Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI: Hiệu trưởng phải có tầm nhìn, tầm nghĩ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một hiệu trưởng tốt có năng lực trong suy nghĩ của học sinh phải là người chí công vô tư, dám nghĩ dám làm (ảnh mang tính minh họa).  Ảnh: Q.Huy

Làm công tác lãnh đạo, quản lý là cả một nghệ thuật tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Nói như vậy không có nghĩa là lãnh đạo bằng mánh khóe, bằng thủ đoạn mà bằng cái tâm của một con người chân chính.
Có thể nói rằng không một hiệu trưởng nào luôn làm “vừa lòng” cả trăm con người được! Nhà thơ Thanh Tịnh từng nói “Làm lãnh đạo mà không ra vẻ lãnh đạo thì mới là lãnh đạo”.
Nhận xét về cách quản lý của hai hiệu trưởng trường A và B
Ông hiệu trưởng trường A “nổi tiếng về sự nhiệt tình xăng xái và khó tính”. Theo tôi, nhiệt tình rất cần thiết đối với người quản lý nhưng ở đây, sự “nhiệt tình” của hiệu trưởng đã làm hại ông! Do không tin cấp dưới nên ông ta “việc gì dù nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quán xuyến”. Như vậy việc phân công trách nhiệm cho mỗi người bị mất tác dụng. Dự giờ theo quy định thì phải thực hiện nhưng “có mặt thường xuyên ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản” thì cần phải xem lại. “Nhiệt tình” cỡ này chỉ làm cho giáo viên nơm nớp lo sợ và sẽ tìm mọi cách đối phó mà thôi.
Đúng là càng ôm công việc, càng thêm rối mù! Như vậy ông ta còn đâu thời gian làm công tác quản lý? Còn đâu thời gian đầu tư cho công việc của một người lãnh đạo nhà trường? Người hiệu trưởng phải biết phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi người. Sức mạnh của một tập thể không nằm trong tay một hiệu trưởng – dù tài giỏi cỡ nào – mà sức mạnh đó nằm trong một tập thể được phát huy tối đa mọi khả năng của mỗi thành viên.
Năng động, xông xáo, nhiệt tình… là những phẩm chất rất cần thiết của một người quản lý. Nhưng ở đây, ông hiệu trưởng trường A đã đặt những phẩm chất ấy không đúng chỗ và có phần lạm dụng; tạo nên tâm lý ỷ lại, trông chờ, làm thui chột, lu mờ mọi sáng tạo của cấp dưới.
Bên cạnh đó, ông hiệu trưởng trường B lại rơi vào một hướng chỉ đạo cực đoan khác. Nếu ông hiệu trưởng trường A “xăng xái”, lúc nào cũng “tất bật như con lật đật” thì ông hiệu trưởng trường B này lại “đủng đỉnh như chĩnh trôi sông”! Đây là một dạng quan cách, quan liêu – thứ tàn tích còn sót lại của thời bao cấp xa vắng hoặc “chất” gia trưởng, độc đoán đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng!
Nếu như ai cũng “noi theo” ông, đợi khi được giới thiệu mới “thủng thẳng bước ra phía lễ đài” thì buổi chào cờ sẽ “thủng” mà không còn “thẳng” nữa! Đúng giờ thì mọi người phải có mặt để chào cờ và hiệu trưởng cần có mặt sớm hơn để xem xét tình hình, chỉ đạo kịp thời cho buổi chào cờ đầu tuần diễn ra suôn sẻ, có hiệu quả.
Tóm lại, cách quản lý của cả hai hiệu trưởng cần phải xem xét lại. Đối với hiệu trưởng trường A, cách quản lý trên không có một ưu điểm nào! Người ta phong cho ông là “một hiệu trưởng toàn năng” mang hàm ý chê bai, mỉa mai chứ không phải ca ngợi! Còn ông hiệu trưởng trường B, ưu điểm của ông là “quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm…”. Hạn chế của ông là kiểu làm việc quan cách, rời xa tập thể sư phạm, thiếu sâu sát công việc, thiếu kiểm tra hiệu quả công việc… Cả hai ông còn có ưu điểm chung là không có tư tưởng đáng ghét nhất trên đời là “thượng đội hạ đạp”!
Làm công tác quản lý không đơn giản
Người hiệu trưởng ở đây, trước hết phải tự hiểu mình. Mình thuộc dạng người nào? Mình có đầu óc tổ chức công việc không? Mình có gia trưởng, độc đoán hay không? Mình có tâm hồn khoáng đạt không? Hay chỉ là một con người thực dụng, khô cứng tình cảm, tình người?
Từ chỗ tự hiểu mình, người hiệu trưởng sẽ lấy lòng ta để hiểu lòng người. Người hiệu trưởng phải là người có tài năng thực sự, chứ không phải do “cơ cấu”, do áp đặt từ bên trên. Tài năng ở đây là tài năng làm việc, tài năng trong tầm nhìn, tầm nghĩ và khả năng giải quyết vấn đề một cách năng động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Có người rất giỏi về giảng dạy chuyên môn nhưng khi được cất nhắc, đưa lên làm công tác quản lý lại bộc lộ nhiều cái dở (hiện chúng ta đang mắc sai lầm khá nghiêm trọng ở khâu này: hễ thấy người nào dạy giỏi thì lần lượt cất nhắc làm công tác quản lý! Thương nhau như thế bằng mười hại nhau!).
Ngược lại, có người chuyên môn “thường thường bậc trung nhưng làm quản lý rất giỏi, có hiệu quả. Đây là những “tuýp” người có “tay nghề cao” trong nghệ thuật quản lý. Do đó, người hiệu trưởng phải có cái uy riêng – nó xuất phát từ nhân cách, phong độ, lòng độ lượng, bao dung; sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng mỗi người và nắm được điểm mạnh cũng như hạn chế của từng người trong tập thể sư phạm.
Dám nghĩ, dám làm; sáng tạo, đột phá
Chủ đề năm học 2009-2010 là “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” là một chủ đề kịp thời, đúng lúc khi yêu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng cao. Vậy người hiệu trưởng mẫu mực cần hội đủ những tiêu chí nào?
– Công tâm, rạch ròi, chí công vô tư; thu phục nhân tâm, cộng đồng trách nhiệm. Nói tới các cụm từ “công tâm”, “chí công vô tư” giữa thời buổi kinh tế thị trường này thì người hiệu trưởng thật khó “giữ được thiên lương”. Nhưng không phải hiệu trưởng nào cũng lo thu vén cá nhân, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân mà có rất nhiều hiệu trưởng mang trong mình những phẩm chất cao đẹp ấy. Công tâm là làm việc công bằng, không thiên vị; làm việc bằng cái tài nhưng gốc cội là cái tâm bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Hiệu trưởng phải biết đặt quyền lợi của tập thể, của nhà trường lên trên hết. Bên cạnh đó là hiệu trưởng phải biết thu phục nhân tâm bằng sự khéo léo trong ứng xử của mình. Khi lòng người đã thông thì không có việc gì khó.
Hiệu trưởng mẫu mực phải là người dũng cảm, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước cấp trên. Không thừa hành một cách máy móc mà phải biết vận dụng vào thực tế trường mình để thực hiện. Hiệu trưởng phải là người đấu tranh cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tập thể sư phạm. Bên cạnh đó là sự sáng tạo, năng động, đột phá trong công việc; biết cách “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Trong cách xử lý các tình huống giáo dục xảy ra, hiệu trưởng phải tỏ rõ là con người có bản lĩnh đồng thời cũng là con người biết cảm thông; giàu lòng vị tha, giàu lòng nhân ái…
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai – Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)