Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bài học từ xuất khẩu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lao động VN trong một giờ học giáo dục định hướng tại Nhật Bản. Ảnh: C.T.VLao động VN được chủ sử dụng lao động các nước đánh giá cao ở tính cần cù, chịu khó, nhanh thích nghi với công việc. Nhưng điều mà họ than phiền nhất là sự tự do, tùy tiện trong sinh hoạt và làm việc. Việc bồi dưỡng văn hóa nghề nghiệp gắn với việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người lao động đi XKLĐ vẫn đang còn bỏ trống…

Vi phạm những điều cấm

Cuối năm 2004, 68 lao động VN tại Malaysia đánh nhau với lao động Bangladesh, bị trục xuất về nước. Sự việc gây xôn xao dư luận, xảy ra ngay sau khi VN vừa mới mở thị trường này. Nhưng chuyện lao động VN đánh nhau với lao động nước ngoài lâu lâu vẫn xảy ra; thậm chí họ “choảng” cả đồng hương. Người viết còn nhớ có một lần vào thăm lao động VN ở ký túc xá của Công ty Bảo Cần (thị trấn Wuchi, Đài Trung – Đài Loan), được bà chủ công ty này cho chiếu lại hình ảnh, qua camera hai lao động VN dùng dao, ghế xông vào đánh nhau trí mạng, chỉ vì cãi cọ quanh chuyện bật, tắt tivi. Hậu quả một người phải vào viện cấp cứu, một người sợ cảnh sát bắt đã trốn biệt.

Ở Malaysia, đình công nằm trong 16 điều cấm và chỉ cần 3 ngày tự ý nghỉ việc – dù bất kỳ lý do gì cũng bị ghép vào tội đình công, bị trục xuất về nước. Cuối tháng 11-2005, 10 lao động do Chi nhánh Công ty Enlexco tại TPHCM đưa sang Malaysia làm việc bị trục xuất về nước vì lý do này. Khi sự việc không còn khả năng can thiệp, người lao động tự biện hộ cho mình: Vác gậy gộc xuống đường mới gọi là đình công; đằng này chỉ nghỉ việc để đòi quyền lợi sao gọi là đình công…

Ở nước ngoài, nhất là các nước theo đạo Hồi, việc uống rượu và đặc biệt nấu rượu lậu là điều cấm kỵ. Quy định là thế, nhưng một số lao động vẫn bất chấp. Từng xảy ra vụ 13 lao động do Tracodi và Coopimex đưa sang Malaysia bị cảnh sát Malaysia bắt về tội nấu rượu lậu, bán lại cho công nhân mình. Hay ở Trung Đông, có người nấu cả 60 lít rượu, bị bắt giam. Hơn 600 lao động VN từng bị tạm giam ở Trung Đông vào những tháng đầu năm 2007, với những lý do đánh nhau, trộm cắp vật liệu, uống rượu và nấu rượu lậu.

Từ vi phạm đến tội phạm

Một mảng tối của XKLĐ vẫn đang tồn tại và còn rất nhiều vi phạm do chính người lao động gây ra. Trong hồ sơ của các doanh nghiệp phái cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, những vụ việc liên quan đến lao động mang tội trộm cắp bị đưa ra tòa, phạt tù, trục xuất về nước không phải là ít. Có người vào siêu thị, vào cửa hàng chỉ để lấy cái đồng hồ, máy nghe nhạc, có người vì thích khăn choàng cổ nên… tiện tay bỏ vào áo, thế là bị bắt. Ở Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản… lao động VN có tiếng với mánh xài thẻ điện thoại giả. Ở Seoul – Hàn Quốc, để… tiết kiệm tiền đi tàu điện ngầm, hai lao động chỉ cần mua một thẻ và ôm nhau nhảy lò cò qua cổng. Ở Malaysia, chó thả rông trong ký túc xá, ngoài đường, ngay tức thì sẽ bị bắt và đưa lên… bàn nhậu.

Ranh giới giữa vi phạm và tội phạm là rất mong manh khi người lao động không ý thức hết hậu quả do mình gây ra.

Đừng để “đếm cua trong lỗ”

Trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật kém… là những hạn chế, nhược điểm của lao động VN ở nước ngoài. Điều đáng lo ngại là hơn 80% lao động đi XKLĐ hiện nay là lao động nông thôn. Giám đốc một công ty XKLĐ nói rằng: Chỉ sau một đêm và cách một vài giờ bay, nông dân bỗng nhiên trở thành công nhân. Do vậy, khó tránh khỏi những rủi ro, phức tạp xã hội mà bản thân họ không lường hết hậu quả, hoặc không đủ sức để tự uốn nắn, răn đe mình.

Bồi dưỡng văn hóa nghề nghiệp gắn với giáo dục nhận thức, nâng cao hiểu biết pháp luật cho lao động xuất khẩu phải được xem là khâu rất quan trọng. Đáng tiếc là thời gian qua, vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp XKLĐ xem trọng.

Bồi dưỡng văn hóa nghề nghiệp gắn với giáo dục nhận thức, nâng cao hiểu biết pháp luật cho lao động xuất khẩu phải được xem là khâu rất quan trọng. Đáng tiếc là thời gian qua, vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp XKLĐ xem trọng. Không ít doanh nghiệp vì muốn tuyển được, tuyển đủ lao động, đã tuyển dụng ồ ạt, tô thêm “màu hồng” thu nhập cao, công việc dễ dàng cho bản hợp đồng; còn việc tập trung dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức chỉ qua loa chiếu lệ. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động “đếm cua trong lỗ” với suy nghĩ ra nước ngoài là dễ kiếm tiền, nhanh làm giàu…

Pháp luật không có chỗ cho sự thiếu hiểu biết. Tâm lý tiểu nông với lối hành xử tự do, tùy tiện chỉ được cởi bỏ dần phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nhưng nó cũng cần hơn nữa trách nhiệm của chính các nhà làm công tác XKLĐ trong việc bồi dưỡng kiến thức văn hóa nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết cho người lao động.

 

Theo nld.com.vn

Bình luận (0)