Một người hiệu trưởng toàn năng phải biết động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh có phương hướng phấn đấu trong giảng dạy và học tập. Ảnh: N.Anh
|
Để đạt hiệu quả công tác quản lý cao nhất ở bất cứ nghề nào, điều tất yếu là phải có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, yêu nghề và tận tâm với nghề. Đặc biệt là nghề làm giáo dục, liên quan đến con người, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Với trách nhiệm cao cả như vậy, chúng ta hãy bàn luận về cách quản lý của hai ông hiệu trưởng A và B để có những ý kiến khách quan trong công tác đổi mới cách quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.
1. Ông hiệu trưởng A nổi tiếng về sự nhiệt tình, hăng hái, siêng năng, cần mẫn, rất quan tâm đến công việc trong trường, luôn là người “đứng mũi chịu sào”. Chắc đây là người hiệu trưởng có tâm huyết, có đạo đức, làm cho mọi việc đều hoàn hảo. Nhưng chính điều đó tạo ra sự thụ động và ỷ lại trong giáo viên và học sinh. Khi không có hiệu trưởng thì mọi việc lại rối tung lên. Theo tôi, điều này có hai lý do. Thứ nhất là do ông sợ người khác không làm được nên tự mình “xắn tay vào làm” cho xong mọi việc. Và có lẽ ông không tin tưởng lắm vào năng lực của tập thể giáo viên. Thứ hai là ông hiệu trưởng muốn thể hiện mình là người đa tài ở mọi mặt. Có lẽ ông hiệu trưởng này quá cầu toàn đến nỗi ôm đồm. Ngược lại, ông hiệu trưởng B có phong cách chỉ đạo khác: ung dung, thản nhiên với mọi việc và các việc to nhỏ đều quản lý theo kế hoạch, phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý và báo cáo. Ban đầu chúng ta thấy có vẻ ông quan liêu, thiếu sâu sát song chính cách chỉ đạo mới mẻ đó đã khiến cho các giáo viên không bị phụ thuộc vào sự giám sát của ông. Nếu giờ chào cờ toàn trường mà có mặt thầy hiệu trưởng ngay từ lúc đầu thì sẽ thể hiện được sự quan tâm “sâu sát” của ban giám hiệu đối với mọi phong trào của nhà trường. Lễ nghi, sự trang trọng luôn cần thiết nhưng phải đúng lúc nếu không sẽ tạo ra sự kệch cỡm, lố bịch nhiều khi gây trò cười cho thiên hạ. Đây cũng là mẫu người lãnh đạo thường gặp ở các trường phổ thông khi hiệu trưởng quá tự đề cao mình. Tuy nhiên, không phải cấp dưới nào cũng biết làm việc nên có khi hiệu trưởng còn phải “cầm tay chỉ việc” để anh em quen dần. Vị hiệu trưởng B quản lý nhẹ nhàng nhưng khiến người ta có cảm tưởng ít quan tâm trường lớp, đồng nghiệp.
2. Tôi không tán thành với cách chỉ đạo của cả hai ông hiệu trưởng A và B. Bởi một người hiệu trưởng toàn năng phải là một người biết quan tâm, khuyến khích, động viên giáo viên và học sinh để họ có phương hướng phấn đấu thật tốt trong việc dạy và học. Và điều quan trọng là phải biết đấu tranh với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Người hiệu trưởng ngoài năng lực chuyên môn, tài quản lý lãnh đạo thì còn cần phải có phẩm chất trong sáng, mẫu mực, giữ gìn danh dự, uy tín của một nhà giáo, gương mẫu trong lời nói và hành động. Dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm về mọi việc có liên quan đến nhà trường. Hơn thế nữa là phải cập nhật công nghệ thông tin hàng ngày, tự bồi dưỡng, học tập về chuyên môn nghiệp vụ để nắm vững nguyên tắc, phương pháp quản lý nhà trường, và biết học tập những cách quản lý của những hiệu trưởng khác để vận dụng vào trong công việc của mình. Tuy nhiên, một người hiệu trưởng toàn năng không phải là người tham công việc, một cán bộ thiếu năng lực quản lý mà phải biết tin tưởng cấp dưới và phân công đúng việc, đúng sở trường, chuyên môn của giáo viên đó. Phải nắm rõ về quyền hạn và nghĩa vụ của mình để thực thi đúng pháp luật. Còn về phần của giáo viên là phải có những ý kiến phản hồi cũng như nhận thấy những cái được hoặc chưa được ở người hiệu trưởng mình. Những ý kiến của mình tuy nhỏ bé nhưng cũng góp phần đổi mới giáo dục cũng như phương pháp dạy và học ở trường mình.
Người hiệu trưởng bao giờ cũng là người lái tàu, muốn trường mình phát triển tốt tất cả đều nhờ sự quản lý của hiệu trưởng. Đổi mới cung cách làm việc và phương pháp lãnh đạo đang là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất để đánh giá một người hiệu trưởng mẫu mực.
Lê Thanh Hoa (Gò Vấp)
Bình luận (0)