Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Nhiệt tình nhưng phải có năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Những hoạt động VHVN (ảnh) không nhất thiết phải do hiệu trưởng tổ chức điều hành. Ảnh: N.Q
Tôi thấy đề thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI” không những nắm bắt được cuộc vận động của ngành giáo dục, mà còn đề cập đến cách thức làm việc của một số cán bộ quản lí giáo dục điển hình ngày nay.
Hình ảnh hai ông hiệu trưởng A và B trong đề thi cũng là hình mẫu của nhiều cán bộ lãnh đạo mà ta thường gặp trong xã hội. Một ông ham hành động nhưng thiếu bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm quản lí; một ông bài bản theo sách vở, đường mòn mà thiếu sáng tạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới làm việc.
1. Ông hiệu trưởng A ôm hết phần việc của người khác (nhưng chưa chắc đã làm tốt hơn họ). Các việc xếp hàng, thực hiện các nghi lễ chào cờ không phải là việc của hiệu trưởng, ông nên để cho tổng phụ trách Đội, ban chỉ huy liên đội, đoàn trường làm. Khi họ gặp khó khăn thì ông mới giúp đỡ như chỉ ra chỗ khiếm khuyết, bày cho họ hướng giải quyết… Giao ban cuối tuần, cuối tháng ông hiệu trưởng phải đánh giá tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch mới để các bộ phận, các tổ chuyên môn làm việc tốt hơn. Nếu có điều kiện ông có thể “dự giờ” qua camera đặt ngay trong lớp học hoặc đi qua các phòng một lượt là đủ, anh em có cảm giác hiệu trưởng quan tâm đến công việc, thấy gần gũi, ấm áp hơn.
Trái lại, ông B là hình ảnh của một “ông quan”. Cách làm việc của ông theo một ba-rem đã định sẵn. Đến buổi chào cờ ông ngồi trong văn phòng uống nước, đúng giờ mới bước ra. Rõ ràng đã từ lâu công việc nhà trường đều đều như một cỗ máy chạy từ năm này sang năm khác, hiệu trưởng chẳng phải lo nghĩ gì. Một hiệu trưởng như thế ai mà chẳng làm được. Ngay cả các cơ quan khác hay một số cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp cũng sa vào tình trạng tương tự. Một số “sếp” bước ra lễ đài trong những tràng pháo tay rồi trịnh trọng đọc các bản báo cáo do cấp dưới viết sẵn mà có khi lẫn lộn cả từ ngữ. Do đó ông phải thực sự lao vào công việc không được đứng “chỉ tay năm ngón”.
2. Ở trường tôi, hiệu trưởng là một phụ nữ nhưng cô điều hành công việc rất nhịp nhàng, đâu ra đấy. Cô có những bước đột phá mà không phải một trường nào cũng làm được. Mọi công việc, mọi chỉ tiêu, biện pháp, kế hoạch của nhà trường đều được bàn bạc kĩ lưỡng trong Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, Công đoàn, Đoàn trường ngay từ đầu năm học. Các bộ phận theo nhiệm vụ được giao mà làm, hàng ngày, hàng tuần báo cáo lại với hiệu trưởng. Có những công việc cô theo sát anh chị giáo viên để xoay xở giải quyết. Những việc hệ trọng như tuyển chọn giáo viên bộ môn cô cũng tự tin giao cho các tổ chuyên môn hẹp, nhưng cô luôn luôn đứng bên cạnh các tổ cùng tham gia sát hạch. Chính nhờ thế mà chất lượng giáo viên trường chuyên cao hơn hẳn các trường bạn trong tỉnh. Ngoài ra, cô rất quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh, chính vì thế năm nào các chi bộ cũng phát triển được đảng viên trong học sinh.
Thiết nghĩ, hiệu trưởng nào cũng được như thế thì việc “đổi mới công tác quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” mà ngành phát động chắc chắn sẽ thu được hiệu quả rất cao. Một “hiệu trưởng toàn năng” nhiệt tình chưa đủ mà phải có năng lực quản lí, phải biết điều hành công việc thật khoa học, phải biết chăm lo, săn sóc đời sống của đội ngũ giáo viên như anh em gia đình mình.
Hoàng Thị Lệ
(Tổ trưởng Tổ địa lí Trường THPT chuyên Quảng Bình)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)