Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, cái tên Đoàn Tử Quang (1818-1928) được cho là đặc biệt nhất, thú vị nhất. Các chuyện cụ thể về ông lão 82 tuổi vẫn còn đi thi và đỗ cử nhân đã được nhiều tài liệu ghi lại, kể cả chính người trong cuộc chép. Có thể tóm tắt mấy điểm chính sau:
Đoàn Tử Quang quê ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mẹ ông góa chồng từ năm 17 tuổi và thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Mãi tới năm 49 tuổi, ông mới lần đầu thi đỗ tú tài và đỗ tú tài lần thứ hai khi đã 66 tuổi. Trước khi đỗ cử nhân ở tuổi 82, Đoàn Tử Quang đã có đến 21 lần lều chõng. Ở lần thi cuối cùng vào khoa thi năm Canh Tý (1900), vợ ông vừa mới mất nên ông không muốn đi thi, còn các con ông thì đang có tang nên không được thi. Do làng ông không có thí sinh nào nên các chức sắc trong làng đã động viên ông tham gia, nhưng Đoàn Tử Quang mải từ chối; cuối cùng, nhờ mẹ ông lúc này đã 98 tuổi khích lệ nên ông mới đi thi “để cho mẹ yên lòng”… Lần đó, lý ra ông đỗ á khoa (thủ khoa là cụ Phan Bội Châu) nhưng do phạm quy, ông bị đánh trượt. Sau quan chánh chủ khảo đã làm tờ tấu gửi về triều xin đặc cách cho ông đỗ nên chỉ được xếp hạng 29/30.
Cụ Đoàn Tử Quang đi thi 21 lần, năm 82 tuổi mới đỗ cử nhân (nguồn: internet)
Bấy giờ, theo quy định, các quan viên tới tuổi 65 sẽ về hưu. Song khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của Đoàn Tử Quang nên triều đình đặc cách bổ dụng ông làm quan. Từ năm 1901-1903, ông được cử làm huấn đạo Hương Sơn, rồi huấn đạo Can Lộc, là người phụ trách công tác giáo dục của các địa phương này. Đến tuổi 85, Đoàn Tử Quang xin về trí sĩ sau 3 năm làm quan để phụng dưỡng mẹ già khi ấy đã trên 100 tuổi. Năm ông 106 tuổi, triều đình đã phong Đoàn Tử Quang chức hàn lâm viện thị độc. Ông sống đến 110 tuổi và trải qua đủ 13 đời vua của triều Nguyễn, tuy không được chép lại nhiều về công trạng đối với quê hương, đất nước, nhưng tấm gương kiên trì và hiếu học của ông đáng để tất cả chúng ta khâm phục và noi theo.
Ngày xưa, việc học tập và thi cử nặng về sách vở, từ chương, thường lấy việc tầm chương trích cú để đánh giá năng lực, chứ ít gắn với kiến thức và các kỹ năng thực tế; đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhất là quy định về kỵ húy và các thủ tục. Nên người học giỏi nhưng không theo sát sách vở, không nắm bắt hết các quy định có thể khó đỗ đạt. Bởi vậy, nhiều người đúc kết là “học tài thi phận”. Việc Đoàn Tử Quang biết “phận” như vậy mà vẫn đi thi đến 21 lần cho thấy sự kiên trì, bền bỉ đáng khâm phục của ông. Hẳn mong muốn thi đỗ của ông có nhiều lý do, như để làm vui lòng người mẹ đã tảo tần nuôi ông, để có công danh với đời, để có thể đóng góp xây dựng đất nước, để làm gương cho con cháu, để làm rạng rỡ tổ tông và làng xã… Dù lý do gì, sự kiên trì suốt hơn nửa thế kỷ lều chỏng là thật sự phi thường, là một gương sáng cho muôn đời sau.
Ảnh tư liệu về khoa thi Canh Tý (1900) tại trường thi Nam Định (nguồn: internet)
Ngày nay, điều kiện học tập và thi cử so với thời phong kiến đã hoàn toàn khác và rất thuận lợi. Dù còn phải tiếp tục cải tiến, đổi mới, nhưng nền giáo dục mới của nước ta đã theo hướng lấy người học làm trung tâm, thực học gắn với thực nghiệp, học văn hóa gắn với học kỹ năng, về cơ bản đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của người học, có nhiều cách thức đề cao năng lực tư duy thay vì ràng buộc quá nhiều vào khuôn phép. Bên cạnh đó, điều kiện xã hội ngày càng phát triển, việc tham gia học tập của mọi người cơ bản là thuận lợi, có thể học trên trường lớp hoặc tự học, có thể học qua sách vở hoặc học bằng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, có thể học liên tục từ nhỏ hoặc vừa học vừa làm, tuổi nào cũng có thể học tập. Chủ trương học suốt đời được Đảng và Nhà nước ta khởi xướng và có nhiều hình thức động viên, khích lệ mọi người tham gia; những trường hợp khó khăn được chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, nhất là qua các hoạt động khuyến học. Có lẽ vì vậy, năm nào cũng có những thí sinh cao tuổi (nhiều người đã trên 60 tuổi) tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, để vừa lấy bằng tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào đại học. Hay không hiếm những trường hợp người ngoài 60-70 tuổi vẫn theo học và tốt nghiệp đại học, cao học, không chỉ để bổ túc kiến thức cho bản thân hay hoàn thành tâm nguyện khi thời trẻ chưa thực hiện được mà còn làm gương cho con cháu tinh thần hiếu học. Hay trong việc tự học, hiện có không ít người 70-80 tuổi vẫn tích cực học cách sử dụng máy tính, cách lên mạng internet, cách sử dụng mạng xã hội, thậm chí còn thành thạo hơn một số người trẻ tuổi… Nhiều người tự học theo các bài trên internet, mạng xã hội để phục vụ sản xuất và đời sống cũng như trong chăm sóc sức khỏe bản thân và người thân. Những điều đó đáng để người trẻ học tập.
Câu chuyện của lão thí sinh Đoàn Tử Quang và những người cao tuổi hiếu học thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng cho mọi người, và để lại nhiều bài học quý cho mọi người, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay việc học ngày càng được đề cao. Đó là sự học của một quá trình chứ không phải chỉ có giai đoạn; ai, lúc nào, ở đâu, hoàn cảnh nào cũng có thể học, không chỉ để không bị “thoái bộ” (chữ hay dùng của Bác Hồ) mà còn để nâng mình lên, cho phù hợp và thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sống. Đó là sự học không bao giờ có tuổi, nên tuổi nào cũng có thể học; càng kiên trì thì kết quả đạt càng cao; vì vậy, phải tránh tâm lý một số người tự cho mình “có tuổi” rồi thì không cần học, sẽ dễ lạc hậu. Đó là học phải gắn với hành, học lấy kiến thức để làm việc, để giúp ích người khác, để đóng góp cho xã hội; học không chỉ chú trọng lấy bằng cấp mà phải thực sự quan tâm đến vấn đề thực học và thực nghiệp. Đó là quan tâm tính lan tỏa, thuyết phục của sự học, vì học không đơn thuần là cho bản thân người học mà còn cho nhiều người khác; bên cạnh làm gương còn là sự động viên, khích lệ cho nhiều người xung quanh, nhất là trong gia đình, họ hàng. Đó là xã hội thời nào cũng đề cao tính cộng đồng của sự học; mỗi người đi học thường có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, động viên của nhiều người khác; chẳng hạn hiện nay mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”… là thể hiện sự tác động qua lại, giúp đỡ lẫn nhau trong các nhóm cộng đồng để việc học của từng cá nhân đạt được kết quả tốt nhất.
Ngày 20-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 281/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Đến nay, phong trào thi đua xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học” đã chuyển sang xây dựng mô hình “Gia đình học tập” và đang ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội. Để thực hiện các mô hình này có hiệu quả, vai trò nêu gương của người lớn, kể cả người cao tuổi, là rất quan trọng. Người lớn tuổi hiếu học không chỉ để vận động trí não, để khỏe hơn, có ích hơn mà còn lan tỏa đến các thành viên khác một cách tích cực hơn!
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)