Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bài hát Việt “teo” dần?

Tạp Chí Giáo Dục

Một ngày mới, bài hát đoạt 4 giải thưởng của tháng 6 (nhạc sĩ Thanh Tâm, Hồ Bích Ngọc thể hiện) nay đoạt giải Bài hát phong cách pop đương đại nổi bật – Ảnh: M.C

Khởi động năm 2005 với mỗi live show hằng tháng giới thiệu 12 ca khúc mới, sang năm 2006 con số này còn 11, đến 2008 xuống 7 ca khúc. Còn năm nay, chương trình Bài hát Việt sẽ chỉ diễn ra 3 tháng/lần.

Chương trình… can đảm!

Theo nhạc sĩ Lương Minh, Trưởng phòng ca nhạc VTV3, Trưởng BTC, số lượng ca khúc cho mỗi quý sẽ quyết định sau. Riêng việc rút ngắn số live show trong năm, kéo dài thêm khoảng cách từng chương trình hẳn sẽ không nằm ngoài mục đích: nhằm đảm bảo chất lượng ca khúc dự thi như lý giải của BTC cho lần giảm xuống từ 11 còn 7 (năm 2008).

Nhìn lại chặng đường đầy gian nan để khẳng định “thương hiệu” của mình trong đời sống âm nhạc, Bài hát Việt xứng đáng được ghi nhận là chương trình… can đảm. Xuất hiện giữa lúc thị trường ca khúc đang bát nháo với hỗn tạp thượng vàng hạ cám, Bài hát Việt với tiêu chí lựa chọn dựa trên tính nghệ thuật, xã hội và thị trường đã mang đến cho khán giả dòng nhạc được xem là “sạch sẽ”, hiện đại. Tuy nhiên, chính tiêu chí ấy cũng đã làm cho sân chơi này được ví như con thuyền vừa ra khơi đã gặp “sóng lớn”, với không ít những phản hồi chẳng mấy tích cực: khó nghe, xa rời đời sống âm nhạc, thiếu tính đại chúng. Và bằng chứng cho thấy sự thờ ơ của khán giả với Bài hát Việt giai đoạn ấy chính là sự trống vắng (có khi đến hơn một nửa số ghế) trong khán phòng diễn ra chương trình.

Những cái mới bao giờ cũng cần có thời gian để chứng tỏ mình, để đến được với công chúng. Và Bài hát Việt cũng không ngoại lệ!

Cạn nguồn…

Nếu năm 2005, khán giả thưởng thức Bài hát Việt trong trạng thái… tư duy nhiều hơn là xúc cảm, rung động với cái đẹp của âm nhạc, và những ca khúc được chọn cũng mang âm hưởng của miền Bắc nhiều hơn (được xem là năm của những ca khúc phong cách dân gian đương đại, với hai đại diện: Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến), thì sang 2006, Bài hát Việt đã tiến gần hơn với người nghe, khi giới thiệu đa dạng những phong cách: dance, rock, elictronic, R&B… Sự trẻ trung, gần gũi và nhất là sự hòa hợp dần giữa đánh giá của hội đồng nghệ thuật và cảm nhận của khán giả đã được thể hiện trong năm này, nổi bật ở Chuông gió (Võ Thiện Thanh). Đây cũng là năm Bài hát Việt có nhiều ca khúc bước ra khỏi sân chơi: Giọt sương và chiếc lá, Bà tôi, Thềm nhà có hoa, Đám cưới chuột, Chỉ một mình anh…

Đến năm 2007, Bài hát Việt thực sự “gầy dựng” được đội ngũ sáng tác trẻ, đầy năng lực, đó cũng là những tác giả xuất hiện khá đều trong các live show hằng tháng, với những: Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng, Lưu Hà An, Thanh Tâm, Nguyễn Xinh Xô, Bảo Lan, Nguyễn Hải Phong… Tuy nhiên, trong tháng 12.2007, lần đầu tiên Bài hát Việt không chọn được ca khúc của tháng.

Và khi số đầu tiên năm 2008 chỉ còn 7 ca khúc mới biểu diễn thay vì 11 bài, người ta không khỏi nghi ngờ về sự cạn nguồn, thiếu hụt của Bài hát Việt. Đến tháng 7.2009, một lần nữa giải bài hát của tháng đã không tìm được chủ nhân…

Điểm lại loạt ca khúc đoạt giải trong năm 2009 (Đồng hồ treo tường, Một ngày mới, Phố thị, Gánh hàng hoa, Guốc mộc, Trả lại cho tôi, Bâng khuâng…), từ giải của hội đồng nghệ thuật đến khán giả, dễ thấy có sự khá đều tay về chất lượng. Tuy nhiên, chính sự đồng đều này lại tạo cho người nghe cảm nhận: không có nhiều đột phá, bất ngờ.

“Vì ca khúc nào cũng được cho là dễ nghe, đều có những điểm đặc sắc riêng, nhưng lại không nổi bật thực sự, nên người trong cuộc hẳn sẽ khó phân định và chọn lựa”, nhạc sĩ Thanh Tâm bày tỏ. Thế nên, khi quyết định kéo dài thêm thời gian chuẩn bị cho mỗi số, có lẽ điều mà BTC mong muốn không gì khác ngoài việc tăng thêm thời gian đầu tư, để mỗi tác phẩm được chọn phải được “chăm sóc” kỹ càng nhất, ngay từ khâu sáng tác – ý tưởng đến hòa âm phối khí, chọn người thể hiện…

Tối qua, 24.1, tại Cung Văn hóa hữu nghị (Hà Nội) đã diễn ra lễ trao giải Bài hát Việt 2009. Kết quả:

Bài hát của năm:
Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô)
Bài hát phong cách dân gian đương đại nổi bật:
Guốc mộc (Lưu Thiên Hương)
Bài hát phong cách pop đương đại nổi bật: Một ngày mới (Thanh Tâm)
Bài hát phong cách rock đương đại nổi bật: Trả lại cho tôi (Tina Tình)
Bài hát phong cách thính phòng nổi bật: Bâng khuâng (Sơn Thạch – Mai Lâm)
Giải nhạc sĩ phối khí hiệu quả: Thanh Tâm
Nhạc sĩ ấn tượng: Thanh Bình
Giải đồng hành (do khán giả bình chọn): Bài hát được yêu thích nhất: Bát cơm mẹ (Huy Trực); Ca sĩ được yêu thích nhất: Đinh Mạnh Ninh

Nguyên Vân (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)