Muốn ổn định học sinh trật tự, ngồi ngay ngắn trong các buổi sinh hoạt tập thể không nhất thiết người hiệu trưởng phải “ra tay” (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L |
Tùy tình hình ở mỗi trường, tùy năng lực của nhân viên… người hiệu trưởng có thể linh động giải quyết công việc theo cách của ông hiệu trưởng trường A, hay thực hiện theo cách của ông hiệu trưởng trường B.
1. Có một ông hiệu trưởng như hiệu trưởng trường A, giáo viên và nhân viên sướng thật, khỏi phải làm gì cả, mọi việc đã có hiệu trưởng lo rồi. Người ta thường nói làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai. Vì vậy giáo viên và nhân viên chắc chắn không có khuyết điểm gì để hiệu trưởng phê bình cả. Thật sung sướng làm sao! Nhưng cái sung sướng đó có thích hợp không khi đó là những nhiệm vụ, là trách nhiệm của mình? Đối với hiệu trưởng, là người quản lí nhà trường, thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phối hợp với các tổ chức trong nhà trường. Nếu hiệu trưởng quán xuyến hết mọi công việc tức là hiệu trưởng đã giẫm lên công việc của người khác. Người khác dần dần mất đi sự chủ động, sáng tạo của mình. Và công việc chuyên môn của họ ngày càng trở nên mai một. Vì có làm mới nảy ra được những sáng kiến mới, những phương pháp mới góp thêm vào vốn sống, vốn kinh nghiệm của mình. Vì không được làm gì cả mới có hiện tượng khi không có hiệu trưởng là mọi việc lại rối tung. Nhất là trong những năm gần đây công việc, thời gian công tác ngoài trường của một người hiệu trưởng ngày càng nhiều: khi thì họp đột xuất, khi thì học nghị quyết, khi thì dự lễ khánh thành… Nhưng nói như thế không phải là chê hiệu trưởng trường A. Rõ ràng ông quán xuyến mọi việc thì việc quản lí của ông được chặt chẽ hơn, ông có nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho mọi người. Và cái uy tín, cái năng lực của ông ngày càng vững hơn, mạnh hơn.
2. Còn ông hiệu trưởng ở trường B, theo như tình huống đưa ra: việc to việc nhỏ, ông đều quản lí theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lí và báo cáo. Và trong tình huống này không nói gì đến kết quả công việc nên không thể kết luận cái chê bai của một số ít người: cách quản lí của ông là quan liêu, thiếu sâu sát. Cái “ung dung ngồi trong phòng uống nước” cũng có thể cho rằng ông đã tin tưởng tuyệt đối vào khả năng làm việc của người ông đã phân công. Cái “ung dung ngồi trong phòng uống nước” là cái để nhân viên mình chủ động hơn, năng động hơn, tự giải quyết những phát sinh trong quá trình tập trung học sinh để chuẩn bị cho buổi lễ chào cờ đầu tuần.
Nhưng nếu thực hiện phong cách chỉ đạo như hiệu trưởng trường B chắc có lẽ sẽ hợp lí hơn nếu thay vào việc “ung dung ngồi uống nước” trong phòng thì có thể “ung dung ngồi quan sát” nhân viên mình làm việc thay cho việc chờ nhân viên báo cáo lại. Vì khi nhân viên báo cáo có thể bị bỏ sót ít nhất 1 hay 2 nội dung gì đó. Hoặc khi ngồi quan sát có thể giúp hiệu trưởng điều chỉnh những khuyết điểm của nhân viên mắc phải để điều chỉnh kịp thời. Ví dụ tình huống có thể xảy ra: một học sinh không tự đứng yên, cô tổng phụ trách có thể bắt lên đứng ở cột cờ mà điều đó thì không thể vì đó là vi phạm nhân cách học sinh.
Cụ thể hơn, tôi xin đưa ra một tình huống đã xảy ra ở trường tôi: một em học sinh nói chuyện bị cô giáo bắt phạt hát một bài hát, mà hát đâu phải ai cũng hát hay, lại chưa chuẩn bị bài hát; em này hát nhưng hát không hay giữa toàn trường giống như tra tấn toàn thể học sinh của trường. Rồi khi học sinh chưa chịu ổn định chỗ ngồi, nếu không có mặt hiệu trưởng rất có thể giáo viên chủ nhiệm đánh học sinh để ổn định lớp cho nhanh…
3.Trong thực tế, tùy tình hình mỗi trường, tùy công việc, tùy từng thời điểm, tùy năng lực của nhân viên… một người hiệu trưởng có thể linh động khi phải làm theo cách của ông hiệu trưởng trường A, khi thực hiện theo cách của ông hiệu trưởng trường B. Vì nhân viên giỏi, hiệu trưởng chỉ cần phân công, công việc sẽ được nhân viên làm tốt. Nhân viên không giỏi dù có nhiệt tình cách mấy cũng không hoàn thành công việc… Hay dù nhân viên giỏi nhưng đó là một công việc mới cũng cần có sự giúp đỡ hay hướng dẫn của hiệu trưởng hoặc những người có khả năng.
Trần Mỹ Lệ
(Trường Tiểu học Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)