Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bài 3: Không thầy, không lớp vẫn cấp tốc chiêu sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Những bài báo trước, Nguoiduatin.vn đã cung cấp cho độc giả phần nào toàn cảnh về thực trạng của hình thức liên kết đào tạo (LKĐT) ở Nghệ An. Trong bài này, chúng tôi sẽ thông tin đến người đọc chuyện những cơ sở đào tạo “hai không” nhưng vẫn tung những độc chiêu để thu hút học viên.
Ở TP Vinh (Nghệ An) hiện nay, ngoài các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tham gia vào công tác đào tạo liên thông, liên kết còn có không ít các trung tâm giáo dục cũng đang hoạt động khá rầm rộ trong lĩnh vực gây loạn lạc này. Liên kết đào tạo dường như đang trở thành một “miếng bánh” béo bở để nhiều người đục khoét.
Gọi là trung tâm nhưng trên thực tế khi nhắc đến tên gọi của các trung tâm này những người sống dân địa phương cũng khó xác định được địa chỉ. Theo một cán bộ công tác trong ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, những trung tâm kiểu này mọc lên là do một mánh khóe làm ăn mà thôi. Bằng các mối quan hệ, họ đi xin được chỉ tiêu từ các trường lớn ngoài Hà Nội, Hải Dương hay vào tận Huế, Đà Nẵng… Chỉ cần xin được một ít chỉ tiêu là người ta trở về rầm rộ đăng tin, thông báo, phát tờ rơi tuyển sinh liên thông trung cấp, đại học… Không hiểu các trường đại học, cao đẳng người ta dựa trên cơ sở nào để cấp chỉ tiêu về cho các trung tâm liên kết đào tạo kiểu như thế này.
Trung tâm liên kết "thầy Linh"
Khi tìm hiểu về thực trạng LKĐT ở Nghệ An, PV Nguoiduatin.vn rất "ấn tượng" với một cơ sở giáo dục mà chúng tôi không biết gọi tên là gì nhưng lại thông báo tuyển sinh rất rầm rộ. Họ đưa ra thông báo tuyển sinh “Đại học liên thông (Hệ chính quy công lập – ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh)” rồi đến tuyển sinh liên thông hệ chính quy công lập trường cao đẳng công nghiệp Huế…
Cấp tốc tuyển sinh là thế nhưng phía đại diện tuyển sinh chỉ là cái tên “Văn phòng đại diện tuyển sinh” có địa chỉ ở phòng 102 – số 34 Nguyễn Sỹ Sách – TP Vinh (Nghệ An) mà thôi. Tìm đến địa chỉ nói trên, thấy đây là địa chỉ của trung tâm đào tạo Dạy nghề và Phát triển công nghệ tin học CITD. Phía đại diện tuyển sinh rầm rộ nói trên chỉ vỏn vẹn nằm trong căn phòng rộng chừng 15m2 với tấm biển “Văn phòng đại diện tuyển sinh”.
Thông báo tuyển sinh đa dạng
Được biết, văn phòng này thuộc sự quản lý của một người tên là Linh, biết là thế nhưng trên thực tế trong các thông báo tuyển sinh không hề có tên của ông này. Một người bảo vệ trung tâm đào tạo này cho biết, ngoài việc phục vụ học sinh của trung tâm chính (CITD) thì có hai cơ sở giáo dục khác thuê lại, một là cơ sở của thầy Linh, hai là văn phòng đại diện tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại Nghệ An.
Và đây là "trung tâm cô Lâm"
Cũng tương tự như cách làm của thầy Linh, "trung tâm cô Lâm" cũng được nhiều người công tác trong ngành giáo dục nhắc đến với những thành tích “xuất sắc” trong công tác tuyển sinh khi trong tay không thầy, không thợ. Cô Lâm được biết với tư cách là giám đốc Trung tâm LKĐT nhân lực Bắc miền Trung. Không biết bằng cách nào mà Trung tâm này có thể có được chỉ tiêu đào tạo từ trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại (bộ Công Thương) rồi về mở lớp đào tạo tại Nghệ An.
Trung tâm này cũng xin thuê một căn phòng cấp bốn đã xuống cấp nằm trong khuôn viên của trường cao đẳng sư phạm Nghệ An (cơ sở 2) có địa chỉ tại số 63 Lê Hồng Phong – TP Vinh. Văn phòng làm việc chỉ vỏn vẹn có hai con người với đống hồ sơ cao ngất trong tủ kính. Khi chúng tôi đến trong vai các học viên đã là những ngày cuối tháng 11 nhưng họ vẫn nhiệt tình tư vấn về chương trình liên thông. Nhiều quyền lợi hấp dẫn được đưa ra như: Được hưởng các chế độ ưu tiên của Nhà nước; Tốt nghiệp được cấp bằng cính quy; Được liên thông lên đại học…
Với những cách làm như trên, không khỏi băn khoăn khi nghe câu nói của một nhà giáo (xin được dấu tên) đã có thâm niên trong công tác giáo dục rằng: “Dường như LKĐT đang thực hiện mục tiêu kiếm tiền”. (Còn nữa).
Theo Hồ Ngọc – Phương Lan
(Nguoiduatin.vn)

Bình luận (0)