Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bài học từ lùm xùm phim “Em và Trịnh”

Tạp Chí Giáo Dục

Việc giáo sư Michiko Yoshii thông qua luật sư đại diện Nguyễn Thị Diễm Phượng yêu cầu nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh, thông tin về bà nhưng không xin phép đã nối dài danh sách nguyên mẫu không hài lòng về hình ảnh của mình trên phim này.

Phim "Em và Trịnh" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, chính thức ra rạp Việt từ ngày 17-6. Phim dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn 1950-1990, từ lúc trẻ đến trung niên, với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, không theo trật tự thời gian.

"Em và Trịnh" đã thu hút sự chú ý với vô số tranh luận trái chiều. Ngày 15-9, trong một chương trình trò chuyện đăng tải trên kênh YouTube Coffeerary, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết giáo sư Michiko – nguyên mẫu của nhân vật Michiko trong phim "Em và Trịnh" – yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi công khai. Theo giáo sư Michiko, đoàn phim, nhà sản xuất "Em và Trịnh" chưa bao giờ liên lạc với bà để xin phép trước khi làm phim.

Sau khi giáo sư Michiko lên tiếng, phía nhà sản xuất phim là Galaxy Play ngày 20-9 cũng đã phản hồi rằng sẽ giải quyết vụ việc này dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bằng tất cả sự tôn trọng dành cho giáo sư. Theo luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, do Galaxy Play phản hồi trễ nên bà đã gửi văn bản đến Cục Điện ảnh và các cơ quan quản lý khác để xin ý kiến về hướng hành xử thích hợp cho các bên đối với vụ việc này, tránh đẩy sự việc đi xa. Dẫu vậy, phía giáo sư Michiko và gia đình chờ đợi lời xin lỗi, gia hạn thêm cho Galaxy Play 10 ngày nữa.

Bài học từ lùm xùm phim Em và Trịnh - Ảnh 1.

Nhân vật Michiko và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Giáo sư Michiko là nguyên mẫu thứ 3 lên tiếng không hài lòng về nhân vật của mình trong phim "Em và Trịnh". Trước đó, ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Thanh Thúy cũng phản ứng về cách xây dựng hình tượng cũng như những chi tiết sai lệch về mối quan hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim.

Việc xin phép có thể bằng cuộc gặp trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện khác như điện thoại, thư điện tử… rất dễ dàng trong thời nay. Việc xin phép cũng là phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng khi sử dụng tên, câu chuyện của họ cho mục đích kinh doanh dù hiển nhiên có sự hư cấu, không còn giống nguyên mẫu.

Từ những lùm xùm của "Em và Trịnh", một bài học dành cho nhà làm phim rằng sự cẩn trọng, tôn trọng tác giả, tôn trọng nhân vật nguyên mẫu sẽ là tấm chắn giúp tránh tranh cãi sau khi tác phẩm ra rạp.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)