Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Hiệu trưởng phải giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần này rất sát thực, vì từ việc làm cụ thể mà đánh giá được người hiệu trưởng trong giai đoạn hiện nay.
1. Cách làm của hiệu trưởng A. Người đọc cứ nghĩ ông quá cầu toàn, chuyện trong trường cái gì cũng tham gia góp ý chỉ đạo. Hoạt động dạy và học trong nhà trường thường giao cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, việc hiệu trưởng thường xuyên đi dự giờ góp ý cho giáo viên là tốt nhưng tránh dự giờ quá nhiều vì như thế vai trò của phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ bị “lu mờ”. Đến giờ chào cờ ông cũng ra sức hò hét, đốc thúc học sinh; phong trào TDTT, văn nghệ, hoạt động nào ông cũng tham gia với vai trò chính, vừa thiết kế chương trình vừa chỉ đạo tập dượt… Mọi người nhìn ông tích cực hăng hái, cho ông là người hiệu trưởng toàn năng (Có khi ông cũng tự nghĩ vậy?). Năm 1998, tôi công tác tại Trường Tiểu học LVT, ông hiệu trưởng trường tôi cũng có việc làm na ná như thế này. Từ chuyện mua cây chổi, cái cầu dao điện, ông cũng tự làm mặc dù nhà trường có ban mua hàng, nhà vệ sinh cỏ mọc nhiều ông lấy cuốc dẫy, tay nhổ, gom lại chờ khô đốt. Tôi góp ý, ông nói: “Có nhiêu vầy, mướn mất công tốn tiền”. Đến cuối năm, ông mạnh dạn công bố đánh giá xếp loại giáo viên, vì vậy luôn bị giáo viên chất vấn. Ông cứ đinh ninh chuyện mình quán xuyến mọi chuyện trường lớp sẽ làm mọi người thán phục, hóa ra ông đã lầm…
2. Cách làm của hiệu trưởng B. Ông dám giao nhiệm vụ cho từng người và khiến họ tự chịu trách nhiệm với công việc được phân công. Ông quản lý bằng kế hoạch, ngay việc chào cờ đầu tuần giao cho phụ trách đội quán xuyến. Công việc trong nhà trường diễn ra nhẹ nhàng, phát huy được tính chủ động của mọi người. Nhưng có người chê bai cách quản lý này không sâu sát, quan liêu. Theo tôi, phẩm chất và việc làm của người hiệu trưởng này tương đối tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Sở dĩ có người đánh giá chưa tốt vì ông còn thể hiện cái “tôi” quá lớn, luôn ra vẻ và chứng tỏ chức quyền của mình, giờ chào cờ ông không tự giác ra sân trường mà chờ người điều khiển chương trình giới thiệu mới trịnh trọng bước ra. Tôi được biết có một vị hiệu trưởng đang quản lý một trường tiểu học ở Củ Chi, có cách quản lý tương tự hiệu trưởng B, cũng mạnh dạn giao nhiệm vụ cho các bộ phận, cũng bệ vệ, trịnh trọng xuất hiện khi được giới thiệu trong tràng pháo tay của học sinh vào ngày chào cờ. Khi đội ngũ sư phạm nhà trường góp ý, ông luôn cho rằng mình đúng và thẳng thừng nói: “Nếu việc tôi làm có gì sai, với tư cách là hiệu trưởng tôi sẽ có trách nhiệm giải trình với cấp trên”. Bản thân ông có tính bảo thủ thì điều tất yếu xảy ra là không một ai muốn bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến cho nhà trường.
3. Hưởng ứng chủ đề năm học 2009-2010 “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao giáo dục toàn diện”, theo tôi, người hiệu trưởng cần có những phẩm chất và việc làm như sau: Trước hết, hiệu trưởng phải giỏi về chuyên môn, bằng cấp sư phạm phải tương xứng với chiếc ghế mình đang giữ. Người hiệu trưởng phải biết tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong nhà trường, mạnh dạn giao việc cho các bộ phận và thường xuyên kiểm tra xem họ có gặp khó khăn, trở ngại nào cần giúp đỡ, giúp họ hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Để trở thành hiệu trưởng toàn năng, điều kiện cần và đủ là người hiệu trưởng phải giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ.
TRẦN VĂN TÁM
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)