Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bài 8: Nông nghiệp hữu cơ – muốn tiến xa, cần nhiều bạn đồng hành

Tạp Chí Giáo Dục

Những người làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn khởi đầu và phải đối diện nhiều khó khăn

Đam mê thôi, chưa đủ

Phạm Phương Thảo – Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Mùa, doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng hữu cơ Organica – được cộng đồng biết đến như một ví dụ điển hình về sự chuyển biến từ nhận thức đến tiêu dùng, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Khi mang thai cậu con trai đầu lòng (năm 2011-2012), chị đã tra cứu mọi địa chỉ bán thực phẩm an toàn tại TP.HCM nhưng cửa hàng thì ít, sản phẩm lại rất hạn chế. Chị bắt đầu nuôi ý định mở một cửa hàng nhỏ bán thực phẩm nuôi trồng hoàn toàn hữu cơ, không dùng hóa chất.

Bai 8: Nong nghiep huu co - muon tien xa, can nhieu ban dong hanh
Vườn dưa lưới hữu cơ Việt Nam xuất khẩu qua Nhật

Organica ban đầu chỉ gom tất cả các sản phẩm hữu cơ trong nước về bán cho những bà mẹ mang thai hay những ai muốn dùng nguồn thực phẩm an toàn. Thảo kể, không ít khách hàng hỏi chị: “Căn cứ vào đâu để tin sản phẩm của cô là hữu cơ? Giấy chứng nhận đâu?”. Trong số những nông dân mà chị hợp tác, cũng có người hỏi ngược: “Không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thì tôi trừ sâu, diệt cỏ bằng tay à? Có nhiều loại thuốc được hội khuyến nông cho dùng, sao lại không dùng?”.

Thảo quyết định phải lập một trang trại hữu cơ để giải quyết được những câu hỏi đó và bán cả căn hộ đang ở để lấy tiền đầu tư vào trang trại 2ha tại Đồng Nai. Năm 2015, trang trại của Thảo đạt chứng nhận hữu cơ của Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union.

Hiện Organica đã có 5 cửa hàng (3 tại TP.HCM, còn lại tại TP.Hà Nội và TP.Đà Nẵng), nhưng Thảo cho biết, vẫn đối diện với muôn vàn khó khăn, từ khâu sản xuất lẫn phân phối. Chị chia sẻ, giờ cộng đồng nông nghiệp hữu cơ đông hơn, nhưng hầu hết vẫn ở giai đoạn mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai thì tự sửa.

Ông Võ Minh Khải – Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food – cho biết, đối với người làm nông nghiệp hữu cơ, có những khó khăn rất khó tháo gỡ. Chẳng hạn, lĩnh vực này khó tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi; đất đai làm trang trại phải đi thuê, không thể mang thế chấp để vay; không có mô hình trong nước nên mọi thứ dù nhỏ nhất cũng phải tự thử nghiệm, rất tốn kém. Bên cạnh đó, việc bán sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng cũng gian nan. 

Ông Trần Bằng Việt – Tổng giám đốc Dong A Solutions (cung cấp giải pháp phát triển tổ chức và cá nhân) – cho rằng, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, được coi là lĩnh vực khởi nghiệp cực kỳ tiềm năng nhưng cũng là lĩnh vực khó khăn nhất, mất nhiều thời gian nhất. Mấu chốt trong lĩnh vực này là sự hạn chế về kết nối. Cái “đau lòng” nhất là khi sản phẩm ra thị trường lại bị trộn lẫn cái tốt với cái chưa tốt, cái thật với cái gần thật, “vàng thau lẫn lộn”.

Bai 8: Nong nghiep huu co - muon tien xa, can nhieu ban dong hanh

Vì vậy, chi phí lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đôi khi không nằm ở công đoạn sản xuất, chế biến hay nghiên cứu phát triển mà nằm ở việc làm sao để thuyết phục được khách hàng rằng đó là sản phẩm an toàn. Vì vậy, ngay cả những doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính cũng khó làm. 

Nông nghiệp hữu cơ là con đường dài

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Sài Gòn (Saigon Innovation Hub) Huỳnh Kim Tước cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng. Nông nghiệp Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với các nước, nhưng phải xác định đây là con đường dài và đòi hỏi tư duy khác biệt. 

Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Sài Gòn (Saigon Innovation Hub) Huỳnh Kim Tước, không thể đi xa mà đi một mình. Người làm nông nghiệp hữu cơ phải có sự liên kết với nhà đầu tư, nhà khoa học. Một cộng đồng khoa học tạo ra công nghệ mới, ý tưởng mới, tạo ra mô hình phù hợp sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư đổ tiền vào, từ đó mới có thể tạo ra sự đột phá. Ưu thế về chỉ dẫn địa lý, nếu được công nghệ hỗ trợ, sẽ khiến sản phẩm sẵn có giá trị cao (hữu cơ) còn có thể nâng cao giá trị hơn nữa.

Ông Tước kể, ông từng dẫn đoàn người Nhật đến tỉnh Lâm Đồng đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ, họ mua vài trăm héc-ta đất rồi bỏ không trong 5 năm chỉ để cho cỏ mọc với mục đích rõ ràng là để cây cỏ loại bỏ độc tố trong đất một cách tự nhiên, sau đó mới trồng loại cỏ chuyên dụng cho bò ăn, bò ăn loại cỏ hữu cơ đó thì sữa bò không có độc, phô mai không độc.

Tức là, để có được sản phẩm hữu cơ, phải mất thời gian. Theo ông, làm nông nghiệp hữu cơ, cần có tính mới, chẳng hạn như sản phẩm mới, cách thức kinh doanh mới, tạo ra xu hướng mới, làm cho xã hội hướng đến tiêu dùng nó. 

Ông Tước cho rằng, đam mê thôi chưa đủ, mà phải đánh giá thị trường và có phương án đưa sản phẩm đi xa hơn.  Nhiều người muốn trồng sen sạch nhưng cũng chỉ nghĩ đến những sản phẩm như sen sấy, trà sen mà không ai nghĩ đến công nghệ chế biến, chiết xuất. Nếu có công nghệ cao hơn, sẽ có những sản phẩm như thuốc, mỹ phẩm. Hiện trong nông nghiệp đang vắng bóng giải pháp công nghệ, trong khi một giải pháp có thể tạo ra trăm thị trường.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dân mình giỏi sản xuất nhưng yếu kinh doanh. Do đó, người sản xuất không gặp trực tiếp người tiêu thụ mà phải qua tầng lớp trung gian. Tầng lớp trung gian ngày càng có quyền lực và họ có thể đánh tráo sản phẩm để kiếm lời cao, biến bao tâm huyết của người làm nông nghiệp hữu cơ thành công cốc. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không làm tốt khâu tiêu thụ, khi các doanh nghiệp ngoại tham gia vào nông nghiệp, các nhà sản xuất trong nước có thể sẽ thành những người làm thuê. 

Bai 8: Nong nghiep huu co - muon tien xa, can nhieu ban dong hanh

Ông Tước kể, có một tập đoàn nông nghiệp lớn của Nhật Bản tìm hiểu thị trường Việt Nam, thấy nông dân Sóc Trăng nuôi tôm bán 80.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá bị đẩy lên 400.000 – 500.000 đồng/kg do phải đi qua 8 tầng nấc trung gian. Tập đoàn của Nhật đã lập một công ty đại diện cho nông dân, nông dân từ chỗ bán 80.000 đồng/kg, sẽ bán được 120.000 đồng/kg, người tiêu dùng chỉ phải trả 200.000 đồng/kg thay vì 400.000 – 500.000 đồng/kg. Họ hình thành các chuỗi siêu thị và nông dân sẽ tự mang hàng hóa đến, tự tiếp thị và trả phí hạ tầng cho doanh nghiệp.

Phải đầu tư công nghệ

Bà Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty Nấm Việt – cho biết, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để sản phẩm nấm của doanh nghiệp mình đạt chứng nhận hữu cơ. Nhưng song song với việc lấy chứng nhận, bà Ngọc cũng đang gấp rút tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm theo hướng không chỉ bán nấm tươi. Mùa mưa, nấm ra rất nhiều, bán không hết, sấy cũng không xuể. 

Bà Ngọc đang tìm cách chế biến nấm của mình thành các sản phẩm có giá trị cao như bột nêm, bột ngọt. Dường như, những người làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam phải trải qua quá trình dài mới nhận rõ tầm quan trọng của chế biến nông sản. 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng – Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – chia sẻ, Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ ở bất cứ vùng miền nào, vì mỗi nơi đều có những giống loài địa phương rất độc đáo. Đó là những đặc sản. Những đặc sản này nếu được canh tác theo hướng hữu cơ thì không lo thiếu thị trường. Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, cần tư duy rộng hơn, “làm cái thị trường cần chứ không chăm chăm làm cái mình có”.

Ở các địa phương, có rất nhiều cây mang ưu thế bản địa. Chúng ta không có nguồn lực mạnh nên thua thiệt trong cạnh tranh. Trước đây, thấy ta xuất khẩu thanh long, Thái Lan cũng làm thanh long ngon hơn chúng ta. Khi chúng ta không có nguồn lực bằng họ, kinh doanh không giỏi bằng họ, thua họ công nghệ, chỉ còn cách dựa vào ưu thế bản địa mới cạnh tranh được. 

Tuy nhiên, theo ông Tước, không thể đi xa mà đi một mình. Người làm nông nghiệp hữu cơ phải có sự liên kết với nhà đầu tư, nhà khoa học. Một cộng đồng khoa học tạo ra công nghệ mới, ý tưởng mới, tạo ra mô hình phù hợp sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư đổ tiền vào, từ đó mới có thể tạo ra sự đột phá. Ưu thế về chỉ dẫn địa lý, nếu được công nghệ hỗ trợ, sẽ khiến sản phẩm sẵn có giá trị cao (hữu cơ) còn có thể nâng cao giá trị hơn nữa.

 

Đăng Thư/ PNO

Bình luận (0)