Sắp xếp các em học sinh đứng ngay thẳng (ảnh) trong các buổi lễ không phải là công việc của hiệu trưởng (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L |
Đề thi GQTHGD lần thứ XI đưa ra hình ảnh hai ông hiệu trưởng, hai hình ảnh hoàn toàn đối lập. Trước hết, phải nói đến vai trò và trách nhiệm của người hiệu trưởng trong nhà trường phổ thông. Nếu xét về góc độ này, theo tôi cả hai ông hiệu trưởng đều có những hạn chế.
Một hiệu trưởng quá ôm đồm
Tôi cho rằng ông hiệu trưởng trường A quá ôm đồm chứ không phải tham việc, hoặc sâu xa hơn là ông không tin tưởng vào năng lực của cấp dưới. Trong nhà trường phổ thông ngoài hiệu trưởng còn có phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn, tổng phụ trách, giám thị, giáo viên… mỗi người đều có trách nhiệm và tất cả đều là những người giúp việc cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chung nhưng không có nghĩa là việc gì cũng “nhảy vào” như ông hiệu trưởng trường A. Nhận xét ông làm như vậy là nhiệt tình, tôi e rằng không ổn. Bởi, làm như vậy, vô tình hay cố ý ông hiệu trưởng trường A đã “tiếm” công việc của người khác. Cụ thể, ông thường xuyên dự giờ (là việc làm tốt để rèn luyện chuyên môn) và luôn góp ý chỉ đạo (cũng tốt, nhưng ông dạy ngoại ngữ liệu có nắm hết chuyên môn các bộ môn khác; những góp ý và chỉ đạo của ông chắc gì đã đúng?). Còn việc ổn định học sinh, dù trong các buổi sinh hoạt hay chào cờ đã có lực lượng công tác đoàn đội và đội ngũ giáo viên lo, hà cớ gì ông hiệu trưởng phải ôm đồm để rồi la hét, đốc thúc nhắc nhở từng lớp, từng em chỉnh đốn hàng ngũ? Hình ảnh ông hiệu trưởng dễ bị méo mó dưới con mắt mọi người! Ông ôm đồm thì mọi người để mình ông làm, càng làm càng khó tránh thiếu sót, trong khi đó việc làm không thuộc về ông? Chính vì vậy, những lần ông hiện diện, mọi việc đâu vào đó còn không thì mọi chuyện rối tung. Cũng dể hiểu, hệ quả này xuất phát từ nguyên nhân: Ông muốn làm hết nên mọi người để cho làm!
Một hiệu trưởng thiếu năng động
Ông hiệu trưởng trường B lại có cung cách làm việc gần như ngược lại với ông hiệu trưởng trường A. Giờ chào cờ đầu tuần mà ông vẫn ung dung ngồi uống nước trong khi học sinh và thầy cô giáo đang tập trung dưới sân để chờ ông? Như vậy liệu ông có còn là tấm gương cho học sinh và giáo viên nhà trường noi theo. Là hiệu trưởng đúng ra ông phải gương mẫu và không thể có cử chỉ ung dung tự tại, phớt lờ và đợi đến khi người ta xướng danh mới thủng thẳng bước ra! Còn những hoạt động khác của nhà trường trong suốt năm học như: Chuyên môn, phong trào… ông dựa theo kế hoạch mà làm một cách tà tà. Ông không dựa vào tình hình thực tế và sáng tạo để điều hành. Việc phân định công việc của từng bộ phận là tốt nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc chắc chắn không thể nào không có thiếu sót và guồng máy khó có thể hoạt động trôi chảy. Cách quản lý như vậy dễ đưa đến hệ quả trì trệ và tụt hậu.
Chủ đề của năm học 2009-2010 là đổi mới công tác quản lý nâng chất lượng giáo dục. Với cách làm của hai ông hiệu trưởng trường A và B mà đề bài đưa ra và những gì tôi cũng đã phân tích sơ nét những hạn chế của từng ông thì cung cách quản lý kiểu đó khó được mọi người và xã hội chấp nhận.
NGUYỄN NGỌC NGA
(Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu – tỉnh Đồng Nai)
Bình luận (0)