- 1 Bài học lớn dành cho học sinh về lòng tri ân
Ngày 30-4-1975 là một cột mốc lịch sử không thể nào quên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó là ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chấm dứt những năm tháng chiến tranh đau thương, mất mát…

Năm 2025, chúng ta kỷ niệm 50 năm sự kiện trọng đại này – một dịp để nhìn lại quá khứ, tri ân những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, và đặc biệt là để thế hệ trẻ, nhất là học sinh, rút ra những bài học quý giá về lòng biết ơn. Với các em học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước – việc hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập không chỉ là trách nhiệm mà còn là kim chỉ nam để sống và cống hiến.
Ý nghĩa lịch sử của ngày 30-4-1975
Sau hơn 20 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng vô vàn mất mát. Hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống, gia đình ly tán, làng mạc bị tàn phá. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí bất khuất và khát vọng tự do của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với sự kiện xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4, đã đánh dấu thắng lợi cuối cùng, đưa đất nước bước sang một trang sử mới – trang sử của hòa bình và thống nhất. Đối với học sinh, những hình ảnh về chiến tranh có thể chỉ được biết đến qua sách vở, phim ảnh hay lời kể của ông bà, cha mẹ. Nhưng đằng sau mỗi câu chuyện ấy là máu, nước mắt và sự hy sinh không thể đong đếm. Chính những con người bình dị – từ các anh hùng liệt sĩ, những người lính trẻ, đến những bà mẹ, người dân hậu phương – đã làm nên chiến thắng vĩ đại ấy. Lòng tri ân, vì thế, không chỉ là sự biết ơn suông mà là sự thấu hiểu sâu sắc về giá trị của những gì chúng ta đang có hôm nay. Trong chương trình phổ thông, học sinh đã có nhiều dịp học về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung và chiến thắng lịch sử ngày 30-4 nói riêng, trong môn lịch sử, ngữ văn… Từ đầu năm 2025 đến nay, nhất là trong dịp cao điểm tháng 3, 4-2025, truyền thông đã thể hiện đậm nét về sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nêu bật ý nghĩa của sự kiện này, qua đó ít nhiều “thấm đến” giới trẻ, trong đó có học sinh.
Lòng tri ân – giá trị cốt lõi của con người Việt Nam
Trong văn hóa Việt Nam, lòng biết ơn luôn là một phẩm chất cao quý. Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để học sinh nhận thức rõ hơn về điều này. Các em cần hiểu rằng, hòa bình mà chúng ta đang thụ hưởng không phải là điều hiển nhiên mà là kết quả của sự đánh đổi bằng cả mạng sống của hàng triệu con người.
Lòng tri ân không chỉ dừng lại ở việc nhớ về quá khứ mà còn phải thể hiện qua hành động cụ thể. Đối với học sinh, đó có thể là việc chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi giờ học trên lớp, mỗi lần tham gia các hoạt động cộng đồng, hay đơn giản là giữ gìn môi trường sống sạch đẹp đều là cách để các em bày tỏ lòng biết ơn với những người đã hy sinh vì đất nước. Hơn nữa, lòng tri ân còn là động lực để thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu, xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu mạnh, như mong muốn của các thế hệ cha ông.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng đủ đầy, đôi khi thế hệ trẻ có xu hướng quên đi giá trị của hòa bình và độc lập. Những cám dỗ từ vật chất, công nghệ có thể khiến các em dần xa rời những bài học lịch sử và ý nghĩa của lòng biết ơn. Vì vậy, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để giáo dục các em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa, trân trọng nguồn cội. Ngoài ra, lòng tri ân không chỉ hướng về quá khứ mà còn phải hướng tới hiện tại và tương lai. Học sinh có thể thể hiện lòng biết ơn bằng cách trân trọng những người xung quanh – từ cha mẹ, thầy cô, đến những người lao động thầm lặng đang góp phần xây dựng xã hội. Một hành động nhỏ như giúp đỡ bạn bè, tham gia công việc thiện nguyện, hay bảo vệ môi trường cũng là cách để các em nối dài tinh thần cống hiến của thế hệ cha ông. Thầy cô giáo, gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải bài học này. Các buổi ngoại khóa, tham quan di tích lịch sử như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, hay các bảo tàng chiến tranh là cơ hội để học sinh tận mắt chứng kiến và cảm nhận sâu sắc hơn về quá khứ. Bên cạnh đó, những câu chuyện kể từ ông bà, cha mẹ về những ngày tháng khó khăn trong chiến tranh cũng là nguồn cảm hứng để các em hiểu rằng, mỗi phút giây yên bình hôm nay đều đáng quý biết bao.
Bài học về trách nhiệm
Một trong những cách hiệu quả để học sinh thấm nhuần lòng tri ân là học hỏi từ những tấm gương hy sinh trong lịch sử. Những cái tên như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, hay mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc… không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước mà còn là minh chứng cho tinh thần sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Các anh hùng liệt sĩ ấy, dù tuổi đời còn rất trẻ – không khác bao nhiêu so với học sinh ngày nay – đã chọn con đường đầy gian khó để bảo vệ đất nước.
Học sinh có thể tự hỏi: “Nếu mình sống trong hoàn cảnh ấy, mình sẽ làm gì?”. Câu hỏi này không nhằm để so sánh hay phán xét, mà để khơi dậy sự trân trọng và ý thức trách nhiệm. Các bài học lịch sử không chỉ là những con số, sự kiện khô khan, mà là câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tình yêu quê hương đất nước. Từ đó, các em sẽ nhận ra rằng, dù không phải sống trong thời chiến, mỗi người trẻ hôm nay vẫn có vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị mà các thế hệ trước để lại. Hòa bình, độc lập, tự do không chỉ là món quà mà thế hệ trước trao lại mà còn là trách nhiệm mà thế hệ trẻ phải gìn giữ. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều thách thức như xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội…, học sinh cần ý thức rằng mình là một phần của cộng đồng quốc tế. Lòng tri ân không chỉ giới hạn trong phạm vi đất nước mà còn mở rộng ra sự tôn trọng và hợp tác với các dân tộc khác trên thế giới.
Học sinh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ để trở thành những công dân toàn cầu, đồng thời giữ vững bản sắc dân tộc. Việc học tập tốt, rèn luyện phẩm chất đạo đức và tích cực tham gia các hoạt động xã hội là cách để các em góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước.
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để mỗi học sinh nhìn lại lịch sử, thấm thía giá trị của hòa bình và rút ra bài học lớn về lòng tri ân. Đó là bài học về sự biết ơn, về trách nhiệm và về ý chí vươn lên để không phụ lòng những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Hãy để lòng tri ân trở thành ngọn lửa soi đường cho các em trên hành trình trưởng thành, để từ đó xây dựng một Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp, như ước mơ của các anh hùng liệt sĩ.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)