Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bài 2: Giáo dục nghề nghiệp phải làm gì để chạy đua với công nghệ?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ thúc đẩy học tập suốt đời, khuyến khích người lao động tiếp nhận những thách thức mới trước sự thay đổi liên tục của thị trường lao động.      

Tương lai của việc làm: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0

Sinh viên thực hành nghề robot tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sinh viên thực hành nghề robot tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trước tiến trình hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục nghề nghiệp đang bộc lộ bất cập lớn là thiếu kỹ năng so với yêu cầu của doanh nghiệp và thiếu hụt người lao động có kỹ năng việc làm mới. Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới toàn diện và liên tục

Thị trường cần 4.0 vẫn đào tạo 3.0?

Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp – nơi cung cấp nhân lực kỹ thuật chủ yếu cho nền kinh tế vẫn đào tạo theo cách cũ, thích ứng với sự thay đổi khá chậm chạp. Học sinh, sinh viên với các kiến thức được dạy trong nhà trường theo đánh giá của doanh nghiệp và các chuyên gia là còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0, thậm chí không hữu dụng với nền kinh tế 4.0, một số ngành nghề đang dễ dàng bị robot thay thế.

Theo báo cáo về “Sinh viên mới ra trường cùng những cơ hội và thách thức trong bước đầu của sự nghiệp” do Tập đoàn Navigos thực hiện cuối năm 2018, hơn một nửa sinh viên mới ra trường cho rằng kiến thức được đào tạo trong trường học vẫn có khoảng cách với thực tế làm việc. 61% sinh viên được hỏi ý kiến cho biết kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn. Trong đó 32% ứng viên cho rằng phải tự mình tìm hiểu thêm và 29% được công ty đào tạo lại khi đi làm. Chỉ 39% ứng viên đồng tình rằng kiến thức đào tạo không có khác biệt nhiều và có thể áp dụng được.

Ở đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự đổi mới phương pháp dạy và học còn khá chậm trễ do hạ tầng công nghệ thông tin còn lạc hậu và không đồng bộ. Để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, các trường nghề cần phải thay đổi hoạt động đào tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Bai 2: Giao duc nghe nghiep phai lam gi de chay dua voi cong nghe? hinh anh 1
Giáo viên hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tự động hóa tại Phòng học công nghệ 4.0. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ông Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp cho rằng, tất cả các phát minh công nghệ mới đều có đặc điển chung là tận dụng sức mạnh của số hóa và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo một cách thường xuyên và linh hoạt, phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng các phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho cách mạng công nghiệp 4.0 nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Một thế hệ công dân toàn cầu đang được hình thành để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Họ phải được trang bị và sử dụng thành thạo hai công cụ: Công nghệ thông tin và ngoại ngữ,” ông Tiến nói.

Theo ông Mạc Văn Tiến, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho giáo dục nghề nghiệp, các ngành nghề mới xuất hiện đòi hỏi chương trình đào tạo phải có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để người học có kiến thức nền tảng, từ đó hình thành kỹ năng sáng tạo và thích ứng với nhiều công việc khác nhau.

Nhận thức về giáo dục nghề nghiệp mở còn thấp

Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.” Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ khuyến khích người lao động học hỏi kiến thức, kỹ năng để vượt những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù có nhiều cách hiểu, định nghĩa khác nhau về khái niệm giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, nhưng đặc trưng chủ yếu là mở về tư duy đào tạo nghề nghiệp, địa điểm, đối tượng, thời gian, chương trình, phương pháp…

Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mặc dù được đưa vào trong luật nhưng nhận thức về giáo dục nghề nghiệp mở chưa được như mong muốn, đưa khóa học trực tuyến mở vào dạy và học vẫn còn khá xa lạ tại Việt Nam.

“Điều đáng quan tâm hơn cả là việc phân tích sâu những thay đổi của thị trường lao động trong tương lai gần, những yêu cầu mới về kỹ năng và từ đó là những vấn đề đặt ra cho đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức trường lớp, đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá vẫn chưa được quan tâm đúng mức,” ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.

Bai 2: Giao duc nghe nghiep phai lam gi de chay dua voi cong nghe? hinh anh 2
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ phải linh hoạt để khuyến khích người lao động học tập suốt đời. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển nguồn nhân lực, gắn giáo dục nghề nghiệp với sự dịch chuyển mau lẹ của thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, định hướng phát triển trong thời gian tới là phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, giáo dục nghề nghiệp sẽ gắn chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo thường xuyên, cập nhập, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của của doanh nghiệp, duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên-Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc Hội thì  nhận định, sự gắn kết giữa doanh nghiệp cơ sở giáo dục đào tạo chưa phải sự gắn kết hữu cơ. Hiện nay, doanh nghiệp chưa mặn mà khi tham gia vào đặt hàng, xây dựng chương trình đào tạo. Trong khi đó, sản phẩm của giáo dục nghề nghiệp gắn nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, do đó cần có những cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp.

Theo các chuyên gia, mô hình giáo dục nghề nghiệp mở được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là rỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề. Việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo thúc đẩy học tập suốt đời, khuyến khích người lao động tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm./.

Theo Hồng Kiều/Vietnam+

 

Bình luận (0)