Từ nguồn tin, chúng tôi tìm đến địa chỉ số C2/41, ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM – là nơi ở của gia đình thầy giáo Tô Thanh Bần và một số người thân của thầy để tìm hiểu vụ việc.
Mâu thuẫn
Địa chỉ nói trên là một ngôi nhà nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ khá yêu tĩnh. Thế nhưng, khác với vẻ tĩnh lặng bên ngoài, được biết, nơi đó gần 4 năm qua luôn tồn tại sự bất đồng, mâu thuẫn từ các thành viên trong gia đình. Chủ hộ – ông Tô Văn Bồ (SN 1928 còn vợ ông là bà Phạm Thị Sáu đã mất) có tổng cộng 11 người con, mất 2 còn 9. Thầy Bần là một trong số 9 người con còn lại của ông Bồ.
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà nằm trên một thửa đất khá rộng, hiện tại gồm có 2 phần. Phần trước bao gồm toàn bộ diện tích ngôi nhà là nơi ở của ông Tô Văn Bồ và người con gái Tô Thị Kim Khánh (SN 1966). Phần sau với diện tích khoảng 15m2 dính liền phía sau ngôi nhà, thầy Bần cho hay, vốn được tu sửa tạm bợ từ… chuồng gà trước đây của ông Bồ, là chốn ngụ cư của gia đình thầy. “Kể từ ngày phát sinh mâu thuẫn vào cuối năm 2008, cha và các anh chị em cô lập, xua đuổi, không cho vợ chồng tôi sống trong nhà nên phải dọn ra đây ở”, thầy Bần khẳng định. Còn lại, những thành viên khác đều đã lập gia đình, ra riêng và “thay phiên” nhau về thăm cha.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Bồ cho biết: “Nó (ý chỉ thầy Bần – NV) là một người phá hoại của gia đình! Nhiều năm nay nó luôn tìm cách kiếm chuyện, gây gổ và đánh nhau với chúng tôi. Đến tôi là cha mà nó cũng không tha, cũng đánh đập! Không biết làm sao để nó đi khuất cho rồi chứ ngày nào nó còn ở đó là coi như tôi không được yên ổn”. Như để minh chứng, chị Khánh đưa tôi xem tập “hồ sơ” ghi lại đầy đủ những lần thầy Bần có hành vi bạo lực như: đánh người em gái tên Huệ bị rách môi phải nhập viện; mỗi lần có rượu là thầy la lối, chửi đổng hay bấm còi xe inh ỏi nhằm khiêu khích, chọc phá mọi người… Khi hỏi về việc trình báo nhờ chính quyền can thiệp, ông Bồ cám cảnh: “Lần nào gây chuyện xong, khi công an tìm đến nó cũng đều bỏ đi!”. Một cán bộ công an xã Bình Chánh cũng thừa nhận, thầy Bần nhiều lần có hành vi bạo lực, gây rối người thân trong gia đình, làm mất an ninh trật tự nhưng không lần nào lập được biên bản vì gây xong là thầy bỏ đi. Qua xác minh, vị cán bộ công an cũng cho biết: “Về công tác, thầy Bần có mối quan hệ rất tốt, hòa đồng với đồng nghiệp nhưng về vấn đề gia đình vẫn chưa thu xếp được. Còn chuyện thầy Bần có đánh đập người thân hay không, do không để lại thương tích nên chúng tôi khó lập biên bản xử lý”.
Hoàn cảnh của thầy Bần?
Tuy nhiên, về phía mình, thầy Bần khẳng định chính ông Bồ và các anh em của thầy vì muốn đuổi vợ chồng thầy đi nơi khác ở nên thường đặt chuyện kể xấu vợ chồng thầy và là người gây chuyện trước. Điển hình như điện sinh hoạt của gia đình thầy nối với nguồn điện của ông Bồ… bỗng dưng bị cắt, ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cũng như công việc soạn giáo án của thầy. Hiện tại, thầy Bần phải câu nhờ điện của một người hàng xóm. Hay như việc thầy Bần muốn mượn sổ hộ khẩu (ông Bồ đang giữ) để xin tách hộ hoặc điều chỉnh một số giấy tờ cá nhân, làm hồ sơ cho con cũng không được cha cung cấp! Chỉ chúng tôi xem phần tôn chắp vá dựng tạm làm “nhà” của mình, vợ thầy Bần kể: “Giận lên là cha xuống lấy rựa “phang” vào đó gây thủng lỗ chỗ”. Không dừng lại đó, ở trong một mái tạm chật hẹp, chái bếp nấu cơm của thầy Bần cứ mưa xuống là… không nấu được nhưng khi vợ chồng thầy định dựng một chái bếp khác thì ông Bồ không cho vì “đất này là của tao! không đứa nào được làm gì hết!”. “Đến chỗ vệ sinh chúng tôi cũng phải đi nhờ hàng xóm vì nhà vệ sinh đã bị cha phá bỏ” – thầy Bần khẳng định.
Theo thầy Bần, để tránh mâu thuẫn, không ít lần gia đình muốn chuyển đi song với mức thu nhập của hai vợ chồng (vợ thầy Bần đang làm bảo vệ một trường học) không đủ thuê phòng trọ trong khi còn phải lo cho hai đứa con ăn học (trong đó người con lớn hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngân hàng). Hiện tại, do căn phòng khá hẹp chỉ đủ kê một chiếc giường nên buổi tối, thầy Bần thường phải xin đi trực bảo vệ thay vợ để… nhường chỗ ngủ cho vợ con. “Mâu thuẫn kéo dài nhiều năm nay nhưng chúng tôi không giải quyết được, không còn có thể ngồi lại với nhau bởi tôi luôn cảm thấy mình bị cha và anh em cô lập, xua đuổi nên nhiều lần họp gia đình, tôi không dám xuất hiện vì sợ… yếu thế hay bị đánh đập!”.
Tuyết Dân
Vừa qua, thông qua đường dây nóng của Báo Giáo Dục TP.HCM, bạn đọc cung cấp thông tin một thầy giáo – ông Tô Thanh Bần (SN 1962) – giáo viên Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3, huyện Bình Chánh thường xuyên có hành vi bạo lực với người thân trong gia đình. Vậy, thực hư chuyện này ra sao? |
Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
Bình luận (0)