Nhiều giáo viên các trường ở Hà Nội cho biết câu chuyện một nữ sinh tự tử trong giờ học xảy ra ở một trường của tỉnh Thái Bình khiến họ giật mình, vì trong giáo giới khá phổ biến quan điểm thầy cô mắng, phạt học sinh cũng chỉ vì muốn các em chăm học hơn, ngoan hơn.
Trường THPT Đông Quan (Thái Bình) nơi có nữ sinh nhảy qua lan can tự tử trong giờ học ngày 7-1. Ảnh: VTC. |
Trả lời PV, lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT cho biết, họ đặc biệt quan tâm sự việc Thái Bình. “Chúng tôi đã điện cho Sở GD&ĐT Thái Bình yêu cầu báo cáo về Bộ diễn biến sự việc”, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, nói.
Chì chiết, thóa mạ học sinh – không hiếm
Từ vụ nữ sinh Thái Bình, một giáo viên ở một trường THPT của Hà Nội cho rằng, học sinh thời nay nhạy cảm, tâm tính phức tạp. Một giáo viên lại phản đối. Chị dẫn ra một câu chuyện mà chị chứng kiến cách đây gần 20 năm ở Trường THPT H., Bắc Ninh.
Một nữ sinh lớp 12 có học lực trung bình, nhiều lần không làm bài kiểm tra tốt đã bị giáo viên xỉ vả, mắng chửi. Thậm chí, giáo viên đó đã căn cứ vào tầm vóc cao lớn, khoẻ mạnh của học sinh để nhạo báng, cho rằng em to xác nhưng học thì ngu. Phẫn uất với sự sỉ nhục đó, buổi tối cùng ngày em học sinh đã treo cổ tự tử.
Hiện tượng bắt học sinh chép phạt gần như ở trường nào cũng có. Không hiếm gì trường hợp gọi học sinh là thằng này, con nọ, thoá mạ học sinh trước sự chứng kiến của tất cả học sinh khác trong lớp. Trường hợp một cô giáo xỉ vả học sinh hàng chục phút, bị học sinh ghi âm rồi tung lên mạng internet ở Hải Phòng năm ngoái là một ví dụ tiêu biểu.
Thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân – Long Biên nhận xét: “Tôi đã làm quản lý ở nhiều trường khác nhau và nhận thấy có nhiều giáo viên ứng xử thiếu nghiệp vụ sư phạm. Trong giao tiếp với học trò họ hay dùng cách nói chì chiết, lời lẽ không phù hợp với môi trường đòi hỏi sự mô phạm, đặc biệt là các giáo viên nữ và là giáo viên trẻ.
Với những tình huống đặc biệt, bất ngờ, phức tạp thì không nói làm gì. Đằng này với cả những tình huống rất phổ biến trong nghề giáo như học sinh làm bài không tốt, không tập trung trong giờ học nhiều thầy cô cũng không xử lý đúng”.
Tiết học thân thiện, hòa đồng giữa cô và trò trường THCS Kim Giang, Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú. |
Không có cẩm nang ứng xử sư phạm
Thầy P.H, giáo viên một trường THPT kể về trường hợp của chính mình với tư cách là một phụ huynh: “Con tôi là học sinh một trường tiểu học nổi tiếng ở quận Ba Đình, Hà Nội. Một lần cháu đang ngủ trưa thì thấy lạnh nên dậy lấy thêm áo mặc vào. Cô giáo thấy vậy thì quát cháu, cháu trả lời lại thì cô cho là cháu hỗn hào, cãi bướng nên phạt cháu đứng trên bục giảng.
Vào buổi học chiều, cô vẫn không cho cháu về chỗ. Bỗng nhiên cô phát hiện cháu đã biến mất, cùng cả lớp đi tìm nhưng không được. Mãi tận tối mịt, cháu mới lò dò xuất hiện. Hoá ra cháu trốn ở một góc không ai biết trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, nhiều tháng sau cháu rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất. Về sau, tôi thuyết phục được cô giáo nói lời xin lỗi cháu, cháu mới hồn nhiên, vui vẻ trở lại”.
Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, trước đây Hà Nội tổ chức thi tuyển giáo viên, hầu hết giáo viên trẻ đều biểu hiện sự lúng túng khi được hỏi về ứng xử sư phạm. Không chỉ giáo viên trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm mới ngộ nhận về tác dụng của những hình phạt hoặc những lời mắng mỏ. Gần đây, một phó hiệu trưởng một trường THPT gọi một học sinh lên phê bình trước toàn trường.
Nghiệp vụ sư phạm không chỉ hổng ngay trong các trường sư phạm mà cả ngành GD&ĐT cũng chưa quan tâm đúng mức. “Hằng năm rất nhiều hội thảo, hội nghị kèm theo các tài liệu về chuyên môn được phát, nhưng một cuốn cẩm nang chính thức về ứng xử sư phạm cũng chưa có. Gần đây, NXB Giáo dục có cuốn 100 tình huống sư phạm nhưng cũng chỉ được phát hành dưới dạng tài liệu tham khảo nên gần như chẳng đến được với mấy giáo viên”, thầy Đặng Đình Đại nói.
Trở lại chuyện của nữ sinh Thái Bình, ông Ngũ Duy Anh nói tiếp: “Quan điểm chúng tôi là nhà trường phải là nơi đảm bảo an toàn nhất cho học sinh. Vì vậy, trong quá trình giáo dục giáo viên cố gắng nắm bắt được diễn biến tâm lý của học sinh để có cách ứng xử phù hợp, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”,
Nói thì dễ nhưng hiện thực có lẽ còn lâu mới được thế khi một hiệu trưởng nói: “Trường sư phạm chưa dành thời lượng cần thiết cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Họ có dạy tâm lý học nhưng dưới dạng những kiến thức kinh nghiệm, dùng cho người làm công tác nghiên cứu chứ không phải dùng cho những nhà thực hành”.
Theo Quý Hiên
(TP)
Bình luận (0)