Một tiết học bằng giáo án điện tử |
Trong hai năm gần đây và đặc biệt là từ năm học 2008-2009, khi Bộ GD-ĐT chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy thì phong trào soạn bài giảng điện tử được giáo viên hưởng ứng một cách tích cực và đã thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Các thầy, cô giáo khắp mọi miền đều quyết tâm tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận với phương pháp soạn, phương pháp giảng bằng phương tiện điện tử với chương trình phần mềm Powerpoint. Trong thời gian qua có một bộ phận thầy, cô giáo soạn bài giảng điện tử khá đúng hướng, tiết dạy hấp dẫn thu hút được HS, HS cũng rất tích cực, tự giác hoạt động trong tiết học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số thầy, cô giáo soạn, giảng không đúng với yêu cầu.
Còn nhiều bất cập
Có nhiều nguyên nhân khiến cho các thầy, cô giáo soạn, giảng không đúng yêu cầu. Thứ nhất: chưa phân biệt thế nào là giáo án điện tử, bài giảng điện tử. Nhân đây xin nhắc lại ngắn gọn hai khái niệm này. Giáo án là kế hoạch lên lớp của thầy giáo trong đó nó thể hiện được tiến trình sẽ lên lớp, có hoạt động của thầy, hoạt động của trò, những hoạt động này là nhằm để đạt được mục đích cụ thể. Nội dung của giáo án phải trả lời được 4 câu hỏi: dạy để làm gì? (mục tiêu); dạy cho ai? (đối tượng học tập); dạy cái gì? (nội dung); dạy như thế nào? (phương pháp giảng dạy). Còn bài giảng là nội dung của bài học giáo viên cần thể hiện khi giảng dạy trên lớp. Chính vì chưa phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này nên có thầy, cô giáo khi lên lớp đã trình diễn luôn các phần không nên trình chiếu như giới thiệu “mục tiêu yêu cầu của bài học”, các bước làm việc của thầy, của trò. Thứ hai: trình chiếu không đúng với phương pháp giảng dạy “phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh”. Ví dụ: khi thầy giáo chỉ đạo cho trò thi công một công đoạn nào đó nhằm để chiếm lĩnh một nội dung kiến thức nào đó nhưng khi thầy “nhấn phím”, “nhắp chuột” thì màn hình lại xuất hiện nhiều nội dung, trong đó có những nội dung mà thầy và trò chưa kịp đề cập đến trong các hoạt động trên, dẫn đến “lộ” nội dung. Thứ ba: trình chiếu những phần không nhất thiết phải trình chiếu như những câu chữ đã có sẵn trong sách giáo khoa (khái niệm, định nghĩa, ví dụ bằng chữ…). Nếu trình chiếu như thế thì không cần phải dạy bằng đèn chiếu projector. Thứ tư: thiết kế màu nền, màu chữ không phù hợp với nội dung bài học, cách chạy chữ, hiện hình ở slide không nhất quán khi thì từ trên chạy xuống, lúc ở dưới chạy lên, rồi phải qua trái, trái qua phải. Như thế thì chỉ có gây rối và phân tán sự tập trung của HS hoặc có thầy, cô giáo soạn bài giảng lên lớp như bài soạn của các báo cáo viên.
Chính các nguyên nhân trên đã dẫn đến hệ lụy: khi giáo viên dạy xong một tiết bằng “giáo án điện tử” có người hỏi HS:
– Các em có vui không? – Dạ rất vui!
– Hấp dẫn không? – Dạ hấp dẫn!
– Các em có thích học như thế không? – Dạ thích.
– Và các em hãy cho biết trong tiết học vừa rồi, đã học được những gì? – Hầu hết các em ngơ ngác. Thậm chí có em không ghi được nội dung tiết học vào vở.
Như thế cái vui, cái hấp dẫn, cái lôi cuốn HS đó chẳng qua là sự xuất hiện một phương tiện giảng dạy mới lạ, với bài giảng có nhiều màu mè, hình ảnh bắt mắt, với kiểu chữ, kiểu hình chạy nhảy lung tung.
Thật ra giảng dạy như thế không những không đạt chất lượng mà còn tổn thất lớn về kinh tế, có người tính bình quân 1 tiết dạy điện tử sẽ tốn kém hơn 10 lần tiết dạy bình thường, chưa kể thời gian soạn thảo của thầy, cô giáo cũng tăng lên gấp 3-4 lần so với bài soạn “giấy trắng, mực đen” hoặc so với bài soạn bằng vi tính.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?
Sử dụng bài dạy điện tử không đúng, chẳng những không đạt chất lượng mà còn tổn thất lớn về kinh tế. Có người tính bình quân 1 tiết dạy điện tử sẽ tốn kém hơn 10 lần tiết dạy bình thường, chưa kể thời gian soạn thảo của thầy, cô giáo cũng tăng lên gấp 3-4 lần so với bài soạn “giấy trắng, mực đen” hoặc so với bài soạn bằng vi tính. |
Như đã nói ở trên, nhiều giáo viên chưa phân biệt được đâu là giáo án điện tử, đâu là bài giảng điện tử. Thứ nữa, hầu hết các thầy, cô giáo chưa qua lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy, soạn bài giảng và giáo án điện tử. Cái mà lâu nay thầy, cô giáo có để giảng dạy được bằng phương tiện điện tử chẳng qua là tự học, tự rèn luyện. Tự học ở tài liệu, ở trên mạng internet nhất là ở các thư viện bài giảng điện tử. Các thầy, cô giáo tự vào thư viện “cop” về rồi tự nghiên cứu, tự học, sơ chế lại theo cảm tính để rồi thành bài giảng của mình.
Nhân đây cũng xin trao đổi một số nguyên tắc thiết kế bài giảng điện tử. Nguyên tắc chung là đơn giản và rõ ràng; tinh thần biểu tượng hóa nội dung; nhất quán trong thiết kế; không nên ra nhiều ý tưởng lớn trong một slide; lựa chọn đồ họa cẩn thận để tránh gây phân tán sự chú ý của học sinh; chọn màu nền với màu chữ thích hợp, tránh chọn màu nền lấn áp màu chữ. Trong bài giảng phải có sự chèn ảnh, chèn hình, phải có siêu liên kết (hyperlink) nhất là liên kết với video clip mang nội dung bài giảng. Muốn thế giáo viên phải có kỹ năng khai thác và sử dụng internet, biết vào các trang web cần thiết, có liên quan đến bộ môn của mình để khai thác hình, ảnh, video clip, tải các đoạn phim để phục vụ cho bài giảng; phải biết sử dụng các phần mềm liên quan đến bộ môn, phần mềm “đổi đuôi” các đoạn phim. Tóm lại giáo viên phải biết cái ưu thế của phương pháp giảng dạy điện tử so với các phương pháp khác là ở điểm nào, để từ đó biết phát huy ưu thế cho đúng nơi, đúng lúc.
Và qua đây cũng đề nghị các cấp quản lý giáo dục cũng cần đề ra hình thức thích hợp để quản lý giáo án điện tử, bài giảng điện tử của giáo viên vừa kích thích được giáo viên giảng dạy bài giảng điện tử vừa đảm bảo được công tác quản lý chỉ đạo chuyên môn. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức hội thảo, hội giảng về giáo án điện tử, bài giảng điện tử cho giáo viên đã biết và chưa biết.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến phương pháp thiết kế bài giảng điện tử và phương pháp sư phạm khi trình chiếu bài giảng, cần xây dựng một số nội dung cơ bản về “lý luận phương pháp giảng dạy điện tử” để làm cơ sở đánh giá các bài giảng điện tử.
Lê Văn Huân
(Phòng GD-ĐT huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)
Bình luận (0)