Hướng nghiệp - Tuyển sinhĐề thi - Đáp án

Bài giải gợi ý đề thi tốt nghiệp THPT 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Môn văn
Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những chuyện gì? Hãy cho biết điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy.
Câu 2 (3 điểm)
Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách.
Phần riêng (5 điểm)
Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm câu dành riêng cho chương trình đó (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình chuẩn (5,0 điểm)
Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008).
Câu 3.b. Theo chương trình nâng cao (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (phần trích trong Ngữ văn 12 nâng cao, tập một, NXB Giáo dục – 2008).
Bài giải gợi ý
Câu 1.  
a. Giới thiệu vài nét về tác giả – tác phẩm:

Thí sinh xem lại bài thi ở Hội đồng thi Nguyễn Hữu Huân

– Tác giả: Lỗ Tấn (1881 – 1836) là nhà văn lớn có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XX.
– Tác phẩm Thuốc đăng lần đầu tiên trên tạp chí Tân thanh niên số 5/1919. Tác phẩm được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Lỗ Tấn, nó như một “tiếng thét để an ủi những người chiến sĩ” và để cảnh tỉnh tinh thần nhân dân, truyền cho họ ý chí nghị lực bước vào giai đoạn đấu tranh mới.
b. Câu chuyện của những người khách trong quán trà bàn về
– Cái chết của người tử tù Hạ Du và cho rằng anh ta là kẻ “điên rồi”.
– Việc ông Hoa Thuyên mua được chiếc bánh tẩm máu người tử tù.
– Hiệu quả của liều thuốc được truyền tụng trong dân gian chữa bệnh lao bằng bánh bao chấm máu tươi của người.
c. Qua những chuyện ấy tác giả muốn nói:
– Tỏ thái độ đau xót, tiếc thương cho người chiến sĩ chiến đấu hy sinh cho quần chúng mà quần chúng “ngu muội quá đỗi” không hiểu. Cùng với ý nghĩa trên, tác giả đưa ra tư tưởng chủ đề của tác phẩm: cần có liều “thuốc” mới chữa căn bệnh rời rã của quốc dân.
– Phê phán bộ phận nhân dân Trung Hoa ngu muội, lạc hậu, cho thấy xã hội Trung Quốc là một “con bệnh trầm trọng” đòi hỏi một liều “thuốc” mới, cần phát quang một “con đường” mới.
Câu 2. Có thể tham khảo những luận điểm chính sau đây:
– Tác dụng của việc đọc sách:
+ Cung cấp thông tin và kiến thức về mọi mặt.
+ Giáo dục, nâng cao khiếu thẩm mĩ, phát triển trí tuệ. Đọc sách là khát vọng của mọi người trong việc chinh phục tri thức.
+ Bồi dưỡng đạo đức, tình cảm, hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng đất nước.
– Vai trò của sách trong thời đại thông tin nghe – nhìn: khẳng định các phương tiện thông tin nghe – nhìn đang phát triển ngày nay không thể thay thế được hoàn toàn cho việc đọc sách.
Câu 3a. Phân tích giá trị nhân đạo truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Hướng dẫn làm bài
Trên cơ sở hiểu biết về Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, cần phân tích những biểu hiện cụ thể như sau:
1. Truyện phản ánh cuộc sống khổ nhục của người lao động miền núi. Đó là cuộc đời của Mị, của A Phủ, của cha mẹ Mị, của những đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài. Tác giả kể chuyện bằng giọng trầm lắng, nhiều đoạn hòa vào dòng ý nghĩ và tiếng nói bên trong của nhân vật, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nỗi cay cực, nhọc nhằn của họ.
2. Truyện ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Đó là sự tài hoa, nhạy cảm, siêng năng và hiếu thảo của Mị. Đó là sự gan dạ, giỏi giang, hiền lành, chất phác của A Phủ.
3. Truyện đã phát hiện và khẳng định sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do của người lao động:  
a. Sức sống mãnh liệt của Mị
– Lúc chưa lấy chồng, Mị là cô gái nhạy cảm, yêu đời, có người yêu, tài hoa, thổi sáo hay, thổi lá cũng hay. Ngay từ đầuMị đã từ chối việc làm dâu nhà thống lí.
– Khi bị lừa bắt làm vợ A Sử, Mị không cam chịu, nên có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc và định ăn lá ngón tự tử.
– Lúc trở lại sống ở nhà thống lí, Mị như cái xác không hồn, không còn ý thức sống. Bề ngoài có vẻ cam chịu, nhưng sức sống của Mị vẫn luôn tiềm tàng chỉ cần có điều kiện nó sẽ bùng lên mạnh mẽ:
– Trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức tâm hồn Mị, làm trỗi dậy lòng ham sống, khát vọng tự do, tình yêu, hạnh phúc.
– Sức sống trong Mị càng mãnh liệt qua việc cởi trói giải thoát cho A Phủ và cũng là cởi trói giải thoát đời mình.
b. Sức sống mãnh liệt của A Phủ:
Mười tuổi đã trốn khỏi cánh đồng thấp.
– Trong cuộc xử kiện về tội đánh A Sử, A Phủ gan góc quì chịu đòn chỉ im như tượng đá.
– Ham thích những công việc lao động nặng nhọc mà khó khăn, nguy hiểm để được rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng.
– Bị trói A Phủ đã cố nhay đứt hai vòng mây.
– Khi được Mị gỡ hết dây trói, A Phủ đã khuỵu xuống, không bước nổi,nhưng bỗng A Phủ lại quật sức vùng lên chạy. Chính sức sống tiềm ẩn, lòng khao khát được sống mà A Phủ đã chiến thắng nỗi đau thể xác, vùng lên để tìm sự sống.
=> Trong bất hạnh, người lao động vẫn luôn có sức sống bền bỉ, một khát vọng hạnh phúc lớn lao, hễ gặp cơ hội thuận lợi sức sống đó, khát vọng đó lại trỗi dậy mạnh mẽ.
4. Truyện đã quan tâm đến cách giải quyết cho số phận của người lao động nghèo khổ. (So sánh với số phận bế tắc của người lao động trong những tác phẩm văn học hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám).
5. Đánh giá: Giá trị nhân đạo của tác phẩm rất sâu sắc. Không phải là tình cảm thương xót mang tính ban phát của người bề trên đối với kẻ dưới mà là sự đồng cảm chia sẻ, thấu hiểu của tác giả đối với những người lao động, nơi ông đã từng sống, làm việc suốt tám tháng với biết bao ân tình gắn bó ở vùng rừng núi Tây Bắc. Tình cảm nhân đạo của tác phẩm vừa mang tính truyền thống vừa mang tính thời đại là ca ngợi vẻ đẹp của người lao động và chú ý giải quyết số phận của họ.
Câu 3.b.
Trên cơ sở hiểu biết về Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?, cần triển khai các luận điểm sau:
A. Vẻ đẹp ở góc độ thiên nhiên: đa dạng, phong phú, nhiều màu vẻ tùy từng lúc, từng nơi:
– Ở rừng già: Là bản trường ca của rừng già, mang vẻ đẹp phóng khoáng và man dại, lúc thì rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc; có lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.
– Ra khỏi rừng già: dịu dàng và trí tuệ của một người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
– Khi qua những dãy đồi sừng sững: mềm mại như tấm lụa, biến ảo nhiều màu sắc: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím.
– Khi qua những lăng tẩm đồ sộ: trầm mặc như triết lí, như cổ thi.
– Khi về đến vùng ngoại ô Kim Long: tươi tắn giữa những biền bãi xanh biếc.
– Khi qua thành phố Huế: lặng lờ, trôi đi chậm, thật chậm cơ hồ chỉ là một mặt hồ yên tĩnh.
=> Ở góc độ thiên nhiên, sông Hương mang vẻ đẹp trữ tình, phong phú, nhiều sắc màu. Qua đó đã thể hiện ở nhà văn một năng lực quan sát tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm, một vốn hiểu biết sâu rộng và cách diễn đạt đầy thi vị, tài hoa.
B. Vẻ đẹp ở góc độ văn hóa:
– Sông Hương là một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya; là nơi sản sinh toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế;
– Cũng là một dòng sông của thi ca mà không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của thi nhân. (Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu…).
– Màu sương khói huyền ảo của sông Hương cũng là nguồn gốc của sắc tím đặc trưng xứ Huế.
=> Sông Hương đã góp phần rất lớn vào quá trình phát triển nền văn hóacủa cố đô Huế và của cả dân tộc.
C. Vẻ đẹp ở góc độ lịch sử:
– Sông Hương đã chứng kiến bao thăng trầm của các thời đại, đã sống những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó.
– Là nhân chứng của tội ác hủy diệt di sản văn hóa của đế quốc Mỹ.
=> Sông Hương là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm nên một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường làm một người con gái dịu dàng của đất nước.
D. Nghệ thuật miêu tả:
– Tận dụng tối đa phép nhân hóa làm cho việc miêu tả sinh động và dòng sông rất người. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
– Những phép so sánh rất tài hoa. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
– Lời văn đẹp, sang trọng, giàu chất thơ. (Dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)
E. Nhận xét chung:.
– Sông Hương là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa, cũng là biểu tượng của chiều sâu văn hóa và chiều dài lịch sử của con người và vùng đất Huế.
– Qua hình ảnh con sông giúp hiểu được một tình yêu thiết tha, say đắm với cảnh vật và con người xứ Huế, cũng như thấy được phong cách phóng túng, tài hoa, giàu thông tin văn hóa, lịch sử và giàu chất lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
TS. Nguyễn Thị Thu Vân
(giảng viên ĐH Sài Gòn) 

>>Gợi ý giải đề thi môn Sinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)