Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Hiệu trưởng phải dám nghĩ dám làm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người hiệu trưởng giỏi phải là người “đứng mũi chịu sào”, khuyến khích cấp dưới luôn đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Anh

Cuộc thi giải quyết tình huống sư phạm trên Báo Giáo Dục TP.HCM ngày càng được đông đảo bạn đọc hưởng ứng. Đặc biệt đối với những người đang làm công tác quản lý giáo dục thì đây là dịp soi lại mình để có những điều chỉnh giúp mình hoàn thiện hơn.
Với tựa bài Hiệu trưởng toàn năng, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã phác họa trước mắt chúng ta chân dung “hình mẫu” của hai hiệu trưởng “toàn năng” hoàn toàn đối lập nhau. Liệu họ có đúng là hiệu trưởng “toàn năng”?
1. “Hình mẫu” thứ nhất là ông hiệu trưởng trường A nổi tiếng về sự nhiệt tình xăng xái và khó tính. Việc gì dù nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quan tâm quán xuyến đến từng chi tiết. Song xem ra mọi chuyện lại không như ý. Cứ ông có mặt thì mọi việc đâu vào đấy. Còn khi nào không có ông thì mọi việc lại rối tung lên.
Công bằng mà nói chúng ta phải thừa nhận rằng ông hiệu trưởng trường A là một hiệu trưởng năng động, có tâm huyết nên rất nhiệt tình, tích cực, luôn quan tâm tới mọi hoạt động của nhà trường. Xem ra ông cũng là người có nhiều năng lực đấy chứ. Chúng ta cũng cần lắm một vị hiệu trưởng mẫn cán “quán xuyến” mọi việc như thế. Cũng do quá nhiệt tình, nhiệt tình đến mức “xăng xái” trong mọi việc nên ông không ngần ngại tham gia trực tiếp trong mọi công việc. Nhưng điều đáng buồn là đáp lại sự nhiệt tình xăng xái của ông là kết quả “khi nào có ông thì công việc đâu vào đấy. Còn khi nào không có ông thì công việc cứ rối tung cả lên”. Như vậy rõ ràng làm quản lý như ông vừa quá vất vả, cực nhọc, lam lũ mà không có hiệu quả. Thậm chí còn để lại hậu quả. Thật tai hại biết chừng nào!
Cái sai lớn nhất của ông là nhiệt tình nhưng sai phương pháp. Người hiệu trưởng giỏi là người lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động của nhà trường bằng kế hoạch. Tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá bằng kế hoạch. Là sự phân công phân nhiệm công việc cho các bộ phận, cho các thành viên một cách cụ thể, khoa học, rõ ràng. Vô tình những việc làm “ôm đồm” của ông đã tạo cho cấp dưới thói lười biếng, sự ỷ lại, mất đi sự tự chủ, năng động trong công việc. Đặc biệt ông không tin ở đồng nghiệp, không tin ở đội ngũ của nhà trường thì làm sao tập hợp được sức mạnh tổng hợp của hội đồng sư phạm mà hơn ai hết ông thừa biết “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Trong tổ chức nhà trường có rất nhiều bộ phận, ban bệ, tổ nhóm. Chính sự cơ cấu đó nếu ông biết phân công giao quyền và nhiệm vụ cho họ thì mọi việc trong nhà trường sẽ rất chạy. Hơn nữa, liệu ông có đủ sức khỏe để “xăng xái” lo hết mọi việc của một nhà trường không? Nguyên nhân sâu xa ở người hiệu trưởng này là thiếu tài. Có tâm chưa đủ mà phải có tài. Bác Hồ từng dạy “Có tâm mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Huống gì là làm hiệu trưởng một công việc rất khó khăn và phức tạp vô cùng.
2. Trong khi đó, ông hiệu trưởng trường B lại có phong cách chỉ đạo khác. “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thỉnh bước ra trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường…”.
Thoạt đầu mới đọc qua tình huống này chúng ta có vẻ đồng tình với phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng trường B này. Vì ông biết “quản lý theo kế hoạch” và “biết phân định rõ trách nhiệm cho các bộ phận quản lý và báo cáo”. Xem ra ông hiệu trưởng B này có phương pháp quản lý đúng đắn hơn. Nhưng ngẫm kĩ lại và đặc biệt toát lên trong từng câu chữ của tình huống thì đây là một hiệu trưởng có vẻ quan liêu: “Giờ chào cờ ông cứ ung dung ngồi uống nước” chờ giới thiệu “trịnh trọng” rồi mới “thủng thỉnh bước ra trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường”. Thật thất vọng trước phong cách một ông hiệu trưởng như thế. Ở ông vừa có cái gì đó của sự quan liêu, sự ra oai, háo danh, thích làm nổi luôn muốn mình trở thành tâm điểm khiến mọi người phải chú ý; ông mắc bệnh hình thức, lễ nghi không cần thiết hay là sự xa rời, thiếu vắng sự gần gũi, thân thiện, thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết và cởi mở – điều rất cần ở một nhà quản lý.
Quản lý bằng kế hoạch và báo cáo là có phần đúng nhưng chưa đủ. Mà người hiệu trưởng phải là người xây dựng kế hoạch nhưng cùng là người tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và tuyên dương, khen thưởng động viên kịp thời. Nếu ông chỉ tin vào sự báo cáo liệu công việc có đúng có suôn sẻ hay không. Như vậy ông đã sâu sát trong lãnh đạo chưa. Phải ngụp lặn trong thực tế muôn màu muôn vẻ, phải từ những trải nghiệm trong thực tế thì người hiệu trưởng mới có những điều chỉnh hợp lý trong quá trình chỉ đạo các hoạt động của nhà trường. Bởi “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.
3. Thật khó để đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về mẫu người hiệu trưởng toàn năng. Mỗi người quản lý đều có thế mạnh và sở trường của mình, cũng như những mặt còn hạn chế, người quản lý giỏi phải là người biết cầu toàn, lắng nghe những ý kiến đóng góp của tập thể, đồng nghiệp… “Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” để luôn hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt công việc của mình.
Theo tôi, trong quản lý, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được sự đồng thuận của tập thể, của mọi người thì người lãnh đạo nên dung hòa tính cách của cả hai vị hiệu trưởng A và B nêu trên. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, trước hết đòi hỏi người hiệu trưởng phải giỏi. Người hiệu trưởng giỏi chuyên môn mới có những góp ý xác đáng, thuyết phục và mới làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên, một công tác quan trọng của người hiệu trưởng.
Thứ hai, người hiệu trưởng phải có năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo tốt. Biểu hiện của năng lực lãnh đạo là người hiệu trưởng phải biết đặt ra mục tiêu chiến lược cho nhà trường. Mục tiêu ấy phải hợp lý có tính khả thi mà không tốn nhiều về nguồn nhân lực, vật lực. Đó còn là năng lực lập kế hoạch, kế hoạch phải thể hiện tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, khoa học. Ngoài ra, người hiệu trưởng phải có năng lực tổ chức thực hiện kế hoạch, năng lực kiểm tra, nhận xét, đánh giá, tổng kết; biết động viên khích lệ kịp thời. Muốn như vậy hiệu trưởng phải là người có tâm huyết, tài hoa, sống gần gũi, hòa đồng, biết yêu thương, chia sẻ. Tôi còn nhớ câu nói của nhà giáo Lê Thị Hồng Việt – người hiệu trưởng mẫu mực và tài hoa của trường tôi từng nói “Người hiệu trưởng phải là người có cái đầu tỉnh táo và trái tim ấm nóng”.
Tóm lại, hiệu trưởng toàn năng phải là một người có: lập trường tư tưởng vững vàng; đạo đức tốt, gương mẫu, hy sinh, tâm huyết, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng với sự nghiệp giáo dục, có lối sống giản dị, lành mạnh; làm việc khoa học, sáng tạo, linh hoạt, tâm huyết, giải quyết công việc hợp tình hợp lý, đạt hiệu quả cao, năng lực quản lý vững vàng; luôn quan tâm sâu sát đến đời sống vật chất và tinh thần của CB-GV-CNV được tập thể tin yêu, tín nhiệm, luôn tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ cho các bộ phận hoàn thành tốt công việc.
Nguyễn Thị Huyền
(Phó HT Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp)
Kiểu lãnh đạo thiếu tâm huyết, nhiệt tình, chỉ biết phó thác, quan liêu, mệnh lệnh, thiếu sâu sát, cởi mở và luôn đề cao cái “tôi” ấy không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)