Y tế - Văn hóaThư giãn

Bài 1: Đặng Huy Trứ – người đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 1839, với phát minh về nhiếp ảnh của Daguerre, việc lưu giữ hình ảnh trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều. 30 năm sau đó, nhiếp ảnh đã về đến Việt Nam.

149 năm từ ngày cụ Đặng Huy Trứ lập hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường (năm 1869) đến “bộ phim Việt Nam hoàn toàn do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam” – Cánh đồng ma của ông Đàm Quang Thiện (năm 1937), hay “kịch nói Việt cho người Việt” – năm 1921 của Vũ Đình Long… đã cho thấy tinh thần tiếp nhận, gạn lọc, giữ gìn và chủ đích xây dựng một nền văn hóa – nghệ thuật Việt Nam trong luồng giao thoa văn hóa, va chạm xã hội Đông – Tây giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Đây là “sức mạnh tiếp biến” của một dân tộc đã tồn tại, phát triển qua cả ngàn năm bị xâm chiếm; vẫn bền bỉ, mạnh mẽ mà khơi dòng sáng tạo, mở mang văn hóa, lưu giữ bản sắc.

Lẽ nào, trăm năm sau, ta không “dọn đường” nổi cho những cuộc khai phá mới, để tầm vóc phát triển của quốc gia không chỉ là những con số tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị mà còn là nền tảng văn hóa, tinh hoa nghệ thuật của một thế hệ người Việt kế tục cha ông…

Bai 1: Dang Huy Tru - nguoi dua nhiep anh vao Viet Nam
Ảnh cụ Đặng Huy Trứ do họa sĩ nhà Thanh vẽ truyền thần năm 1865

Ngày xưa, muốn lưu giữ lại hình ảnh chính mình hoặc người thân, chỉ có mỗi cách vẽ truyền thần; hiểu theo nghĩa là vẽ phải lấy cái “thần” của nhân vật, trong đó có sự rung cảm, cảm hứng của họa sĩ.

Dần dà về sau, khi chép lại bức ảnh đã chụp, chép cho thật giống từng chân tơ kẽ tóc cũng gọi truyền thần. Mà đã vẽ truyền thần, chỉ độc bản; hơn nữa, công việc này ngốn khá nhiều thời gian. 

Mãi đến năm 1839, với phát minh về nhiếp ảnh của Daguerre – mà chính người Pháp đã tuyên bố rằng, đây là “món quà tặng miễn phí cho toàn thế giới” – thì việc lưu giữ hình ảnh trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.

Với người Việt Nam đầu thế kỷ XX, máy ảnh Daguerre vẫn còn rất xa lạ. Năm 1916, ngày khai trương chợ mới Gò Công, từ Sài Gòn, các nhà nhiếp ảnh có về “săn ảnh” làm tài liệu.

Quái lạ, lúc bấy giờ, người dân chạy tán loạn, quyết không đứng yên cho chụp hình. Họ kháo nhau: “Quan Tây khôn khéo trật đời. Họ thâu hình vào đó, khiến ai nấy mất hồn mất vía đặng họ dễ sai khiến”.

Ta hãy đọc lại một mẩu quảng cáo "Ai chụp hình cũng đặng" của hiệu Khánh Ký tại Sài Gòn in trên báo Đuốc Nhà Nam số 41 (ra ngày 5/6/1930): “Người châu Âu phát minh ra máy chụp hình, là lâu rồi, nhưng mà ai muốn tập chơi hình phải lắm công phu rèn tập, lại tốn kém, đôi trăm bạc mới là chụp đặng chút ít. Vì vậy kẻ muốn chơi chụp hình mà phải não chí khổ lòng. Bổn hiệu chẳng muốn cho những người ấy thất vọng, và ai muốn chụp hình là chụp được ngay…”.

Rõ ràng, thời điểm ấy, máy chụp hình vẫn còn chưa mấy phổ biến. Thế nhưng, có một điều rất bất ngờ là chỉ 30 năm sau phát minh kỳ diệu của Daguerre, kỹ thuật nhiếp ảnh đã được du nhập vào Việt Nam. Người có tầm nhìn bắt kịp đà tiến của khoa học kỹ thuật hiện đại ấy chính là Đặng Huy Trứ (1825-1874), người Huế.

Đặng Huy Trứ sinh ra trong một dòng họ có truyền thống hiếu học; đậu giải nguyên cùng khóa với Ông Ích Khiêm. Trong cuộc đời làm quan, ông Trứ có hai lần được cử đi công cán nước ngoài. Lần thứ nhất vào tháng 5/1865, với nhiệm vụ “thám phỏng dương tình” – thăm dò, xem xét tình hình ở nước ngoài.

Trong chuyến đi này, ông thuê thợ chụp hai bức chân dung, rồi thuê vẽ hai ảnh truyền thần để so sánh. Qua năm 1867, ông lại được cử đi nước ngoài lần thứ hai. Lần này, ông quyết tâm mua dụng cụ máy móc nhiếp ảnh. Một người có tên là Dương Khải Trí chọn mua đồ nghề giúp ông.

Bai 1: Dang Huy Tru - nguoi dua nhiep anh vao Viet Nam
Phố Thanh Hà, nơi cụ Đặng Huy Trứ lập hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường năm 1869

Sau khi về nước, lúc được bổ nhiệm Thương biện Tỉnh vụ Hà Nội, Đặng Huy Trứ đã lập hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Thanh Hà (nay thuộc quận Hoàn Kiếm), khai trương ngày 14/3/1869. Trước cửa hiệu, ông viết câu đối chữ Hán như một cách quảng cáo (Khương Hữu Dụng dịch): “Thanh Hà phố ấy, dân sung túc/ Cảm Hiếu Đường đây, khách nhiệt nồng”.

Ngoài ra, ông còn thể hiện quan điểm về nghệ thuật nhiếp ảnh qua câu: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn/ Ảnh giống như người mãi mãi truyền”.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân đến với bổn hiệu, ông còn viết bài giới thiệu phân tích lợi ích của loại hình nghệ thuật rất mới mẻ này: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, nhưng chụp ảnh có thể tái hiện được tinh thần”.

Và ông đã khôn khéo đánh động lòng hiếu thảo của con cái khi nghĩ về song thân: “Đi ắt thưa, về ắt trình”, người có nhân không nỡ có lòng rời xa cha mẹ. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu không nỡ có ý quên cha mẹ. Dù nơi quan san cách trở, mãi vẫn ôm nỗi nhớ. Huyên cỗi xuân già, không kịp báo đáp thì suốt đời mang mối hận ngàn thu. Một bức thư nhà gửi đến, thuật lại việc ăn ở, thức ngủ, nhưng chẳng thấy dung nhan. Hai hàng thần chủ nương hồn ghi rõ tên họ mà không tướng diện mạo. Trèo lên núi Hỗ trông cha, trèo lên núi Dĩ trông mẹ, mong ngóng mà nào thấy mặt. Cầu cõi âm, cầu cõi dương hòng mắt thấy tai nghe nào có gặp được”.

Sau những dòng thật cảm động, ông viết tiếp: “Xưa, Vương Kiền thành tâm ứng mộng nhưng thức ngủ đều không thấy hình, thấy ảnh. Thiếu Nguyên trích máu nhận hài cốt cha mẹ nhưng nhan diện đã nát cùng với cỏ cây. Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ nhưng bóng dâu đã ngả. Đinh Lan đẽo tượng thờ cha mẹ, nhưng e rằng, tóc da khắc lên khó giống. Tình cảnh ấy, ai có ai không? Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài dặm mà dường như dưới gối, luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến cho mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất”.

Bấy giờ, cuộc đối đầu giữa những người Việt Nam yêu nước và quân Pháp đang diễn ra trên nhiều chiến tuyến, nếu nói toẹt ra phát minh máy ảnh Daguerre là của người Pháp ắt sĩ phu, dân chúng tẩy chay, vì thế, ông Trứ phải nói khác đi: “Mong làm tan sự nghi ngờ của những người chưa hiểu rõ, lại xin nói thêm nghề chụp ảnh từ đâu mà ra. Đầu tiên là từ người nước Anh, chứ không phải là đồng đảng của bọn Pháp, sau truyền vào nước Thanh là nước có bang giao với nước Đại Việt ta. Vốn đầu đuôi là như vậy, vả chăng há lại vì giận cá mà chém thớt sao? Sự thực là như vậy”.

Tất nhiên, muốn chụp ảnh thì phải trả tiền. Bảng giá như sau: “Mặc đại triều phục giá 27 quan 5, mặc thường triều phục giá 22 quan, mặc quần áo thường như ở trong nhà thì 16 quan 5; nếu trong ảnh chụp có thêm người khác thì phải thêm tiền, tùy vai vế người đứng chung mà phải trả thêm từ 2 đến 3 quan. Chụp xong, bốn ngày sau thì hiệu giao ảnh trắng đen. Ai muốn có màu thì thương lượng với thợ, bản hiệu không can thiệp”.

Ngày nay, một khi khai trương cửa hàng, nhãn hiệu mới, thông thường các nhà kinh doanh mời chính khách, diễn viên nổi tiếng, hoa khôi, hoa hậu chân dài váy ngắn đến tham dự, thưởng thức sản phẩm… nhằm quảng bá thương hiệu.

Điều bất ngờ là vào thời ấy, phương thức “PR” này cũng từng được nhà nho Đặng Huy Trứ “vận dụng” khi khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường. Ông đã mời các vị trong dòng họ Tôn Thất đến chụp ảnh. Ba người đầu tiên đến Cảm Hiếu Đường chụp ảnh là Tôn Thất Phiên, Nguyễn Vĩnh Niên và Tô Bội Chi.

Mãi đến tháng 6/1878, tại Huế, bên bờ sông Hương, cạnh Sở Thương Bạc, ông Trương Văn Sáu từ Pháp về cũng mở một hiệu nhiếp ảnh. Tên hiệu là gì thì trong Đại Nam thực lục chính biên không thấy ghi lại.

 

Lê Minh Quốc/ PNO

Bình luận (0)