Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bài 1: Tiên tiến chưa chắc đã “thắng”

Tạp Chí Giáo Dục

Tại VN, truyền hình cáp hữu tuyến thu hút số lượng người dùng đông nhất trong các loại dịch vụ truyền hình trả tiền. Nó chiếm vị trí độc tôn cho dù nhiều công nghệ truyền hình tiên tiến đã được triển khai.

Thiết bị truyền hình kỹ thuật số và truyền hình vệ tinh được bán nhiều ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) nhưng ít người mua vì số kênh ít -Ảnh: GIA TIẾN

Truyền hình cáp hữu tuyến CATV analog là công nghệ được phát triển từ những năm 1950, đến nay đã là một công nghệ lạc hậu. Nhiều nước trên thế giới đã giảm tỉ lệ sử dụng công nghệ này để nhường chỗ cho những công nghệ mới, tiên tiến hơn.

Công nghệ đầu tiên là DTH (direct to home – trực tiếp đến nhà) cho phép truyền tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh đến thẳng người dùng. Người sử dụng chỉ việc dùng chảo ăngten để thu tín hiệu và đầu thu để giải mã tín hiệu là có thể xem được các kênh truyền hình, không phải dùng đến dây cáp để truyền dẫn tín hiệu.

DTH đã có ở VN từ năm 2004, được Trung tâm truyền hình cáp Đài truyền hình VN (VCTV) triển khai, gần đây VTC cũng triển khai. Hiện nay, DTH của VCTV có 21 kênh, VTC có 41 kênh (trong đó có chín kênh chuẩn HD). Người dùng muốn sử dụng phải có đầu thu và trả tiền trước. Riêng VCTV có năm, sáu kênh được phát miễn phí. Gần đây, một số người dùng đã thu được tín hiệu của HTV (tám kênh) phát qua vệ tinh Vinasat-1.

Dùng thẻ thông minh 

* Ông Phan Văn Trung (chi hội vô tuyến điện tử quận 3, TP.HCM):

Không có cạnh tranh

Truyền hình trả tiền tại nhiều nước trên thế giới, việc cạnh tranh giữa các công nghệ khác nhau, đặc biệt là giữa truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh là hết sức sôi động, căng thẳng.

Ngay cả ở một nước như Campuchia, cuộc cạnh tranh giữa các công nghệ truyền hình trả tiền đã dành cho khán giả quyền lựa chọn rộng rãi.

Các kênh chính của Campuchia (TVK, Apsara, Bayon TV…) vừa được phát qua mạng cáp hữu tuyến, vừa qua vệ tinh Thaicom 5. Không một bên nào dám để cho chất lượng tín hiệu của mình cung cấp xấu đi.

Về mặt này có thể khán giả truyền hình TP.HCM còn không được phục vụ chu đáo như khán giả ở Phnom Penh. Tất cả chỉ do không có cạnh tranh.

Ông Đặng Tấn Mầu (nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM):

Chỉ phục vụ một phần TP.HCM

Theo công bố chính thức trên báo chí, Đài truyền hình TP.HCM đã thuê hai bộ phát đáp băng Ku của vệ tinh Vinasat-1 từ nhiều tháng trước đây. Nếu phát bằng công nghệ DVB-S2, số kênh có thể đạt xấp xỉ mức kênh đã có của truyền hình cáp hữu tuyến hiện nay, nhưng lại cho chất lượng cao và đồng đều hơn. Phải chăng có một lý do nào đó khiến HTV chỉ chú trọng đến mạng cáp hữu tuyến, công nghệ giới hạn số lượng khán giả chỉ ở một phần TP.

Công nghệ truyền hình trả tiền thứ hai là truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T, dùng thẻ thông minh. Công nghệ này có tổng cộng 36 kênh từ ba nhà đài BTV, VTC, HTV. Nếu dịch vụ DTH của VCTV ít kênh vì thiếu máy phát đáp vệ tinh (phải đi thuê vệ tinh Measat 2 của Malaysia với chi phí khá lớn) thì truyền hình số mặt đất ít kênh vì thiếu tần số mặt đất (chỉ có hai kênh tần số phát được khoảng 26 kênh chương trình). Chỉ vì ít kênh nên cả hai công nghệ mới này mấy năm qua vẫn chưa phải là đối thủ của công nghệ truyền hình cáp.

Công nghệ thứ ba đang được các công ty truyền hình cáp ở TP.HCM triển khai là DVB-C (truyền hình kỹ thuật số qua cáp). Chất lượng DVB-C cũng rất tốt. DVB-C còn có ưu điểm so với truyền hình cáp tín hiệu analog phổ biến hiện nay là có thể phát được nhiều kênh hơn trên cùng một tần số (với một kênh truyền hình tín hiệu analog có thể phát được 8-13 kênh kỹ thuật số). Tuy nhiên, DVB-C được phát qua cáp nên vẫn phải phụ thuộc vào chất lượng mạng lưới dây cáp.

Phủ sóng tốt

Trong khi đó, công nghệ Hyper Cable do HTV triển khai là một loại truyền hình tương tự DTH nhưng được lắp đặt trên mặt đất, thuận tiện cho dịch vụ truyền hình trả tiền nhiều kênh. Chất lượng phủ sóng của Hyper Cable rất tốt, tương tự như chất lượng truyền hình số qua vệ tinh. Điểm thu dù ở cách xa đài phát hay ở bên cạnh ngay dưới đài phát thì chất lượng đều như nhau, rõ nét và trung thực (khi không bị chướng ngại vật).

Việc khai thác Hyper Cable sẽ hết sức đơn giản và rẻ tiền bởi chi phí đầu tư cho một cụm máy phát công suất không cao mà có thể phủ sóng hàng trăm kilômet nếu đặt ở cao điểm thích hợp. Việc tiết kiệm còn nằm ở chỗ một máy phát Hyper Cable có thể phát 16 chương trình. Nghĩa là chỉ cần năm máy phát đã có thể cho số kênh hơn hẳn công nghệ cáp analog hiện nay trong khi chất lượng hình ảnh vượt trội hẳn.

Hyper Cable có thể tương thích với truyền hình vệ tinh. Hệ thống thiết bị thu Hyper Cable khi ngẩng ăngten lên trời sẽ có thể thu được sóng truyền hình vệ tinh. Tức là giả sử nếu trước đây ta phát triển mạnh truyền hình cáp vô tuyến Hyper Cable như một bước quá độ để phát triển lên truyền hình vệ tinh thì hiện giờ việc triển khai rộng rãi dịch vụ truyền hình vệ tinh từ vệ tinh Vinasat-1 sẽ rất thuận lợi.

So với truyền hình cáp hữu tuyến CATV (chất lượng analog) hiện nay, Hyper Cable không những cho chất lượng hình ảnh tốt hơn mà còn có khả năng tăng kênh rộng rãi, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn thu (dùng thẻ giải mã, mỗi đầu thu chỉ xem được một tivi). Khi mạng phân phối Hyper Cable hoàn chỉnh, việc kết nối của người dùng sẽ rất dễ dàng, không phải kéo cáp. Hơn nữa, việc xây dựng một đài phát Hyper Cable nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với lắp đặt mạng dây dẫn.

Cáp mới “yếu” hơn

Trước đây, khi bắt đầu phát triển mạng truyền hình trả tiền tại TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM có cả hai hệ thống truyền hình cáp vô tuyến và hữu tuyến. Theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu – nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM, HTV cũng từng xem Hyper Cable là một bước đột phá về mặt công nghệ vì cho hình ảnh đẹp, có thể phủ sóng phần lớn TP, nhất là các quận trung tâm, nơi vốn chỉ có cáp của SCTV. Ở Hyper Cable, khách hàng trả tiền thẳng cho trung tâm bằng thẻ thông minh, không phải qua một trung gian quản lý đường cáp nào cả.

Hệ thống này đã được đầu tư, hoạt động rất tốt nhưng không hiểu vì sao bị khống chế giới hạn chỉ còn 32 kênh (theo lý thuyết có thể phát nhiều kênh hơn nữa)? Điều này đã làm công nghệ cáp mới Hyper Cable trở nên “yếu” và không thể cạnh tranh với công nghệ truyền hình cáp hữu tuyến CATV. Hiện giờ, Hyper Cable dường như không còn được sử dụng để phát triển thuê bao người dùng cuối. Lượng người dùng cũng không tăng thêm vì thông tin về dịch vụ này gần như “biến mất”.

Trước đây, truyền hình cáp hữu tuyến CATV với chất lượng analog phát triển được là vì chi phí kết nối rẻ hơn nhiều so với việc mua đầu thu truyền hình số. Do đó, CATV đã thu hút được rất nhiều người dùng như hiện nay. Nhưng đến giờ, khi đã có nhiều công nghệ truyền hình khác tiên tiến hơn mà CATV vẫn được ưu tiên phát triển.

Mới đây, cả hai đài SCTV và HTVC đều đưa vào khai thác công nghệ truyền hình số qua cáp (DVB-C). Chất lượng hình ảnh số qua đầu thu cao hơn chất lượng truyền hình cáp analog thu bằng tivi thông thường. Nhưng nếu đường cáp xuống cấp, tín hiệu chập chờn thì liệu truyền hình số qua cáp DVB-C có còn chất lượng cao như các nhà đài đang quảng cáo không?

ĐỨC THIỆN – THANH PHONG (Theo TTO)

Bình luận (0)