bài cảm nhận về môi trường – những bài viết hay được đọc lên “đài phát thanh” của trường. Cô Nguyễn Thị Thúy An, giáo viên hướng dẫn CLB, chia sẻ: “Trong năm học mới này, CLB dự tính sẽ đưa một số HS đi tham quan cách xử lý rác thải, phân loại rác thải… ở một số nhà máy xử lý rác thải để các em có điều kiện tiếp xúc với thực tế nhiều hơn”.
Ngoài ra, Trường THPT Gia Định còn có CLB tiếng Anh, đến nay đã tròn 8 tuổi. Rất nhiều thành viên trong ban chủ nhiệm CLB đã ra trường nhưng cho đến nay CLB vẫn phát triển rất mạnh. Ngoài 150 HS là thành viên chính thức thì mỗi kì sinh hoạt, CLB thu hút đông đảo các bạn HS trong trường tham gia “ké” để nâng cao trình độ tiếng Anh.
Bài, ảnh: Dương Bình
LTS: Hiện nay, các câu lạc bộ học thuật do học sinh (HS) thành lập trong trường phổ thông phát triển rất mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Các câu lạc bộ này không chỉ giúp HS củng cố kiến thức đã được học mà còn là nơi các em phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, trau dồi thêm những kỹ năng sống cần thiết…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)