Ông hiệu trưởng trường A nổi tiếng về sự nhiệt tình, xăng xái và khó tính. Việc gì ông cũng quán xuyến từng chi tiết, ông thường xuyên có mặt dự giờ ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo… Theo tôi, việc quán xuyến đến từng chi tiết như vậy sẽ tạo cho các giáo viên ỷ lại và không có trách nhiệm cao với công việc được giao, vì cứ nghĩ đã có hiệu trưởng đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn. Điển hình là việc xếp hàng chào cờ ông cũng đứng ra hò hét, chỉnh đội hình. Hoạt động văn nghệ, thể thao ông cũng trực tiếp thiết kế, đạo diễn mà thực chất những việc này giáo viên và học sinh có thể thực hiện được. Vậy còn đâu là phát huy tính tích cực, tự giác, tự quản của học sinh trong việc xếp hàng ở trường hợp này? Vậy đâu là sự phát huy vai trò của người giáo viên? Bên cạnh đó, việc dự giờ thường xuyên của ông sẽ khiến giáo viên chỉ lo cho việc lên tiết, làm mất nhiều thời gian trong giảng dạy, chưa kể đến việc một số giáo viên sẽ dạy đối phó. Tóm lại, vì hiệu trưởng quá ôm đồm mọi việc nên việc gì không có ông là rối tung. Do đó, theo tôi, ông nên tin vào năng lực của giáo viên để họ hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy, họ mới không ỷ lại.
Ông hiệu trưởng trường B thì hoàn toàn ngược lại. Ông giao việc, quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý rồi báo cáo. Việc này sẽ giúp giáo viên phát huy tính tích cực của mình thì tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu như ông thỉnh thoảng kiểm tra hay xuống xem xét tình hình của từng bộ phận để rút kinh nghiệm, từ đó các bộ phận sẽ làm việc tốt hơn. Đồng thời mọi người sẽ không chê bai cách quản lý của ông là quan liêu, thiếu sâu sát.
Theo tôi, một hiệu trưởng mẫu mực cần sự nhiệt tình, hăng hái trong công việc. Quản lý theo kế hoạch, luôn họp bàn, góp ý kiến để các bộ phận làm việc tốt hơn. Ngoài ra, hiệu trưởng phải luôn lắng nghe, chia sẻ và trả lời thắc mắc cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh. Điều quan trọng là yêu nghề và hết lòng với công việc.
Bùi Thị Anh Đào
(Trường TH Kim Đồng, Q. Gò Vấp)
Bình luận (0)