Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bài học lớn từ Lễ đài Độc lập

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi bước đi của lịch sử được tính bằng thế kỷ. Hơn hai thế kỷ của nhà Lý, gần hai thế kỷ của nhà Trần. Rồi gần bốn thế kỷ nhà Lê, hai thế kỷ rưỡi nhà Trịnh, ba thế kỷ rưỡi nhà Nguyễn… Lịch sử dài dằng dặc, đúng là có thể lấy trăm năm để đếm các sự kiện lớn, mà một em học sinh phổ thông cũng có thể kể ra được.

Bài học lớn từ Lễ đài Độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945

Vậy mà từ Cách Mạng Mùa Thu, chỉ mới mấy chục năm, sao có nhiều sự kiện động trời đến vậy. Ngỡ như lịch sử đã dồn nén, đã thăng hoa, đã cương quyết cắt bỏ cái dáng đi Trung cổ thiu thiu đủng đỉnh mà bắt vào nhịp quân hành mạnh mẽ, gấp gáp của thời Cách mạng.
Bắt đầu bằng cuộc nổi dậy Tháng Tám, giành chính quyền nhanh như bão lốc. Trên quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn  Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thực chất đã trở thành một nước tự do độc lập”.  Một dân tộc nô lệ đã thành người tự do, tuyên bố tự làm chủ vận mệnh của mình. Đó là điều nổi bật nhất, khác biệt nhất, dễ nhận thấy nhất ở Cách mạng so với các cuộc đổi thay nhiều trăm năm trướcđó. Từ đó, chúng ta đã đi qua hai, rồi ba, bốn cuộc chiến tranh, tự mổ xẻ, chấn chỉnh hai, rồi ba, bốn lần để có ngày hôm nay. Sự hy sinh vô bờ bến, vết thương không biết bao giờ mới lành?

Đại hội Đẳng lần thứ 11 đã khẳng định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới, một mục tiêu tuyệt vời nếu đạt được là: “… đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Điều ấy tưởng như đơn giản. Nhưng không đơn giản chút nào. Một câu một chữ là một thử thách. Nhất là trong bối cảnh hôm nay.
Thành tựu của Cách mạng là vô cùng vĩ đại. Không ai có đủ thời gian, giấy bút để liệt kê những thành tựu ở khắp các mặt trận, các địa phương, các lĩnh vực. Nhưng hôm nay, chúng ta cũng nhìn nhận ra và đầy âu lo trước những thực tế mà chúng ta không thể giấu giếm: đói nghèo, lạc hậu, cơ cực, tha hóa, bất công… tràn ngập phố phường, làng mạc, công sở, đường sá! Nhân dân vốn thuộc về Cách mạng, sẵn lòng tin Cách mạng, nhưng trước những thực trạng như thế, lòng tin đang bị xói mòn, bị lung lay. Cách mạng đã thu được những thành quả vĩ đại, nhưng đáng ra thành quả đã vĩ đại hơn rất nhiều, nếu như chúng ta thực sự biết tự nhận thức, tựgọt rũa, làm đúng những gì cần phải làm cho câu khẩu hiệu vĩ đại từ thời Cách mạng vĩ đại ban đầu: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!
Liệu trong 5 năm, chúng ta có khắc phục được những dịch bệnh trầm kha, những dịch bệnh có thể làm tiêu tan mọi thành quả của bao nhiêu năm gây dựng, để đạt tới mục tiêu trên?
Tôi nhớ về ngày Độc lập. Từ trên đài cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Đồng bào có nghe tôi nói không?” Hàng vạn con người nhất loạt trả lời: “Có!”. Như vậy gọi là “nhất hô bách ứng”. Trên dưới một lòng, muôn ngườinhư một. Lãnh tụ tin nhân dân, nhân dân tin yêu quy  tụ quanh Lãnh tụ. Sức dân như nước, khi đã kết lại thì xá chi cản trở,  thì có việc chi không thành?
Đó là bài học đầu tiên, bài học căn bản của Cách mạng, thấm nhuần ngay trong ngày Độc lập. Giá như ở nơi ấy, có một Đài Độc lập, tái hiện lại tất cả những gì của ngày ấy. Để ngày ngày ta nhìn lên, nhớ lại bài học xưa.
Nhưng để dân mình một lần nữa trong thời đại này, thấm nhuần bài học ấy thì làm sao đây? Chủ trương, chính sách? Ngườilãnh đạo? Cán bộ thừa hành? 
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Câu khẩu hiệu ngỡ là đơn giản, nhưng vẫn còn ở phía trước. Ngày khẩu hiệu này thành hiện thực, đó là ngày thắng lợi mỹ mãn của Cách mạng. Khi ấy, bầu trời xanh trên đầu ta nhất định sẽ xanh bất tận, xanh tận trong lòng người.
Tôi có cảm giác cứ mùa thu đón ngày Độc lập, đất trời giao cảm, lòng người lắm suy tư mà hy vọng cũng nhiều.
Theo Phương Đông
(CôngThương)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)