Các thành viên CLB vật lý tập trung trong phòng thí nghiệm của trường để cùng nhau thảo luận, sáng chế ra các sản phẩm tiện ích. (Ảnh: Trường THPT Phú Nhuận cung cấp) |
Không sinh hoạt định kỳ theo hàng tuần hay hàng tháng, cũng không có các thành viên ban chủ nhiệm nhưng các CLB học tập của Trường THPT Phú Nhuận (như văn học, tiếng Anh, hóa học…) vẫn hoạt động hiệu quả và thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn HS trong trường.
Chơi mà học
CLB nhà hóa học trẻ được thành lập cách đây hai năm, không có thành viên chủ nhiệm cũng không có thành viên chính thức nhưng CLB vẫn hoạt động đều đặn và chia làm hai nhóm, Nhóm thí nghiệm dành cho HS lớp 11 và Nhóm vui mà học dành cho HS lớp 10 và lớp 12. Mỗi lần sinh hoạt, các bạn sẽ được hai giáo viên (GV) của tổ bộ môn hóa hướng dẫn, sắp xếp lịch và lên nội dung sinh hoạt. Nhóm vui mà học thường xuyên được GV tổ chức chơi trò chơi Rung chuông vàng, theo đó thầy cô đưa ra những câu hỏi về hóa học rồi các bạn trả lời đáp án trên các bảng con.
Bạn Nguyễn Thị Kim Anh, HS lớp 10, nói: “Trò chơi này vừa củng cố lại kiến thức cho chúng em vừa giúp chúng em tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi nhanh. Chưa hết, CLB nhà hóa học trẻ thường kết hợp với các CLB vật lý, sinh học tổ chức các chuyến đi xa như đến làng gốm ở Bình Dương tham quan để mở rộng thêm những kiến thức xã hội”. Trong khi đó ở CLB tiếng Anh, GV bộ môn ngoại ngữ luôn thay phiên tổ chức sinh hoạt cho các bạn mỗi tháng 1-2 lần với các hoạt động như thảo luận, tổ chức trò chơi, thi hát tiếng Anh… với những chủ đề như đất nước, con người, phong tục tập quán người Anh cũng như sở thích nghề nghiệp của HS. Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, phấn khởi kể: “Trong số các hoạt động mà CLB đã tổ chức thì cuộc thi hát tiếng Anh được tổ chức hàng năm là cuộc thi mà các em mong đợi nhiều nhất. Số lượng thí sinh đăng ký rất nhiều, do đó chúng tôi phải tuyển chọn khá vất vả. Đây là hình thức vui chơi nhưng qua đó các em cũng được rèn luyện nhiều kỹ năng học tiếng Anh”.
Ngoài ra CLB tiếng Anh còn kết hợp với CLB văn học tổ chức các vở kịch như Mỵ Châu – Trọng Thủy, Sơn Tinh – Thủy Tinh hay các vở kịch do các bạn HS tự viết kịch bản và dàn dựng… để diễn trong những ngày lễ hội. Cô Nguyễn Thị Thủy Vân, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những vở kịch này không chỉ cho HS có những kiến thức sâu về văn học mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn các em. Tất cả các CLB học thuật trong trường được mở ra đều giúp các em vui chơi thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Chơi nhưng mà học, qua sinh hoạt các em sẽ cảm thấy yêu bộ môn hơn, đồng thời rút ra được những phương pháp học một cách thích hợp nhất cho từng bộ môn”.
Thử làm nhà khoa học
Đến phòng thí nghiệm của Trường THPT Phú Nhuận vào những ngày chủ nhật, mọi người sẽ thấy từng nhóm HS tham gia làm thí nghiệm. Đó là các thành viên của CLB nhà hóa học trẻ và vật lý.
Nhóm thành viên CLB nhà hóa học trẻ thường được GV hướng dẫn vào phòng thí nghiệm của trường để làm những thí nghiệm mà các em chưa có điều kiện thực hành trên lớp. Cô Nguyễn Thị Kim Vân kể lại: “Khi học kim loại kiềm, HS được hướng dẫn làm các phản ứng của kim loại này. Các em sẽ dàn dựng một trận đánh của hai chiếc thuyền lớn bằng giấy, trên hai chiếc thuyền ấy cho một ít hạt natri vào. Thuyền làm bằng giấy sẽ thấm nước, mà nước tác dụng với natri thì bốc cháy. Dưới nước HS được hướng dẫn cho vài giọt phenolphtalein (chất chỉ thị màu) để khi nước tác dụng với kiềm cho ra màu đỏ. Một trận chiến diễn ra rất hấp dẫn, có sự bùng cháy của các con thuyền cộng với màu đỏ tượng trưng cho máu loang lổ khắp dòng sông. Với những buổi thực nghiệm như thế này các em vừa ghi nhớ sâu về kiến thức lại cảm thấy rất thoải mái khi tham gia sinh hoạt CLB”. Ngoài thí nghiệm này, HS còn được làm rất nhiều thí nghiệm hấp dẫn khác như trộn các hóa chất để làm mô hình núi lửa phun nham thạch lên, hay thí nghiệm không có lửa nhưng có khói (trộn axit và amoniac lại)… rất thú vị.
Trong khi đó, CLB vật lý cũng là nơi giúp các bạn HS có niềm đam mê sáng chế để trở thành các nhà khoa học nhí. CLB này không sắp xếp thời gian sinh hoạt định kỳ, chỉ tập trung những HS yêu thích môn vật lý tham gia sáng chế bất cứ lúc nào và ở mọi nơi. Thầy Đỗ Đức Siêu, GV hướng dẫn CLB vật lý cho biết: “Tham gia sinh hoạt ở CLB, các em HS đã vận dụng nhiều định luật để sáng tạo ra những sản phẩm như vận dụng định luật bảo toàn năng lượng, chuyển động phản lực để chế tạo tên lửa nước; vận dụng định luật bảo toàn cơ năng chế tạo xe ô tô… Ngoài ra, CLB còn tổ chức các cuộc thi chế tạo tên lửa nước, vận dụng định luật hấp dẫn để thi thả trứng (làm sao để trứng rơi từ cao xuống mà không bị vỡ)… Học mà không thực hành, thực nghiệm thì sẽ không đạt hiệu quả, hơn nữa cho các em tập làm các nhà khoa học chắc chắn sẽ kích thích sự hứng thú của các em”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)