Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bài dự thi ký văn học chân dung “Người đương thời” Ân tình đền đáp ân tình

Tạp Chí Giáo Dục

Đến Trường Mầm non Nguyễn Cư Trinh, 122 Trần Đình Xu, Q1, không ai không biết đến cô giáo Lê Hữu Phúc. Đồng nghiệp và nhiều phụ huynh, học sinh từng tiếp xúc với chị đều nhận xét với tình cảm thân yêu, mến mộ.

Đó là cô giáo xinh đẹp, tài hoa, biết đối nhân xử thế và giỏi chuyên môn. Nhìn chị, ai cũng nghĩ hẳn chị luôn hạnh phúc, nhưng mấy người biết để có được những ngày vui tươi như hôm nay, chị đã phải chiến đấu với định mệnh của mình, cố gắng sống tốt khi phải sớm bước vào đời là một cô nhi.
Dáng dấp và gương mặt toát lên vẻ phúc hậu, hiểu biết. Đôi mắt luôn ánh lên tia nhìn ấm áp, vui tươi. Vẻ ưa nhìn của chị dễ làm người đối diện có thiện cảm.

Hầu như tôi tiếp xúc với chị hàng ngày. Thói thường, ta ít phát hiện được cái hay của những người đang sống cạnh bên ta. Nhưng từ khi được chị tâm sự về cuộc đời của chị, tôi không ngừng suy nghĩ về chị mọi lúc có thể. Chị nhìn lại quãng đời đã qua của mình không chút ủy mị, dẫu rằng câu chuyện đó thực sự làm tôi xúc động.

Cô giáo Lê Hữu Phúc (người bế học trò) và đồng nghiệp trong lễ tổng kết năm học 2004 – 2005.
Mới chào đời chưa lâu, cô bé Phúc đã không còn được cha mẹ chăm sóc yêu thương khi mỗi người đều quyết định đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Nhưng trong cái rủi còn chút may mắn, cô bé trở thành con nuôi của hai phụ nữ nghèo hiếm muộn, đáng tuổi bà ngoại. Bao nhiêu vất vả bủa quanh cuộc sống khốn khó của ba má con.
Rồi chỉ mấy năm sau, việc cho cô ăn học trở thành cái gánh quá nặng trên vai hai người má nuôi già yếu. Phúc xin nghỉ học đi làm phụ các má nhưng các má không cho. Thế là Phúc âm thầm đi tìm đủ thứ việc để làm, nhưng lâu dài nhất có lẽ là thời gian may gia công tại nhà chủ. Không quen việc, phần lớn thời gian Phúc phải ngồi tháo sản phẩm may lại và cũng vì thế mà vô tình nhìn thấy kế toán của chủ tính sai, Phúc cứ theo hỏi: “Chỗ này tính sai, sao hổng sửa đi chị?”.
Câu hỏi không được cô kế toán trả lời vì nhiều lý do, nhưng vô tình bà chủ của chị tìm thấy câu giải đáp, bà nhận ra chị có khả năng làm kế toán hơn may gia công. Thế là Phúc nhận nhiệm vụ mới.

Trong thời gian làm việc, mấy đứa con nhỏ của bà chủ cứ quấn lấy chị Phúc, trong khi gia sư của mấy cô cậu này “bó tay”, không thể nào bảo ban được chúng. Phúc lại được bà chủ tín nhiệm cho làm gia sư và kết quả tốt bất ngờ.

Thấy Phúc có năng khiếu gõ đầu trẻ, bà chủ tạo điều kiện cho Phúc thi vào Trường Trung học Sư phạm Mầm non. Ngày cầm giấy báo trúng tuyển, Phúc lại lo hơn vì chẳng đào đâu ra tiền để may áo dài đi học. Tưởng đâu dự định lại dở dang! Thương tình, bà chủ vận động người quen hỗ trợ, mà với Phúc, đó là chiếc phao cứu sinh trên biển đời của Phúc.

Năm 1992, Phúc tốt nghiệp lớp trung học sư phạm mầm non. Cầm tấm bằng về nhà khoe hai má, các má của Phúc ứa lệ không nói được tiếng nào vì bấy lâu cứ tưởng Phúc ham chơi không thương má.

Hai má chợt nhận ra Phúc của hai má thật cừ khôi. Một đứa con gái bấy lâu nay tưởng lạnh lùng trước tình thương và công lao của hai con người đang cạn dần nhựa sống, nay đã trưởng thành cả trong suy nghĩ và cuộc đời. Nỗi mừng vui ở lại trong nhà Phúc chưa lâu. Một buổi chiều năm 1994, một người má của Phúc bị ngã từ mái nhà xuống hiên vì cố sắp lại mấy lớp tôn chống dột.
Từ đó, bốn năm trời ngày nào Phúc cũng thức canh má nằm liệt một chỗ. Đồng lương cô giáo mầm non chỉ đủ tiền cơm nước, thuốc thang cho hai người phụ nữ già yếu. Hai người thân cuối cùng của Phúc cũng dồn dập rủ nhau ra đi vào những chiều mưa gió năm 1998, bỏ lại mình Phúc bơ vơ giữa cõi đời. Lo đám tang cho má xong, Phúc như điên như dại, không còn khóc được nữa.

Không tình yêu, không còn một người thân yêu để nương tựa, sẻ chia, Phúc tưởng không thiết sống nữa. Nhiều đêm Phúc quẫn trí ngồi lỳ mãi ở góc chùa, đòi xuống tóc. Sư thầy an ủi Phúc: “Không phải cạo đầu là dứt được nợ đời đâu con, con phải sống tốt cho người nằm xuống được an lòng!”.

Câu nói đã làm Phúc suy nghĩ lại. Đến giờ, hỏi vì sao Phúc không quỵ ngã, Phúc nói có lẽ tại Phúc mắc nợ nhiều ân tình quá không thể giũ bỏ được. Phúc tâm đắc câu thơ của Tố Hữu: “Nếu là con chim, chiếc lá; thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào có vay mà không trả; sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, lấy đó làm định hướng của mình trong cuộc sống.
Mới hay, dông bão của cuộc đời hay của đất trời, có thể quật ngã người này, lúc này nhưng cũng thể thúc giục người khác, lúc khác phải đứng dậy, tự tin và mạnh mẽ hơn. Có nghe, “chị Phúc ơi, chiều nay chị làm nốt giúp em mấy đồ dùng dạy học này nha, sáng mai lớp em có dự giờ”; “Phúc ơi, có ghé chợ mua giùm chị mấy hộp màu thực phẩm”; “Con chào cô Phúc, con nhớ cô Phúc quá”… sẽ thấy Phúc là “trung tâm” của sự tin yêu.

Bác tổ trưởng tổ dân phố 4 nhiều năm của Phúc – Trần Thị Sáu (số 1 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, Q1) đã gần 70 tuổi, nghe tôi có ý định tìm hiểu thêm về cuộc sống của cô giáo Phúc tại địa phương, không giấu giếm niềm tin yêu: “Đó là một nếp nhà rất hay. Hai người mẹ và một đứa con gái sống yêu thương nhau hết lòng, hầu như không còn ai nhớ rằng họ là con nuôi, má nuôi gì cả. Một nếp nhà như thế là điều đáng quý, đáng học tập vì trong thời buổi này, nhiều đứa con đối với cha mẹ ruột quá bất hiếu, quá nhẫn tâm. Tôi cũng mong cháu Phúc sau này thay tôi làm tổ trưởng tổ dân phố vì với tư cách tốt như thế, cháu chắc sẽ được khu phố ủng hộ”.

Là một giáo viên mầm non, chị không có nhiều danh hiệu, thành tích như một thương gia hay một nhà khoa học, nhưng chị cảm thấy phấn khởi nhất với danh hiệu “chuyên trị con mầm”, tức là bé nào mới vào lớp mầm – dù ở nhà là “ông vua”, “bà hoàng”, đến khi vào lớp cũng bị chị “dụ” theo các bạn chăm học, ăn ngoan, có nề nếp, tiến bộ đáng kể. Chị luôn tay luôn mắt dõi theo các bé với tấm lòng tận tụy và trái tim nhân ái.

Cái cách chị nói chuyện và chơi với cháu cũng như với một người bạn vừa làm các cháu thích thú, vừa rất hiệu quả trong việc điều khiển lớp. Không ít đồng nghiệp còn học ở chị về tài quản lớp giỏi. Tôi bỗng thấy bài hát “Cô đi nuôi dạy trẻ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Bởi vì em quá yêu thương – những đôi môi đỏ, những đôi má tròn; Long lanh từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương…” như được viết cho riêng chị.
Nhiều phụ huynh cho biết, niềm tin yêu đối với cô giáo Phúc càng tăng thêm sau khi thấy các cháu do cô Phúc phụ trách ngày càng chăm ngoan, khỏe mạnh, thậm chí là “tiến bộ vượt bậc”. Thời gian gần đây, thấy báo chí đăng tin nhiều cô bảo mẫu vì không có trình độ nên gây nguy hiểm cho các cháu, Phúc tự thấy bản thân cần phải tiếp tục nâng cao chuyên môn. Hiện Phúc sắp hoàn tất lớp nâng cao nghiệp vụ, đảm bảo những yêu cầu mới trong công tác giáo dục.
Không chỉ hết lòng với trò, với trường, cô giáo Phúc luôn dành thời gian làm việc thiện, chia sẻ miếng cơm manh áo với người cùng cực hơn mình. Khi nói về chị, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyễn Cư Trinh – cô giáo Trương Thị Ánh Ngọc – bộc bạch: “Cô giáo Lê Hữu Phúc là tấm gương sáng đáng cảm phục về nghị lực trong cuộc sống. Trong công việc, chị là một giáo viên hết lòng vì trẻ. Dẫu trong thời gian qua nhiều giáo viên phải bỏ nghề do đồng lương eo hẹp, cô Phúc vẫn không lúc nào xao lãng vị trí của mình”.
Cô giáo Đàm Thị Ngọc Loan cũng cho rằng, quá trình công tác chung với cô giáo Phúc đã giúp chị trưởng thành hơn trong công tác, trong đó có tinh thần nỗ lực không ngừng.

Trong sâu thẳm của mỗi con người không bao giờ thôi khát vọng về một giấc mơ tươi đẹp hơn. Với cô giáo Lê Hữu Phúc, đó là giấc mơ về tình yêu thương mà hạnh phúc là mỗi ngày lại thấy giấc mơ đó càng được vun đắp tròn đầy.

Rốt cuộc, tôi cũng chưa làm được gì cho chị để thỏa niềm mến thương của tôi với chị. Nhưng ít ra, sau này tôi còn có cái “bênh vực” mình, rằng đã không ngồi im.

Tôi còn nhen nhóm trong suy nghĩ, biết đâu trong chuỗi vay trả của món nợ đồng lần giữa cuộc đời, sẽ có một bờ vai nào đó vẫn đang chờ dành cho chị!? 
HÀ MINH THẮM (Theo SGGP)

Bình luận (0)