Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bài học đắt giá!

Tạp Chí Giáo Dục

Hai bị cáo Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại phiên tòa xét xử
Sáng 20-1, vụ án “bảo mẫu” hành hạ trẻ mầm non (MN) ở cơ sở Phương Anh được đưa ra xét xử lưu động tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, TP.HCM. Hai “bảo mẫu” bị xét xử là Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở MN Phương Anh, quận Thủ Đức) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê Kiên Giang).
Hành động “phi” giáo dục
8 giờ, phiên tòa xét xử về vụ hành hạ trẻ tại cơ sở Phương Anh bắt đầu. Nhưng ngay từ 7 giờ sáng, hội trường xét xử đã đông nghịt người, gương mặt hoảng hốt khi Phương và Lý thấy có cả ngàn người dân đến tham dự phiên tòa. 
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thủ Đức, ngày 13-11-2013, Công an phường Hiệp Bình Phước nhận được đoạn clip từ người dân quay lại cảnh Phương và Lý hành hạ dã man trẻ em tại cơ sở Phương Anh. Ngay trong ngày, Công an phường lập biên bản xử lý vụ việc và mời các đương sự về phường lấy lời khai. Qua điều tra cho thấy, khoảng tháng 9-2012, Phương thuê ngôi nhà nói trên để nhận giữ trẻ từ 1-4 tuổi nhưng không có giấy phép kinh doanh. Thời gian đầu, Phương tự giữ và chăm sóc các bé. Đến tháng 9-2013, Phương thuê Lý (là cháu chồng của mình) phụ việc. Tính đến tháng 12-2013, cơ sở Phương Anh có 19 bé. 4 bé bị Phương và Lý đánh đập khi cho ăn được xác định là: Trình Thụy Lâm (SN 2012), Nguyễn Trần Hòa (SN 2011), Lê Tuấn Khang (SN 2012) và Bùi Ngọc Châu (SN 2011). Từ ngày 6 đến 12-12-2013, thấy bé Khang lười ăn, Lý đã ấn đầu bé kẹp giữa hai chân mình, và dùng tay đánh mạnh vào lưng Khang nhiều cái. Lần tiếp theo Lý dùng tay bẻ đầu và đánh lên vai bé. Đối với bé Hòa, Lý ẵm cháu kê đầu vào thùng nước 20 lít để hăm dọa. Khi Phương cho bé Hòa ăn đã dùng tay tát nhiều cái vào mặt và giữ lấy vai bé lắc mạnh nhiều lần. Đặc biệt, trong hai ngày 10 và 11-12-2013, khi cho bé Thụy Lâm (10 tháng tuổi) ăn, Phương đã kẹp hai chân bé, bóp họng đè ngửa ra để đổ sữa vào miệng. Chiều ngày 17-12-2013, Công an quận Thủ Đức TP.HCM quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng đối với “bảo mẫu” Phương và Lý về hành vi hành hạ người khác.
Ở phần tranh luận, phát biểu quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát cho hay, thời gian gần đây có nhiều vụ hành hạ trẻ em xảy ra, đây là một trong những vụ án điển hình nên cần thiết phải xét xử nghiêm minh để răn đe. Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa tại sao lại có những hành động như vậy, Phương khóc và nói: “Tôi rất buồn, bản thân bị cáo rất thương các bé nhưng do nóng giận nhất thời mới có hành động hành hạ trẻ”. Trong khi Lý cho biết vì không kiềm chế được nóng giận khi bé không chịu ăn, nên mới có hành động sai trái.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Các bị cáo Phương và Lý là những người có trình độ, biết rõ quyền và lợi ích được hưởng của trẻ em. Đáng lẽ các bị cáo phải dạy dỗ, yêu thương trẻ, nhưng chỉ vì khó khăn mà các bị cáo đã hành hạ dã man cả thể xác và tinh thần các cháu. Hành vi của các bị cáo là có ý thỏa mãn sự bực tức, nóng nảy. Nghiêm trọng hơn, các bị cáo thực hiện hành vi này với nhiều trẻ em. Là người chăm sóc các cháu nhưng các bị cáo lại trực tiếp hành hạ các cháu, vì vậy cần phải xử nghiêm… Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Phương và Lý cùng mức án 2-3 năm tù về tội “hành hạ người khác” và liên đới bồi thường cho 4 bé theo quy định của pháp luật.
Đại diện cho bị hại là mẹ cháu Trần Hòa nói rõ: Tôi gửi con vào cơ sở Phương Anh từ tháng 12-2012. Trước đây cháu khỏe mạnh nhưng từ khi đi trẻ thường bị bệnh tiêu hóa, ăn hay ói. Mỗi khi đến đón, mẹ muốn nói chuyện thêm với cô một chút nhưng bé khóc đòi về ngay. Về nhà, bé sợ không muốn đi học. Mẹ bé Trần Hòa đề nghị tòa xử đúng theo pháp luật. Yêu cầu hoàn trả tiền học phí 10 tháng là 15 triệu đồng. Đưa bé đi khám bác sĩ tâm lý cho thấy, bé bị ảnh hưởng nên mẹ bé yêu cầu bồi thường 45 triệu đồng gồm tổn thất tinh thần và thiệt hại về sức khỏe.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên Phương và Lý mỗi người 3 năm tù về tội hành hạ người khác. Phương có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bé Lê Tuấn Khang,  Nguyễn Trần Hòa 20 triệu đồng mỗi gia đình.
Đừng “đóng cửa” ước mơ của mình
Được nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo Phương nức nở: “Bị cáo ăn năn hối hận về việc làm của bị cáo. Cũng vì sự cầu toàn, nóng nảy mà bị cáo đã đánh mất toàn bộ ước mơ cuộc đời của mình. Bị cáo cũng xin lỗi gia đình vì thời gian qua chịu nhiều điều tiếng, xin lỗi thầy cô và bị cáo mong hội đồng tuyên phạt bị cáo mức án thấp nhất để sớm về phụng dưỡng cha mẹ già, cùng chồng nuôi dạy con cái nên người”.
Có thể nói, vụ án hai “bảo mẫu” Phương và Lý từ khi bị bắt đến khi được đưa ra xét xử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bởi đây sẽ là vụ án điểm, là nỗi đau của ngành GD-ĐT TP. Như Chủ tọa, thẩm phán Vũ Tất Trình nhấn mạnh: “Thời gian ngắn vừa qua, tại địa bàn quận Thủ Đức và TP.HCM liên tục xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em, có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng là làm chết trẻ. Nguyên nhân chủ quan cũng có và khách quan cũng có, nhưng với những người đang làm nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí lại không có tâm trong sáng, đặc biệt, không có tình thương với trẻ thì đó chỉ là những người “phi” giáo dục, chính họ đang làm hoen ố nghề “trồng người”. Những sự việc đáng tiếc đã xảy ra, những người gây hậu quả nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần của trẻ sẽ bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Án đã tuyên nhưng đây quả thực là nỗi đau của những người làm công tác GD-ĐT chân chính.
Theo dõi toàn bộ phiên xét xử, người viết và rất đông người dân “bình tĩnh” có sự cảm thông cho hai bị cáo bởi “đọng” lại cho người nghe suy nghĩ: “Bị cáo (Phương) đã làm những việc không đúng với lương tâm của mình, từ đó đã tự tay đánh mất ước mơ lớn nhất cuộc đời bị cáo”. Phương rất nhiều lần khẳng định tại phiên tòa: Ước mơ của Phương là có một trường MN của riêng mình. Gây hậu quả và ăn năn hối cải, tuy có muộn nhưng có lẽ ước mơ đó của Phương là có thật! Án đã tuyên, ước mơ đã tắt, nhưng với sự khoan hồng của pháp luật nếu các bị cáo cải tạo tốt, biết hướng tới tương lai để làm lại, sống tốt, sống có trách nhiệm với gia đình, bản thân là các bị cáo cũng đã phần nào thực hiện được ước mơ dang dở của mình.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
 
Nguyễn Lê Thiên Lý hối hận: “Bị cáo hồi nhỏ ham chơi. Khi gia đình kêu học ngành này bị cáo không thích. Thời gian qua nằm trong trại giam bị cáo rất hối hận, suy nghĩ rất nhiều về hành vi của mình nên bị cáo mong được tuyên phạt với mức án thấp nhất để sớm về báo hiếu cha mẹ”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)