Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Không cầu toàn trong công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Theo tôi, hai ông hiệu trưởng A và B đều chưa phải là hiệu trưởng toàn năng, vẫn còn những bất ổn trong cách quản lý lãnh đạo của hai ông này.
1. Ông hiệu trưởng A: Ông quả là người cầu toàn, nhiệt tình trong công việc, luôn hăng hái tham gia vào mọi hoạt động là điều đáng trân trọng. Nhưng xem ra ông có vẻ hơi “tham lam”, việc gì cũng muốn quán xuyến đến từng chi tiết, chưa dừng lại đúng với nhiệm vụ của mình, ôm đồm quá nhiều việc như thế thì hẳn không thể nào làm cho xuể, bản thân ông không cảm thấy mệt mỏi sao? Có thể ông đủ năng lực để cáng đáng mọi chuyện, nhưng thế thì mỗi bộ phận phụ trách từng công việc lại chưa phát huy được năng lực của mình, do muốn làm cũng bị ông nhận làm cả. Việc hăng hái quá mức của ông đã hạn chế vai trò của các bộ phận chuyên môn, làm cho các thành viên ở mỗi bộ phận thiếu cơ hội tham gia làm việc, nên không có ông lại dễ lúng túng. Bằng chứng là khi ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung, vì mọi người đã quen với cách làm việc dựa vào ông, có ông làm đầu tàu…
2. Ông hiệu trưởng B: Cách điều hành của ông lại ngược hẳn, do ông có vẻ thờ ơ, thiếu sâu sát với công việc. Mặt khác ông cũng tự đề cao bản thân, khi đến giờ chào cờ, thay vì ra ngoài điều hành ngay từ đầu sẽ được cảm giác thân thiện và quan tâm đến học trò và các giáo viên khác, ông lại cứ ung dung ngồi uống trà, chờ xướng tên là bước ra với vẻ trịch thượng, có phần phô trương. Tuy nhiên ông có cách lãnh đạo có thể phát huy triệt để vai trò của từng bộ phận, từng cấp. Việc phân định rõ ràng trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý sẽ giúp cho mọi người làm việc có khoa học và trau dồi được kinh nghiệm, có ý thức hoàn thành công việc cũng như giúp mọi người chủ động trong công việc.
3. Thiết nghĩ, người hiệu trưởng với yêu cầu “đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” phải là người có được những mặt tốt của hai vị hiệu trưởng A và B. Dĩ nhiên không cần là một hiệu trưởng “toàn năng” (vì chẳng có ai là hoàn hảo cả và đôi khi toàn năng lại đem đến phiền phức). Nhưng đây phải là người hiệu trưởng có đủ năng lực chuyên môn và khả năng lãnh đạo, quản lý tốt, không cần ôm đồm đủ các công việc như ông A mà cần phát huy được khả năng làm việc của từng bộ phận khi gặp khó khăn, khi có thắc mắc để mọi người làm việc tốt hơn; cần phải dừng lại đúng mức, không quá tham lam công việc cầu toàn, không quá lơ là trong công tác lãnh đạo, không quá phô trương bản thân…
Còn về phần giáo viên là phải có những ý kiến phản hồi cũng như nhận thấy những cái được hoặc chưa được ở người hiệu trưởng. Những ý kiến của mình tuy nhỏ bé nhưng cũng góp phần đổi mới giáo dục cũng như phương pháp dạy và học ở trường mình. Người hiệu trưởng bao giờ cũng là người thuyền trưởng, muốn nhà trường phát triển tốt đều nhờ sự quản lý của hiệu trưởng. Đổi mới đúng cách làm việc và phương pháp lãnh đạo đang là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất để đánh giá một người hiệu trưởng mẫu mực.
Chúng ta cũng cần làm tốt nhiệm vụ của mình, cần chuyên môn hóa và làm việc có kế hoạch, phân chia rõ ràng, để mọi việc hoàn thành nhanh chóng và có hiệu quả. Không ai là người hoàn hảo, thế cho nên bên cạnh làm tốt việc của mình, ta cũng cần thẳng thắn góp ý cho các cá nhân, bộ phận khác để cùng nhau sửa chữa, làm tốt nhiệm vụ.
Nguyễn Thị Ngọc Hơn (Gò Vấp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)