Tôi đã có hơn 35 năm trong nghề dạy học, hàng ngày được tiếp xúc, trò chuyện với học sinh, tôi thấy các em – ngoài việc học hành, vui chơi – còn có sự quan tâm đến thời cuộc theo cách của mình. Nếu nói giới trẻ, nhất là lứa tuổi trung học, không quan tâm nhiều đến thời cuộc là không chính xác, là chưa hiểu các em. Bên trong màu áo trắng là những suy nghĩ, trăn trở của các em về các vấn đề xã hội đã và đang xảy ra.
Tôi nhớ ngày ấy, khi ra đề bài làm văn: “Phân tích nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của tác giả Ngô Tất Tố”; sau khi phân tích, nhận xét, bài làm của một em đã kết luận: “Nói tóm lại, người nông dân từ ngày xưa cho đến ngày nay lúc nào cũng cực khổ trăm bề…”. Tôi khoanh tròn câu này bằng mực đỏ, hết giờ gặp riêng em và hỏi sao em lại viết sai như thế? Tôi giải thích ngày nay đã khác xưa nhưng em không chịu và một mực cho rằng kết luận của em là… đúng! Em còn dẫn chứng người nông dân bây giờ phải “tự bơi” là chính, không có ai tích cực hỗ trợ, quan tâm. Tất cả mọi sinh hoạt, công việc trong nhà đều trông chờ vào hạt lúa mà điệp khúc “trúng mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại hoài. Gia đình em ở vùng nông thôn nên em biết, người nông dân bây giờ vẫn còn khổ nhiều lắm thầy ạ!
Cũng có nhiều em hỏi những câu mà tôi nhiều lúc cũng khó giải thích như: “tham nhũng nhiều mà sao không giảm?”… Nhờ thông tin mạng, báo chí phát triển, các em còn lưu tâm đến những tấm gương tốt, những việc làm tốt như thùng bánh mì từ thiện ở TP.HCM, sau đó lan tỏa tới các địa phương khác. Hoặc câu chuyện người bán ve chai trả lại vàng cho người bị mất… Tất cả những điều mắt thấy tai nghe ấy phần nào đã góp phần tạo nên những tính cách, những bài học thiết thực cho các em; vun bồi đức tính tốt cho các em.
Những câu chuyện tốt, người thực việc thực đã lay động, tác động lớn đến tâm hồn, suy nghĩ của các em. Đó là những bài học sinh động nhất, bổ ích nhất mà nhiều khi các bài học trong sách giáo khoa không có được, không làm được…
Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên
Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Bình luận (0)