Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài học cho bạn, cho tôi, cho mọi người…

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ học của học sinh tiểu học

Vụ việc một cô giáo ở Quảng Bình phạt HS vi phạm nội quy bằng cách bắt các thành viên trong lớp tát bạn mình đã và đang gây xôn xao dư luận xã hội. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng không chấp nhận kiểu phạt phản sư phạm này… Từ chuyện bắt HS uống nước giẻ lau bảng, đến chuyện bắt HS tát bạn mình là cả một chuỗi dài những bài học đau xót của nghề dạy học!

Tôi tự hỏi cách đây chừng 20 năm, có những vụ việc như vậy xảy ra không? Hay thời điểm đó chưa có mạng internet, mạng xã hội nên không truyền nhanh được? Nhưng theo tôi được biết, thì ở thời điểm hơn vài chục năm về trước, những vụ bạo hành này ít xảy ra!

Trở lại câu chuyện HS thường vi phạm nội quy (nói chung là HS chưa ngoan) và cách xử lý của GV, tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân mà tôi xin được nêu ra để chúng ta cùng suy ngẫm:

Một là về phía gia đình: Có thể do công việc làm ăn, buôn bán nên nhiều gia đình ít có điều kiện, thời gian để dạy con, uốn nắn cho con. Gia đình là cái nôi đầu tiên hình thành nên nhân cách con người. Nhiều bậc phụ huynh chửi thề, văng tục khi gặp một tình huống nào đó trong cuộc sống. “Rau nào sâu nấy” hoặc “Cha nào con nấy” là vậy. Thành ra, các em thường xuyên nghe, tiếp xúc nên bị lây nhiễm thói xấu mà lẽ ra người lớn phải làm gương cho con trẻ! Bản thân tôi từng chứng kiến một đứa bé lên ba, lên bốn; khi lặp lại câu chửi thề của người cha thì cả cha và mẹ đều vỗ tay tán thưởng!

Hai là về phía HS: Như trên đã nói, có những HS “lỳ đòn”, hầu như không sợ ai, kể cả cha mẹ, thầy cô… Những HS này luôn vi phạm nội quy, khiến GV chủ nhiệm nhiều phen khốn khổ (gặp riêng phụ huynh, gặp riêng HS, nhờ GV bộ môn dạy lớp tiếp giúp, bị nhà trường nhắc nhở vì lớp có HS vi phạm…). GV hết dùng biện pháp mạnh như nêu tên trong giờ chủ nhiệm, viết bản kiểm điểm, cam kết đến dùng lời ngon ngọt, dạy dỗ mà có em vẫn trơ trơ! Tôi biết nhiều GV chủ nhiệm đã phát khóc khi gặp những HS như thế này!

Ba là về phía GV chủ nhiệm: Áp lực thi đua đã tạo nên gánh nặng vô cùng, nếu không có thần kinh tốt thì khó vượt qua và dẫn tới những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo! Tôi từng nghe câu chuyện một người thầy kể lại, có một HS lớp 10 cãi tay đôi với thầy với thái độ vô lễ… Thầy rất chịu đựng đến căng thẳng, thầy nói “nếu em đó nói thêm một câu nữa thì sẽ cho nó một bạt tai rồi ra sao thì ra”! Nhưng cuối cùng thầy vẫn chiến thắng bản thân mình, vượt qua chính mình để tiếp tục công việc “trồng người”.

Nhiều GV còn tỏ ra quá nóng vội, cứ quan niệm “phạt nặng” thì HS sẽ ngoan ngay tức thời! “Dạy” với “dỗ” phải song hành với nhau và đây là một quá trình dài, không hề đơn giản. GV nào mà không muốn HS luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ? Nhưng muốn được như vậy là cả một nghệ thuật thu phục nhân tâm HS bằng tình thương, bằng sự bao dung, độ lượng; biết kiềm chế; làm chủ, lèo lái những cảm xúc tiêu cực bộc phát ra hướng khác để sự việc đáng tiếc không xảy ra…

GV hàng ngày phải tiếp xúc với HS, có em này em khác không phải giống nhau như từ một khuôn đúc ra. Có em ngoan khiến lòng mình vui, gặp em chưa ngoan khiến lòng mình buồn; đó là chuyện bình thường khi chấp nhận vào nghề dạy học!

Bốn là về phía nhà trường: Ban giám hiệu, công đoàn cơ sở phải sâu sát, thông qua tổ trưởng khối, bộ môn để nắm chắc tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của mỗi GV, nhân viên… Nếu GV nào vừa có xung đột trong gia đình hoặc chuyện không vui trong cuộc sống nhưng có giờ dạy, thì tìm cách gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ để họ có dịp “xả trét” cho nhẹ người và HS sẽ không bị ảnh hưởng bởi “hoàn lưu bão”!

Nhà trường luôn kịp thời tìm hiểu từng thành viên để có hướng giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần. Trong câu chuyện trên, nếu nhà trường nắm được, tổ chuyên môn nắm được vụ việc trước đó thì sẽ có sự góp ý, trao đổi cách giải quyết ổn thỏa nhưng để một khi vụ việc sa vào trầm trọng rồi mới biết thì đã muộn rồi!

Năm là về phía xã hội: Ảnh hưởng của kinh tế thị trường đã tác động rất sâu sắc đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong đó có ngành giáo dục. Vị thế của người thầy không còn “danh giá” như trước mà có vẻ bị xã hội xem thường; đánh đồng với các ngành nghề khác!

Có khi cha mẹ, phụ huynh còn gọi xách mé thầy cô “ông này ông kia; bà này bà kia” thậm chí còn gọi “thằng này thằng kia, con này con kia” để ám chỉ thầy cô giáo! Đó là sự thật trong xã hội hiện nay khi người thầy bị áp lực bủa vây bốn phía; lắm khi không dám la rầy khi HS vi phạm và phải “đi cúi tai, về gài trốc” (nghĩa là không cần quan tâm đến xung quanh để cho nó lành!).

Sửa một cái máy, có khi thay ốc vít, linh kiện trong một buổi là nó hoạt động trở lại bình thường. Nhưng sửa một con người, từ chưa ngoan trở thành ngoan vô cùng khó, vô cùng khó và vô cùng khó! Nếu dùng cái tát để HS chừa nói tục thì cần gì những môn học như văn, như giáo dục công dân…; cần gì tình thương, cần gì “trường học thân thiện” mà chỉ cần tập hợp lại, tát một hơi là ngoan tức thời!

Bài học về cách xử lý HS vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là bài học cho bạn, cho tôi và cho cả mọi người còn đứng trên bục giảng.

Làm người thầy bây giờ khó lắm thay!

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)