Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bãi bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cũng như tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND tại những địa phương thực hiện thí điểm.

Theo tờ trình của Chính phủ, từ 1-4-2009, dự kiến có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được chọn tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên toàn địa bàn, bao gồm:

Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Phú Yên, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang với tổng cộng 67 huyện, 32 quận và 483 phường. Số tỉnh, thành thí điểm chiếm 15,87% số tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 7/8 vùng kinh tế (vùng Tây nguyên không thí điểm), bao gồm cả những tỉnh, thành có kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội và cải cách hành chính tốt, bình thường và có khó khăn. Nhiều ý kiến trong UBTVQH thống nhất với danh sách thí điểm trên tinh thần phạm vi, số lượng các địa phương được chọn phải tiêu biểu cho các vùng miền. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc các quận, huyện, phường được thí điểm là một cấp ngân sách hay là đơn vị dự toán ngân sách. Dự kiến hôm nay (16-1), UBTVQH đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề nêu trên.

Cùng ngày, UBTVQH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh (dự thảo luật). Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết một trong những sửa đổi lớn của dự thảo luật là bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim để thực hiện cam kết gia nhập WTO. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng cũng với việc bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim, ban soạn thảo lại đưa ra quy định: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”, có nghĩa các doanh nghiệp sản xuất phim mà không có rạp chiếu phim thì không được nhập khẩu phim như quy định của luật hiện hành, như vậy là không hợp lý. Mặt khác, theo ông Đào Trọng Thi, việc dự thảo luật vẫn giữ lại những quy định hạn chế việc phổ biến phim nhập khẩu của luật hiện hành về tỉ lệ phim nước ngoài được chiếu ở rạp và được chiếu trên truyền hình, đây là giải pháp hợp lý để bảo vệ điện ảnh trong nước.

Một quan ngại cũng được ông Đào Trọng Thi nêu ra với ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh là mặc dù luật hiện hành quy định việc phát sóng phim trên hệ thống truyền hình phải đảm bảo tỉ lệ thời lượng phát sóng phim VN so với phim nước ngoài (tỉ lệ cụ thể là 30% phim truyện VN), nhưng trên thực tế rất ít đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình đạt tỉ lệ này.

V.V.THÀNH (Theo TTO)

Bình luận (0)