Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài 2: Xin học cho con, sao gian nan quá chừng!

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Sau khi làm xong thủ tục công chứng và dịch học bạ tiếng Anh của con, anh Hữu Tâm tiếp tục gặp nhiều vướng mắc khi xin cho con vào học lớp 3.
Bài 1: Thưa Bộ trưởng, có phải Bộ trưởng quy định thế này không?
HS trường tiểu học Kim Liên ngày khai trường. Ảnh: Huyền Chi
Một ngày đẹp trời, tôi đến Trường Tiểu học CVA, lúc này học sinh đã nghỉ hè. Gặp anh bảo vệ, tôi trình bày trường hợp của con tôi. Anh bảo lên gặp cô A ở văn phòng. Tôi gặp cô A, trình bày đầu đuôi, nhưng cô bảo không còn chỗ. Tôi lại ra cổng bảo vệ, anh bảo vệ nói hay là sang bên kia đường gặp thầy P, thầy đang uống cà phê bên kia đường.
Thầy P hơi đứng tuổi, thầy cho biết thầy đang phụ trách khối lớp 3, và hiện còn một vài chỗ trống ở lớp tăng cường tiếng Anh. Tôi mừng thầm, không những được học mà còn học ở lớp tăng cường tiếng Anh thì hay quá vì con tôi cũng đã học tiếng Anh ở Ấn Độ.
Tôi trình bày trường hợp của con tôi, không có hộ khẩu ở TP.HCM, học ở Ấn Độ từ mẫu giáo đến lớp 2, tôi công tác ở Quận 1, nhà tôi đang tạm trú ở Thủ Đức (nhưng rất gần trường CVA). Thầy P rất nhiệt tình chỉ dẫn các bước để xin học, rồi hướng dẫn lên gặp cô hiệu trưởng. Thầy dặn tôi trình bày với cô như đã nói với thầy.
Tuy nhiên, sau khi gặp cô hiệu trưởng, tôi lại thất vọng hơn. Cô nói rằng không còn chỗ nào trống cả. Tôi bảo thầy P nói có một chỗ, nhưng cô bảo chỗ ấy, một cô giáo trong trường xin cho con rồi. 
Gặp thầy P, tôi trình bày lại như vậy. Thấy tôi rất thất vọng, thầy hứa sẽ nói lại với cô hiệu trưởng.
Hôm sau tôi lại lên trường, cô hiệu trưởng hướng dẫn rằng, bây giờ phải lên Sở xin giấy giới thiệu, sau đó đem về Phòng giáo dục quận Bình Thạnh. Khi nào Phòng có công văn về trường, khi đó trường sẽ tổ chức thi kiểm tra Toán và Tiếng Việt, nếu đạt thì cháu sẽ được vào học.
Tôi biết đây là con đường mà cả cô Hiệu trưởng và thầy P đều không thấy khó xử với nhau. Điều đó có nghĩa là hy vọng của con tôi chỉ được 50%. Nhưng với tôi như vậy cũng là tốt rồi. 
Tôi kể với bạn bè, ai cũng bảo tại tôi thiếu cái "đầu tiên". Nhưng tôi không làm được, không phải vì tôi không có tiền, mà tôi cảm thấy như vậy là xúc phạm đến thầy cô giáo.
"Thôi mình cứ đi làm hết sức mình. Nếu không được thì đành đưa con sang Mỹ học, bao nhiêu người mơ ước và tốn tiền của mà cũng chưa chắc đã đi được" -tôi tự an ủi. 
Tôi đem chuyện nói với một thầy bên trường ĐHKHTN, thầy dẫn tôi sang Sở giáo dục và giới thiệu “hoàn cảnh” của tôi với bạn của thầy. Và anh bạn của thầy viết cho tôi giấy giới thiệu gửi về Phòng giáo dục quận, rằng xem xét tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Việt, đạt lớp nào xếp lớp ấy. 
Tôi cầm giấy giới thiệu đến Phòng giáo dục quận nộp, họ nói rằng hộ khẩu ở đâu thì về đấy mà xin học. Và họ bảo cứ về chờ khi nào có kết quả thì họ sẽ gọi điện.
Bấy giờ đã là cuối tháng 6, đến ngày tôi sắp lên đường sang Mỹ. Tôi lại lên Phòng để hỏi kết quả, họ nói ông trưởng phòng đi vắng. Tôi lại điện sang bên Sở nhờ anh bạn của thầy tôi  Anh bảo rằng vừa điện cho ông trưởng phòng, ông ấy đang ở trong phòng chứ đi đâu mà vắng. Cuối cùng, tôi cũng gặp được ông này và ông nói cứ yên tâm về đi, sẽ có kết quả sớm. 
Tôi sang Mỹ mà canh cánh lo rằng không biết ở nhà con có được đến trường không? Tôi điện thoại về nhà thường xuyên để hỏi tình hình. Vợ tôi bảo đã lấy hồ sơ trên Phòng giáo dục về nộp ở trường rồi. Nhưng vợ tôi lo lắng con sẽ khó vượt qua kỳ thi kiểm tra tiếng Việt, bởi khi gặp cô hiệu trưởng, cô tỏ ra khó chịu lắm, và hỏi có quen ai trên Sở?.
Vợ tôi tham khảo ý kiến của nhiều người, rồi quyết định làm cái thủ tục "đầu tiên" – điều mà tôi cứ băn khoăn từ đầu.
Thế rồi con tôi cũng đỗ kỳ thi sát hạch, môn Toán được 9 hay 9.5 điểm, còn môn Tiếng Việt thì  vừa đủ điểm đỗ.
Cuối cùng, con tôi cũng được đến trường, điều mà ai cũng nghĩ là tất nhiên, nhưng sao mà gian nan quá chừng. Sau một học kỳ cháu học cũng không đến nỗi nào, cháu đã đọc viết khá trôi chảy. 
Hữu Tâm (Lincoln, Nebraska T.10/2009)
Vietnamnet
Còn tiếp.

Bình luận (0)