Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Điều quan trọng là cái tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Tổ chức hoạt động văn nghệ cho học sinh mà hiệu trưởng cũng đạo diễn thì làm sao phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới? (ảnh minh họa). Ảnh: P.N.Q
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đặt ra tình huống giáo dục lần thứ XI chẳng những đáp ứng yêu cầu của chủ đề năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, mà còn giúp người hiệu trưởng suy ngẫm lại phong cách quản lý của mình.
Đọc kỹ nội dung của tình huống giáo dục lần thứ XI, ta dễ dàng nhận thấy có hai phong cách khác nhau.
1. Trước hết, tôi đồng tình với phân tích của nhiều đồng nghiệp tham gia giải quyết tình huống lần này. Rõ ràng, phong cách quản lý của ông hiệu trưởng trường A là ôm đồm, tự nhận lấy công việc như một người giáo viên. Việc nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quan tâm quán xuyến đến từng chi tiết. Điều này chứng tỏ ông là “người làm tất cả” thì làm sao phát huy năng lực của các thành viên trong nhà trường? Là giáo viên dạy ngoại ngữ, song ông luôn có mặt dự giờ thường xuyên ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản. Có lẽ, ông am hiểu chuyên môn nhưng cái quan trọng hơn là ông chưa tập hợp được sức mạnh của tập thể, giáo viên ỷ lại hiệu trưởng hơn là cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi lẽ ai cũng muốn được khen, muốn hoàn thành tốt công việc. Đây là quy luật. Lẽ ra, ông A nên giao việc này cho phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi. Việc của ông là tạo điều kiện để bồi dưỡng lực lượng này ngày càng giỏi hơn, ắt sẽ thúc đẩy giáo viên dạy tốt hơn. Ông chưa biến công việc chung của nhà trường thành công việc chung của mọi người, công việc của trường không phải là công việc riêng của hiệu trưởng. Công việc ổn định sinh hoạt dưới cờ, cộng với ý thức của học sinh là trách nhiệm của tổng phụ trách Đội, giám thị, giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên ông lại đứng ra hò hét đốc thúc từng lớp, chỉnh đốn đội ngũ. Điều này chứng tỏ ông chưa chú ý đến việc phân công phân nhiệm; chưa biết phát huy vai trò và sức mạnh của các lực lượng trong nhà trường. Đến hoạt động văn nghệ, thể thao và nhiều cuộc thi thố khác ông cũng trực tiếp thiết kế, đạo diễn và là đầu tàu không thể thiếu. Như vậy, mọi người làm sao phát huy tính chủ động, sáng tạo. Ông càng tạo ra sự “thờ ơ, trông chờ, cầm tay chỉ việc của cấp dưới” và hậu quả là khi có ông là đâu vào đó, không có ông mọi chuyện lại rối tung. Xét về công việc, tôi cảm thông cho ông hiệu trưởng A: Ông không phải sợ giao việc mà ông chưa tổ chức được lực lượng trong nhà trường, dẫn đến ôm đồm. Lẽ ra, ông xác định lao động của hiệu trưởng hoàn toàn khác lao động của một giáo viên.
2. Trái ngược với hiệu trưởng A, ông hiệu trưởng B biết tổ chức, sắp xếp lực lượng chu đáo, phù hợp. Mọi hoạt động diễn ra trật tự, nề nếp. Ông hiệu trưởng B quản lý theo kế hoạch, phân định rõ ràng trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý và báo cáo. Xem ra hiệu trưởng B là người “không làm gì cả”. Biết giao việc, phân công trách nhiệm nhưng thiếu kiểm tra, đánh giá thực tế, thiếu gần gũi, động viên, đôn đốc và tạo điều kiện để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với cách quản lý này thì làm sao sâu sát để chia sẻ những khó khăn của cấp dưới, khó điều chỉnh các mối quan hệ nhân văn trong nhà trường. Theo tôi, cách quản lý này không mang lại hiệu quả cao.
3. Để trở thành một hiệu trưởng mẫu mực, trước hết người hiệu trưởng phải suy ngẫm hằng ngày những công việc của mình để điều chỉnh kịp thời nội dung công việc nhằm đáp ứng những mong đợi của đội ngũ, của học sinh và của phụ huynh học sinh. Hiệu trưởng phải có tài quản lý, không thể phủ nhận cái tài năng của hiệu trưởng được thể hiện ở tầm nhìn về sứ mệnh của trường mình, định hướng cho sứ mệnh bằng cách đổi mới nhà trường; biết lôi kéo mọi người suy nghĩ như mình, có tinh thần học tập, cầu tiến. Không ngừng học tập và nắm được đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước để nắm vững qui luật phát triển của xã hội. Để không ôm đồm như ông hiệu trưởng trường A cần làm việc có kế hoạch, phân công rõ ràng như ông hiệu trưởng trường B nhưng cả hai phong cách cần đòi hỏi phải kiểm tra, đánh giá, tổng kết và khen thưởng.
Chính hiệu trưởng là người quyết định sự đổi mới nhà trường. Tài năng của hiệu trưởng được đánh giá bằng uy tín của đội ngũ thầy cô giáo, chất lượng toàn diện của học sinh. Song cái tài năng của hiệu trưởng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và quan trọng hơn là cái tâm. Cái tâm mà đại thi hào Nguyễn Du có viết: “Chữ tâm bằng ba chữ tài”.
Bảo Anh
(Trường TH Lê Văn Thế, Củ Chi, TP.HCM)

Tài năng của hiệu trưởng được đánh giá bằng uy tín của đội ngũ thầy cô giáo, chất lượng toàn diện của học sinh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)