Việc biên soạn, thiết kế bài giảng online tốn khá nhiều tâm sức của người dạy. Thế nhưng bài giảng lại có giá trị vì không giới hạn người học, không giới hạn không gian, thời gian, dùng nhiều lần.
Đó là nhận định của thầy Đoàn Mạnh Linh, giáo viên dạy Văn, trường PTTH FPT về bài giảng online.
Giáo viên gặp lúng túng vì chưa được rèn luyện
Dịch Covid-19 đã khiến học sinh, sinh viên nghỉ đến cuối tháng 2, một khoảng thời gian nghỉ rất lâu của học sinh từ trước tới nay. Việc nghỉ học lâu này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh cuối cấp, đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia vào mùa hè tới.
Theo đó, học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm dịch bệnh này. Do đó, ngay từ khi học sinh được nghỉ học, nhiều trường và giáo viên trên khắp cả nước đã bắt đầu mày mò sử dụng các hình thức đào tạo trực tuyến vào giảng dạy để không làm gián đoạn chương trình học của học sinh.
Thế nhưng, dạy học online tại Việt Nam chưa phải là hình thức phổ biến nên cả người dạy và học đều lúng túng, gặp nhiều khó khăn ban đầu.
Thầy Hồ Hải Sơn – Trường THCS Tây Sơn – Đà Nẵng – đoạt giải tác phẩm truyền cảm hứng trong cuộc thi Đại Sứ E-Learning Việt Nam 2019 cho biết: “Học tập trực tuyến trong thời dịch này, giúp giáo viên và học sinh có thể duy trì việc học tập không bị gián đoạn, học sinh không có cảm giác chây lười vì thời gian nghỉ học quá lâu.
Đặc biệt, những bạn đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia hay kỳ thi chuyển cấp thì cách học này rất hữu dụng. Bên cạnh đó, phương pháp học trực tuyến cũng giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm chi phí học thêm, học kèm”.
Cô Ngô Thị Minh, trường Tiểu học Đồng Quang (Thái Nguyên) băn khoăn, đối với những trường vùng kinh tế khó khăn, việc đào tạo trực tuyến còn gặp nhiều hạn chế. Bởi, không phải học sinh nào cũng có đầy đủ trang thiết bị để học.
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng như các em chưa quen thuộc với cách dạy và học trực tuyến. Vậy nên để học trực tuyến hiệu quả, giáo viên cần được hướng dẫn cách dạy học, cách tạo các bài giảng online.
Đồng thời, cũng cần khuyến khích phụ huynh trang bị máy tính cho con em mình, bởi nó không chỉ là việc học chống dịch trước mắt, mà sẽ là nền tảng để nhà trường bổ sung kiến thức, tạo ra thêm kênh học tập bổ ích cho học sinh".
Thầy Đoàn Mạnh Linh, giáo viên dạy văn trường PTTH FPT cho rằng, việc biên soạn và thiết kế một bài giảng E-Learning, tốn khá nhiều tâm sức của người dạy, từ việc soạn nội dung, đến thiết kế hình ảnh, thu âm giọng nói. Thế nhưng khi tạo ra được một bài giảng online, lại rất có giá trị, bởi nó không có giới hạn người học, không giới hạn không gian, thời gian và dùng lại được rất nhiều lần.
Thầy Linh cũng cho hay, nếu dùng bài giảng online mà sử dụng mạng xã hội để dạy học sẽ không thu lại được hiệu quả cao, do giáo viên không thể kiểm soát được lớp học, khó đảm bảo hiệu quả học tập.
“Một số doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp đào tạo trực tuyến, tuy nhiên phần lớn đều dưới hình thức mở ra một website đào tạo chung cho tất cả các trường. Thực tế hiện nay mỗi trường, mỗi giáo viên đều có các phương pháp đào tạo khác nhau, nên việc sử dụng chung các bài giảng có sẵn dành cho tất cả các trường không mang lại kết quả thực sự khả quan” – thầy Linh nói.
Làm thế nào để tạo được bài giảng online
Tình hình dịch bệnh chưa biết kéo dài đến bao giờ, hướng đến việc dạy và học online là một giải pháp khá ổn trong thời điểm này. Song, làm thế nào để tạo bài giảng online và đào tạo nó bằng phương tiện gì thì chưa được mọi người quan tâm một cách triệt để.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Phương (Giảng Viên Trường CĐ Sư Phạm Trung Ương Hà Nội – người đạt giải nhất cuộc thi Đại Sứ E-Learning Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng tham gia tập huấn cho các giáo viên trên khắp cả nước về kỹ năng làm bài giảng online, nên tôi hiểu rất rõ đa phần các giáo viên đều có rất ít hoặc không biết nhiều về các phần mềm soạn bài giảng online, vì thực tế chưa cần đến. Thế nên để triển khai ngay phương pháp dạy online thời điểm này cũng sẽ khiến các thầy cô gặp không ít khó khăn.
Chính vì vậy, cô Phương và các thầy cô đạt giải trong cuộc thi Đại Sứ E-Learning Việt Nam đã lập một website chuyên về đào tạo các kỹ năng soạn bài giảng online hoàn toàn miễn phí qua cổng CLS.
Với Website này, các thầy cô sẽ chia sẻ thực tế kinh nghiệm thực hiện các bài giảng trực tuyến, kinh nghiệm để có một bài giảng hay, hướng dẫn thầy cô chọn phần mềm soạn giảng, cách sử dụng các công cụ trên phần mềm.
Đồng thời chia sẻ với họ về “phương tiện” để dạy học online hiệu quả thông qua cổng đào tạo CLS – một nền tảng chuyên biệt, được phát triển để dạy và học trực tuyến, bao gồm quản lý học sinh, kiểm tra và chấm điểm, phù hợp cho các trường khi muốn đào tạo từ vài trăm đến hàng ngàn học sinh. Hệ thống này dễ sử dụng và phù hợp với cả những thầy cô chưa biết đến e-learning trước đó.
“Chúng tôi hy vọng góp một chút sức lực cho các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ôn tập việc phòng chống dịch Covid-19 cấp thiết hiện nay” – cô Phương bày tỏ.
Hồng Hạnh (theo dantri)
Bình luận (0)