Nếu bạn hỏi người hiệu trưởng đương nhiệm bất kỳ nào đó: “Làm công việc hiệu trưởng dễ hay khó?”. Câu trả lời chung của các vị này thường là 50-50: “Khó thì có khó mà dễ thì có dễ”. Sở dĩ tôi đặt vấn đề như thế là để liên hệ đến cách giải quyết công việc của hai ông hiệu trưởng A và B trong đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI.
1. Làm hiệu trưởng rất khó
Ông hiệu trưởng A với thói quen công việc thường ngày của mình là đi dự giờ giáo viên để góp ý đánh giá tiết dạy như thế nào, công việc này tương đối nhẹ nhàng nhưng chiếm mất nhiều thời gian mà ông không để ý. Riêng tiết chào cờ sáng thứ hai, ông thường xuyên ra sân đôn đốc, hò hét tập trung học sinh ra sân, việc làm này được mọi người đánh giá là làm thay công tác của tổng phụ trách Đội nên công việc của người hiệu trưởng càng ôm đồm nặng nề thêm. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa ông cũng luôn thể hiện tính gương mẫu đi đầu… Vì thế công việc của nhà trường khách quan mà nói luôn hoàn thành một cách tốt đẹp, nhưng có ai biết thành quả mà nhà trường có được là do một tay hiệu trưởng làm. Bởi vì ông sợ khi giao việc cho người khác làm sẽ không hoàn thành và ông cũng không tranh thủ nhờ sự phối hợp của các bộ phận trong nhà trường. Hiệu trưởng làm việc như thế này, theo tôi, là người không có óc tổ chức, sắp xếp công việc cái nào làm trước cái nào làm sau. Và do ông không mạnh dạn giao việc cho các bộ phận nên công tác chính của người hiệu trưởng ít nhiều gặp khó khăn nhất định.
2. Làm hiệu trưởng rất dễ
Ông hiệu trưởng B thì ngược lại, phong cách làm việc có vẻ thoáng, quản lý nhân sự, chuyên môn, đoàn thể bằng kế hoạch. Hoạt động chính của nhà trường là giảng dạy và học tập mà không thấy ông lên lịch hay nhắc nhở dự giờ giáo viên; trước giờ chào cờ ông thư thả uống trà đợi đến giờ mới ra sân lễ vì ông giao công việc đó cho tổng phụ trách Đội lo; hoạt động văn-thể-mỹ ông đều giao cho các bộ phận thực hiện… Dĩ nhiên họ phải có trách nhiệm với công việc của mình, mọi hoạt động trong trường có cảm giác diễn ra nhẹ nhàng, trôi chảy nhất là mọi người không bị một áp lực về chỉ tiêu, thi đua nào nên rất thoải mái. Do đó, điều tất nhiên là nhiều giáo viên có cái nhìn thiện cảm với vị hiệu trưởng này, vì vậy công việc của hiệu trưởng đối với ông rất dễ dàng. Theo tôi, ông hiệu trưởng B muốn trở thành nhân tố tốt có ảnh hưởng tích cực đến đơn vị thì cần phải biết lắng nghe các thông tin phản hồi về công tác chỉ đạo của mình để điều chỉnh. Ngoài ra ông phải biết chia sẻ với mọi người khi họ gặp khó khăn về tinh thần cũng như vật chất, biết hy sinh quyền lợi cá nhân mình cho tập thể, biết cách làm việc nghĩa là ông biết giao nhiệm vụ cho các bộ phận và thường xuyên kiểm tra giúp đỡ.
3. Chân dung người hiệu trưởng giai đoạn hiện nay
Hiện nay ngành GD-ĐT đang ra sức thực hiện chủ đề “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, người hiệu trưởng trước hết phải là tấm gương đạo đức gương mẫu, đi đầu trong việc học tập để nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Điều quan trọng là biết điều hành bộ máy trong nhà trường một cách đồng bộ, các đoàn thể trong nhà trường phải biết phối hợp nhau một cách nhịp nhàng để nhà trường thực hiện được mục tiêu và kế hoạch năm học đề ra có như thế mới xứng đáng là hiệu trưởng toàn năng.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)