Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bài hát karaoke được làm như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục


Ca khúc được chọn để làm karaoke thường là những bài hát đã phổ biến, gắn liền với bản hòa âm quen thuộc nhất của nó để người hát karaoke cảm thấy gần gũi và dễ hát – Ảnh: Ngọc Hải

Gần đây, người trong giới âm nhạc nghe được những ý kiến của những nhà sản xuất đĩa karaoke vi tính và những nhạc sĩ liên quan trong các khâu hòa âm, thực hiện bản nhạc đệm karaoke vi tính (kỹ thuật số)… liên quan đến vấn đề bản quyền trong từng công đoạn thực hiện.

Những tranh biện này có thể khó hình dung và khó hiểu đối với công chúng. Để có thể tường tận hơn, bài viết này miêu tả một cách khái quát các công đoạn thực hiện để có được hàng ngàn bản karaoke vi tính.

Hòa âm, phối khí…

Một ca khúc khi được sáng tác xong mới chỉ nằm trên giấy. Sau đó, trước khi được ca sĩ thu âm thì từ văn bản, người nhạc sĩ hòa âm sẽ làm phần nhạc đệm. Phần nhạc đệm được thu âm thanh của nhiều track nhạc cụ, mỗi nhạc cụ sẽ có những track riêng. Sau khi mix (trộn), cân chỉnh âm thanh những track này lại với nhau sẽ có phần nhạc đệm của ca khúc. Tất cả những thao tác này đều thực hiện tại phòng thu hoặc trên những chương trình thu âm chuyên nghiệp (như Sonar, Cubase, Nuendo…) và phần nhạc đệm khi thành phẩm sẽ là bản audio mang file có định dạng WAV – đây là định dạng của các bài audio phổ biến ta thường nghe trên CD, và bài nhạc đệm đó là sản phẩm sáng tạo của nhạc sĩ đã hòa âm, phối khí ca khúc đó.

Tuy nhiên, một bài nhạc đệm audio mang định dạng wav thường có dung lượng lớn, thông thường khoảng trên dưới 50 Mb/bài. Vì vậy 1 CD thông thường (dung lượng 700 Mb) chứa tối đa khoảng 16 bài. Như vậy, làm thế nào mà 1 đầu máy karaoke vi tính chỉ với 1 đĩa nhạc có thể chứa vài ngàn thậm chí hàng chục ngàn bài hát?

Để làm được điều này thì các bài nhạc đệm phải được làm lại, vẫn căn cứ trên bản hòa âm gắn liền với bài đó, nhưng các track nhạc cụ phải được chơi lại và được ghi dưới định dạng MIDI (còn gọi là file midi, đây là định dạng âm thanh có dung lượng cực nhỏ). Sở dĩ phải làm lại, có nghĩa là chơi lại và thu âm từng track nhạc dưới dạng file midi vì không thể chuyển từ track nhạc file wav thành file midi được.

MIDI là tên viết tắt của Musical Instrument Digital Interface (giao diện kỹ thuật số của nhạc). Một track nhạc cụ khi chơi lại (thường trên một keyboard – bàn phím – kết nối với thiết bị và chương trình thu âm) vẫn phải biểu hiện đúng những đặc trưng kỹ thuật về cao độ, trường độ, cường độ… như trong bài hòa âm gốc. Tuy nhiên về âm sắc nhạc cụ phải lệ thuộc vào hệ thống general midi (là hệ thống gồm 128 âm thanh nhạc cụ khác nhau đã được số hóa riêng biệt) và sau khi chọn 1 trong 128 âm sắc nêu trên, âm thanh của một track nhạc cụ để phát ra còn phụ thuộc vào bộ tiếng (sound module), card âm thanh (soundcard) của chương trình làm nhạc.

Tay nghề của người làm file midi

Một bản hòa âm trên CD (file wav) thường gồm trên dưới vài chục track nhạc cụ. Để chơi lại (cover) đủ các track thì rất phức tạp, vì thế, khi một ca khúc được chọn để làm karaoke (thường là những bài hát đã phổ biến, gắn liền với bản hòa âm quen thuộc nhất của nó để người hát karaoke cảm thấy gần gũi và dễ hát. Thường một hãng sản xuất hàng ngàn bài karaoke midi, phải giao cho nhiều người làm nhạc midi), người làm nhạc midi sẽ chọn những nhạc cụ, những câu nhạc tiêu biểu nhất của bài hòa âm gốc để chơi lại và thực hiện những kỹ thuật âm thanh sao cho số track nhạc cụ ít đi nhưng vẫn giữ được những cấu trúc, những sắc thái của bản nhạc đệm gốc của nhạc sĩ hòa âm tạo ra.

Chính vì âm thanh nhạc cụ số và số track giới hạn, nên để tạo ra một bản ghi file midi nghe gần sát với âm thanh của bản hòa âm gốc là một thử thách tay nghề của người làm file midi. Cùng với sự ghi nhận âm thanh kỹ thuật số cực kỳ chính xác và tỉ mỉ (1 note nhạc đánh lên sẽ được ghi lại trên sóng âm thanh và văn bản chi tiết đến 1% của giây), nên cùng một bài hòa âm của một nhạc sĩ hòa âm tạo ra, nhưng 2 người làm midi sẽ cho ra 2 bản karaoke midi khác biệt, hay dở khác nhau.

Sự khác nhau này cũng khẳng định tính độc lập của một bản ghi file midi – từ một bài hòa âm gốc, 2 người làm midi sẽ cho ra 2 bản ghi khác nhau; thậm chí, cùng một người làm nhưng mỗi lần làm sẽ cho ra một bản ghi khác nhau về chi tiết trên đồ thị (sóng âm thanh) và score (văn bản tổng phổ có thể in ra giấy) hiện ra trên chương trình làm nhạc (Sonar, Cubase, Nuendo…). Và đây chính là căn cứ để khẳng định rằng khi mỗi nhà sản xuất tạo ra những bản ghi file midi thuộc sở hữu của mình, mỗi bài karaoke vi tính sẽ hiển thị trên chương trình làm nhạc những đồ thị và văn bản riêng biệt và duy nhất của bài nhạc đó (đưa 2 bài file midi – cùng một bản hòa âm gốc nhưng do 2 người làm – lên trình làm nhạc, dù thay đổi âm sắc nhạc cụ, nhưng bước sóng và văn bản luôn khác nhau).

Và mỗi bản ghi file midi này được đăng ký bản quyền của đơn vị đã thực hiện phần nhạc đệm được chơi lại từ những track nhạc của bài hòa âm gốc sang thành các track nhạc dưới dạng file midi.

Sau phần làm nhạc midi, sẽ phải làm phần chạy chữ, hình ảnh nền… để một ca khúc hòa vào dòng chảy đến với công chúng của hàng ngàn ca khúc karaoke vi tính khác.

Minh Châu (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)