Giáo viên trực vừa dẫn một học sinh nữ lớp 4 vào văn phòng vừa la: “Con gái gì mà phá quá, nó làm cái ghế gãy rồi, chiều em kêu phụ huynh vào đền”. Tội nghiệp em học sinh đứng thu lu không nói câu nào vì giáo viên trực không cho nói? Biết giáo viên đang bực nên tôi không xen vào. Đợi giáo viên đi khỏi tôi mới hỏi em: “Làm gì ghế gãy vậy, đau cái ghế”. Lúc này em mới thút thít: “Con lấy cái ghế để ngồi, lấy nhầm ghế gãy”. Nhìn vẻ mặt con bé tôi tin là em nói thật. Tôi cho em kể lại sự việc vào tờ giấy, rồi cho về lớp. Tôi nói: “Cô sẽ tìm hiểu và gặp em sau”. Một lát sau giáo viên trực lên đính chính: “Chị biết ai đá gãy ghế không? Thằng P. nó làm gãy ghế rồi chồng lên. Cả lớp vừa tố cáo nó”. Nghe vậy, tôi nhắn nhủ lại giáo viên ấy:
Bài dự thi “Câu chuyện giáo dục”: Một lần xử oan học sinh
Thứ nhất, nếu thật sự con bé có sai, em cũng không nên la như vậy, kêu vào nhắc nhở, nếu nhiều lần tái phạm mới gặp phụ huynh. Cũng may là em chỉ la chứ nếu em đánh thì hơi khó ăn khó nói.
Thứ hai, chỉ thấy học sinh lấy ghế mà không thấy làm gãy nên không quy tội làm gãy được. Em cần tìm hiểu kĩ trước khi giải quyết.
Thứ ba, dù giận cách mấy cũng phải để học sinh nói, nếu học sinh sai thì sẽ tự hứa sửa như thế nào.
Ai cũng ít nhất có một lần xử oan học sinh, có thể chúng ta chưa biết mình xử oan vì các em không nói; nếu biết chúng ta nên xin lỗi các em để tạo sự tin tưởng và thân thiện với các em.
Trần Mỹ Lệ
(2/8 đường 18 khu phố 3, Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)