Tri ân người đã cưu mang mình trong những tháng năm lên thành phố theo học đại học, những ngày tháng 11, hai thầy giáo quê Quảng Trị là Nguyễn Viết Tước và Đoàn Hùng Việt đã quay trở về chung tay giúp bà Trần Thị Dưỡng ở TP.Đà Nẵng sửa sang lại nhà cửa. Nghĩa cử ấy như một bài học tử tế, cho bao thế hệ học trò học tập.
Hai thầy giáo Đoàn Hùng Việt và Nguyễn Viết Tước (thứ nhất và thứ 2 từ phải sang) trở lại thăm nhà bà Gái – người đã cưu mang họ trong những tháng năm theo học đại học
Chật bụng, không chật nhà
Căn nhà nhỏ của bà Dưỡng (tên thường gọi là bà Gái) nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Những ngày tháng 11, không khí rộn ràng hơn thường lệ khi bà đón hai vị khách từ Quảng Trị đến thăm. Bên ân nhân của mình, thầy giáo Nguyễn Viết Tước (giáo viên Trường TH-THCS Hải Vĩnh) và thầy Đoàn Hùng Việt (giáo viên Trường TH-THCS Trung Nam) cùng ôn lại những tháng năm rời quê, lên phố theo học. Thầy Tước kể lại: “Đó là năm 1998, tôi và anh Việt cùng đỗ vào Trường CĐ Thể dục thể thao Đà Nẵng (bây giờ là Trường ĐH Thể dục thể thao). Kinh tế gia đình ngày đó khó khăn, nhóm 7 anh em cùng là sinh viên đi tìm thuê trọ thì may mắn gặp nhà chị Gái. Hỏi han tình hình một lúc, chị bảo: “Nhà chị chật nhưng cũng có chỗ cho hai đứa ở miễn phí. Còn 5 đứa kia để chị đi xin nhà bà con cho ở. Học được cái chữ là tốt rồi”. Hôm đó, sau một hồi xách nón đi quanh xóm, nơi các gia đình chị em, họ hàng của mình, bà Gái đã xin được chỗ ăn ở cho cả nhóm sinh viên. “Các em khỏi lo, chật bụng chứ không chật nhà”, bà Gái nói và xếp gọn đồ đạc trên căn gác lửng của nhà mình cho hai chàng sinh viên Nguyễn Viết Tước và Đoàn Hùng Việt làm nơi tá túc.
Chồng mất sớm, bà Gái một nách nuôi hai đứa con bằng nghề làm cá thuê ở nhà máy thủy sản. Nhiều bữa xin được mớ cá ngon, bà tất tả ra chợ mua thêm rau, về nấu cơm và dặn hai chàng sinh viên cùng nhà về dùng cơm chung. “Tôi biết hai đứa từ quê đi ra cũng không khá giả gì. Mình dù nghèo nhưng hôm nào có cái ăn ngon đều bảo hai đứa ăn cùng. Cũng chỉ thêm đôi đũa, chiếc bát mà có thể nhẹ đi cho mấy đứa một bữa chợ thì trong lòng cảm thấy vui. Tôi xem các em như người thân trong nhà, gian khó giúp nhau là vậy”, bà Gái bộc bạch.
Trở lại thăm ân nhân, thầy Tước xúc động: “Lòng tốt của chị Gái đã dìu dắt anh em chúng tôi đi qua cả quãng đường sinh viên khó khăn. Nếu không có chị Gái, chắc hẳn việc tiếp tục đến giảng đường của tôi sẽ còn gặp nhiều gian nan nữa. Quê tôi ở vùng trũng của huyện Hải Lăng, lụt lội thường xuyên nên nhà có một đứa con vào đại học là quanh năm ba mẹ phải chạy vạy ngược xuôi. Hôm rủ mấy anh em đi bộ từ trường vào nhà chị Gái hỏi xin tá túc, tôi cũng không dám nghĩ người dưng lại tốt đến vậy. Thế mà cổ tích là có thật”.
Sự tử tế của những người thầy
Tròn 25 năm sau, kể từ ngày mở lòng đón các chàng sinh viên quê nghèo đến ở miễn phí, thầy Tước và thầy Việt vẫn giữ mối liên lạc với người đã giúp đỡ mình. Thâm tình ngày càng bền chặt, chỉ có căn nhà nhỏ của bà Gái dường như vẫn y nguyên, thời gian và mưa nắng làm cũ mèm mái tôn, thủng lỗ chỗ. Thầy Tước và thầy Việt bàn nhau kêu gọi thêm mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ. “Anh em chúng tôi định thay mái tôn, sơn lại tường nhà vài năm trước nhưng thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Mãi đến nay, dự định đó mới thực hiện được”, thầy Tước cho biết.
Sau hơn 2 tuần tiến hành sửa chữa, mái tôn trần nhà được thay thế và tường đã được sơn mới. Bước qua tuổi 68, sức khỏe yếu, từ lâu bà Gái đã nghỉ việc ở nhà máy thủy sản, ở nhà đan áo len kiếm thêm thu nhập để phục vụ cuộc sống. Bà Gái bảo: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có ngày ngôi nhà của mình có thể được sửa chữa khang trang, sạch đẹp như thế này. Tôi vui lắm, vui nhất là được gặp lại các em – bây giờ đã trở thành các thầy giáo giảng dạy học trò cùng nhiều việc làm ý nghĩa”.
Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Tước và thầy Việt đều bảo: “Phải có duyên mới nợ nhau một đoạn ân tình. Chúng tôi luôn ghi nhớ những ân tình mà một người phụ nữ nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm như chị Gái đã trao cho hai anh em trong lúc khó khăn, giữa chốn phồn hoa đất khách. Ghi nhớ lòng tốt của người khác dành cho mình cũng là cách để mình sống tốt hơn, tử tế hơn”. |
Cũng ghi nhớ những ân tình ấy, hơn 10 năm qua, thầy Tước đã ngăn dòng kênh thủy lợi, mở lớp dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn học sinh. Mùa hè vừa qua, thầy Tước lại cùng thầy Việt tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho học trò ở Trường TH-THCS Trung Nam, TH-THCS Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh)… Việc làm ấy với thầy Tước và thầy Việt là cách để nhân lên những mầm thiện, sự đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau trong các thế hệ học trò, cũng là cách tri ân những người đã giúp mình trên một đoạn đường thời còn đi học, như chị Gái. Bên cạnh mục đích giúp học sinh biết bơi, chung tay cùng địa phương phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Tháng 11, người ta nói nhiều về những đóa hoa tri ân công ơn của thầy cô giáo – những người lặng thầm đưa những chuyến đò chở chữ sang sông, đưa học trò cập bến bờ tri thức, tiếp cận tương lai tươi sáng. Trong căn nhà nhỏ của bà Gái ở đường Trần Cao Vân, câu chuyện nghĩa tình giữa người chủ nhà tốt bụng và hai thầy giáo rôm rả, vui tươi. Tình người thăm thẳm, chỉ khi được nghe, được chứng kiến những cái siết tay thật chặt mới hiểu trọn hai chữ ân tình. “Đã chọn lấy nghề giáo để gắn bó, bài giảng đầu tiên dành cho học trò cũng là bài học cho chính bản thân mình là phải sống tử tế”, thầy Tước nói.
Hàn Giang
Bình luận (0)